Chuyện người đi giữ biển
Ngày đăng: 06/05/2024; 83
THANH VĨNH
 
          Người đó là Tống Văn Quang - một trong số hàng ngàn cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Xây lắp Thành An 96, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng - một đơn vị đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Cùng các đồng chí, đồng đội - những người lính làm nhiệm vụ gìn giữ biển, đảo; những người lính đi xây đảo như Quang đang ngày đêm vượt lên mọi gian khổ, khó khăn, góp phần xây dựng, phát triển nền kinh tế biển Việt Nam và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
          Tôi gặp Quang trên tàu 490 khi cùng Đoàn công tác số 2 đi thăm, tặng quà, chúc Tết quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhân năm mới 2023 và Xuân Quý Mão sắp về. Buổi chị em tôi quen nhau, là một ngày cuối của năm 2022. Khi đó, hải trình chúng tôi đi đã bước sang ngày thứ 8. Cuối năm, những cơn gió mùa Đông Bắc dù cạn mùa nhưng vẫn nối nhau tràn về khiến biển động triền miên. Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài gần 20 ngày trên biển, mà hầu như ngày nào cũng sóng cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Con tàu 490 to lớn là vậy mà nhiều khi bị sóng dằn xóc, nhồi dúi liên hồi nên cứ rùng rùng chao lắc, nghiêng ngả trồi lên hụp xuống. Sóng cuộn lấp kín cửa sổ phòng tôi ở. Sóng hú ào ào hai bên mạn tàu. Sóng, theo gió, lúc thì lừ lừ trỗi dậy, lúc lại lừng lững dâng ngang tầm mắt, hằm hè, đe dọa. Đồ đạc đã được giằng buộc, chèn kê cẩn thận vậy mà vẫn rung bần bật, thậm chí có khi bị đổ kềnh. Thi thoảng phía phòng ăn, khu vực nhà bếp lại có tiếng nồi xoong bị sóng quăng rơi loảng xoảng. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi, cả các chiến sĩ, đều bị say sóng. Có người liên tục nôn ói rồi nằm li bì. Chỉ đến khi, tàu 490 buông neo trên vùng biển trong cụm đảo Song Tử Tây - Đá Nam, chúng tôi mới gắng gượng trỗi dậy, đỡ nhau lần lên boong tàu vừa để làm quen dần với nắng gió trùng khơi, cũng là chuẩn bị tinh thần lên đảo tác nghiệp. Trong một lần như thế, tôi gặp Tống Văn Quang.
Khi ấy, Quang đang đứng một mình trên boong. Vẻ mặt tư lự, ánh mắt lặng dõi sâu vào triền miên sóng biển của em có cái gì đó khiến tôi bị thu hút. Quang có vóc người tầm thước, gương mặt khắc khổ, sạm đen vẻ dầu dãi - dấu tích của nắng gió Trường Sa. Sóng gió lớn, nên hành lang boong tàu thưa người qua lại. Bám chắc vào lan can tàu cho bớt sự lao đao vì say sóng, tôi tiến đến, cất tiếng chào. Quang ngoảnh lại, mỉm cười, đáp lời. Chị em tôi làm quen với nhau. Rồi câu chuyện của chúng tôi mở ra, như lẽ tự nhiên... Trong tiếng sóng ầm ập quật vào thân tàu, tôi được nghe chuyện của người đi xây đảo.
Những niềm riêng không dễ sẻ chia 
Cũng phải nói thêm là, thoạt đầu, Quang rất dè dặt, luôn tránh nói về mình. Chỉ khi có thêm một người lính (sau đó tôi được biết, đó là Trung tá Nguyễn Công Hải, sinh năm 1976, quê Thanh Hoá, đang trên đường ra làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây) bước đến làm quen, rồi cùng trò chuyện với chúng tôi, thì Quang mới dần cởi mở, chia sẻ.
          Quang cho biết: Em sinh năm 1980, quê Đông Quan, Đông Hưng, Thái Bình. Rời quê nhà, theo đơn vị vào Nha Trang làm việc, Quang cưới vợ là người Nha Trang rồi lấy Nha Trang là nơi “an cư”. Hiện Quang đã là bố của 5 cô con gái. Đứa lớn nhất đang học lớp 8 và nhỏ nhất mới hơn một tuổi. Các bé đang tuổi ăn tuổi lớn nên vợ Quang phải ở nhà chăm sóc con cái. Cũng có nghĩa, Quang là trụ cột, gánh vác sinh nhai của cả gia đình.
Lần đầu tiên Quang cùng đơn vị nhận nhiệm vụ ra Trường Sa xây đảo là vào năm 2015. Từ đó đến nay (2022) em và các đồng đội đã tham gia xây dựng trên 6 đảo: Phan Vinh, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Tây (2015, 2017), Trường Sa (2018), rồi Sinh Tồn... Đợt đi làm nhiệm vụ trên đảo dài ngày nhất là 18 tháng, đợt ngắn nhất cũng 6 tháng, đồng nghĩa với việc xa nhà liên tục từng ấy thời gian. Mới đây nhất, năm 2022, Quang cùng đơn vị đi xây dựng, khắc phục, sửa chữa sau bão một số công trình trên đảo Song Tử Tây. Khi tàu 490 đưa đoàn công tác đi thăm, tặng quà, chúc tết quân dân huyện đảo Trường Sa (chuyến đi kéo dài từ trung tuần tháng 12/2022 tới đầu tháng 1/2023), Quang và một số đồng đội được theo tàu về đất liền ăn Tết con Mèo 2023 cùng gia đình. Tết xong, vào quãng 15 tháng Giêng, Quang sẽ cùng đồng đội tiếp tục đi xây đảo.
- Xa nhà thường xuyên lại dài ngày như vậy, trong khi ngày trước sóng điện thoại, mạng Internet nơi biển, đảo xa xôi gần như không có, và kể cả hiện nay, dù đã được cải thiện, nhưng việc liên lạc về đất liền vẫn là khó khăn, Quang làm thế nào để chia sẻ cùng vợ việc gia đình, con cái? - Tôi hỏi.
- Chúng em phải khắc phục thôi ạ. Trước nhất là vợ chồng phải đồng tâm, hiểu công việc, khó khăn của nhau, hết sức chia sẻ với nhau. Trong việc này, vợ em phải chịu vất vả hơn em nhiều. Hầu như những khi con đau ốm, sài đẹn, một mình cô ấy phải gánh vác. Cũng cực lắm nhưng chúng em phải quen, phải cố gắng vì không còn cách nào khác. Cũng may, các cháu nhà em “dễ nuôi”, ngoan ngoãn, vợ em cũng tháo vát, xoay xở, đảm đương mọi nhẽ…
- Đấy là việc hằng ngày, còn những khi trong họ trong nhà có công to việc lớn, các em phải làm sao?
- Cũng thế chị ạ! - Quang cười, đáp ngay - Bố mẹ hai bên thì hoàn toàn thông cảm với em rồi. Vợ em cũng quen việc chồng quanh năm vắng nhà, nên rồi cũng ổn thoả cả. Bây giờ sóng điện thoại cũng tốt hơn, tranh thủ giờ nghỉ, em gọi về. Chúng em hầu như toàn bàn việc nhà, giải quyết việc nhà qua điện thoại, theo kiểu bây giờ vẫn nói là học on-lai (online), làm việc online đó chị…
 Nói đến đây, gương mặt sạm nắng gió của Quang chợt tươi ngời. Chúng tôi cùng bật cười, khi nghe em ví von ngộ nghĩnh.
Bên cạnh Quang, Nguyễn Công Hải vừa cười vừa nói luôn:
- Đúng thế! Nhà bạn cũng giống nhà tớ! - Quay sang tôi, Hải kể - Chị biết không, năm rồi (2022 - TV), vợ chồng chúng em quyết tâm làm nhà mới vì các cháu nhà em sắp lớn cả, và căn nhà cũ quá chật chội, xuống cấp. Nhưng khi đó, em vẫn đang ở đảo. Vậy là, em quyết định làm nhà theo kiểu trực tuyến (online), làm nhà “từ xa” đấy chị!
- Tức là…
- Vâng! Tức là qua điện thoại hết, từ chọn “chốt” kiểu nhà, ngày khởi công, mua nguyên, vật liệu, thuê mướn thợ… từ khi cuốc móng tới hoàn thiện, mọi sự đều bàn rồi quyết qua điện thoại hết. Tranh thủ giờ nghỉ, có sóng, em gọi về “chỉ đạo” từ xa. Như thế, chả là làm nhà kiểu online à chị! Ngay lúc này, em đang hành trình ra đảo, ở nhà thợ vẫn đang hoàn thiện chị ạ! Hiểu cảnh nhà em, các anh em thợ cũng rất chia sẻ, nên em cũng yên tâm...
Mấy chúng tôi lại cười, vui lây niềm vui “khắc phục khó khăn” của lính đảo. Nhưng, trong tim tôi, dâng một cảm xúc khó tả. Sự hi sinh thầm lặng, không dễ sẻ chia đó của những người lính như Quang, như Hải… liệu có bao người thấu hiểu, đồng cảm? Đã đành, các anh các em là người lính. Đã là người lính, an nguy của Tổ quốc trên hết, hoàn thành nhiệm vụ là trên hết. Tuy nhiên, là một công dân của đất nước, ai trong chúng ta chẳng ít nhiều đã, đang tham gia, gánh vác trách nhiệm, công việc nào đó với xã hội. Nhưng dám chắc, sẽ không có ai phải gánh chịu những hi sinh thầm lặng nhiều khi là đặc biệt như những người lính đã trải.
Không trải gian khổ, chưa là lính đảo
Các công trình mà Quang và đơn vị xây dựng trên đảo là nhà ở, nhà làm việc, âu tàu, bờ kè, trạm xá, bể chứa nước ngọt, nhà chùa, trường học, căn hộ… Với Quang, mỗi điểm đảo, mỗi công trình mà anh cùng đồng đội góp sức dựng xây nên luôn chứa đựng những ký ức khó quên. Trong đó, điều đầu tiên khiến những ai từng ra đảo không thể không nhớ, đó là nỗi khắc nghiệt, dữ dằn của khí hậu, sóng gió trùng khơi.
Các đảo đều cách xa đất liền hàng trăm, tới vài trăm hải lý. Nối đảo với đất liền, thường là những chuyến tàu. Thế nhưng, nhiều khi sóng gió bất thường, khó lường, khiến không ít chuyến tàu dù ra tới đảo, mà vẫn rất chật vật mới có thể đưa người, vận chuyển hàng hoá, nước ngọt, trang thiết bị công tác… lên đảo. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Ngày trước, các đảo còn rất hoang sơ, cuộc sống của lính đảo thiếu thốn, vất vả đủ bề; nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh, lại thêm nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền cồn cào cùng không ít nỗi niềm không dễ bày tỏ. Thế nên, mỗi lần nhận nhiệm vụ đi xây đảo, là một lần, Quang và đồng đội đối diện khó khăn, thử thách. Nhưng khi đã quyết tâm, thì chẳng nỗi khó nào các anh không vượt qua, cùng nhau nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Công việc của người đi xây dựng chưa khi nào là dễ dàng, ngay cả khi làm việc trên đất liền, trong môi trường quen thuộc, có nhiều thuận lợi về mọi mặt. Nói như thế để hình dung, những khó khăn, vất vả, cả hiểm nguy mà người đi xây dựng giữa trùng khơi phải chịu đựng, vượt qua là bội phần.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến tâm sự của một chiến sĩ trẻ khi lần đầu đi làm nhiệm vụ trên biển xa. Em chia sẻ: Dù là người cứng cỏi và chai sạn bao nhiêu, khi đứng giữa biển khơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý, bạn sẽ vẫn cảm thấy cô đơn, nhỏ bé vô cùng. Những lúc rảnh rỗi, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền lại trào dâng khi bốn phía xung quanh chỉ là mênh mông sóng nước, không sóng điện thoại, không Internet...
- Làm việc trong điều kiện ấy, Quang và anh em mình thường gặp khó khăn nào là nhiều nhất? Công việc xây dựng ở đảo nào gặp nhiều gian khổ nhất - Tôi hỏi. Quang đáp ngay:
- Đá Tây, chị ạ! Đi xây đảo Đá Tây có lẽ là gian khổ nhất. Còn khó khăn thì nhiều lắm! Khi đó, là khoảng năm 2015, đơn vị em nhận nhiệm vụ đi xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây. Lúc đó, Đá Tây trơ trọc. Thổ nhưỡng của đảo là con số “không”. Đảo không một bóng cây. Khắp đảo chỉ một màu cát san hô trắng xám nhìn mà nhức mắt. Ban ngày nắng nóng rộp da, ban đêm lại lạnh se môi. Ngày ấy, Đá Tây không có nước ngọt. Nên để có nước sinh hoạt, bên cạnh nguồn nước đất liền cấp theo các chuyến tàu ra đảo thì mỗi khi đảo có mưa, cán bộ, chiến sĩ, công nhân chúng em lại hè nhau mang đủ mọi vật dụng có thể chứa được nước ra hứng nước... Nhưng không phải trận mưa nào cũng hứng được nước mưa đâu chị. Có trận, mây cuộn đen kịt, sà qua đảo, gió thổi như phát cuồng, như sắp có thủy quái hiện ra vậy mà chỉ loái thoái đôi giọt như trêu ngươi rồi mây lại cuồn cuộn kéo nhau biến đi mất hút. Anh em em hì hụi khuân xoong nồi xô chậu, căng kéo cả mấy tấm nilon ra để chờ hứng nước thì ôi thôi, hết mưa… Đành thở dài, vác xoong nồi xô chậu đi cất rồi lại bắt tay vào công việc… Chỉ đến khi chúng em xây được bể chứa, thì nỗi khổ thiếu nước ngọt trên đảo mới từng bước được khắc phục.
- Chị biết không? - Đang nói, Quang bỗng dừng lại, hỏi, rồi em lại nói tiếp - Ngày đó, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, rau xanh từ đất liền ra đảo cũng rất khó khăn. Khí hậu, sóng gió khắc nghiệt nên lợn mang ra đảo được 7 con thì chết mất 6, 10 con gà, vịt ra tới đảo thì chết quá nửa. Rau củ quả tươi đi tàu đường dài đã bị úa héo, lên tới đảo lại tiếp tục úa héo, thối rũa gần hết vì không có thiết bị bảo quản do điện máy phát không đủ năng lượng để chạy tủ cấp đông…
Chuyện Quang kể, khiến tôi lại nhớ đến chia sẻ của một người lính đảo, khi tôi cùng anh trên hành trình ra Trường Sa năm 2018. Anh kể: Từng có khi, sóng gió lớn, tàu ra nhưng chưa thể chuyển kịp rau củ, thực phẩm lên đảo. Trên đảo, do liên tiếp bị sóng gió mặn táp nên vườn rau trên đảo sau vài đêm đã héo rũ, lá xám đen, khô kiệt. Trong bếp còn ít bí xanh anh nuôi cất giữ mãi, để dành không dám ăn tới. Tới khi cạn kiệt rau xanh, mới mang ra, thì ôi trời, quả bí đã khô kiệt như khúc xơ. Tiếc của, anh em vẫn cố gọt vỏ, xắt ra, nấu thành nồi canh để bữa ăn có chút hơi hướm rau xanh...  
Như nhận thấy câu chuyện kể về gian khổ đời lính đảo khiến không khí giữa mấy chúng tôi chùng lại, bồi hồi; Quang rủ rỉ nói tiếp:
- Nhưng, khó khăn đến đâu chúng em cũng nỗ lực khắc phục để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu rau xanh, được trong bờ gửi ra đất màu và hạt giống, tranh thủ giờ nghỉ, anh em trong đơn vị tích cực tăng gia, trồng rau. Thiếu nước ngọt, anh em sẻn so, tiết kiệm từng chút. Mỗi chút nước ngọt đều phải qua 4 lần tái sử dụng, từ rửa rau, vo gạo, rửa tay rồi dành tưới rau. Việc tắm rửa đều bằng nước mặn, sau đó, đứng vào trong chậu, dội tráng lại người bằng một, hai gáo nước ngọt. Nước đó, được tích lại, dành để tưới rau…  
Được biết, dù hiện tại các đảo đã được lắp đặt hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời, nhưng khí hậu biển, đảo khắc nghiệt, thiết bị thường nhanh hư hỏng, xuống cấp. Vì thế, chuyện thiếu điện vẫn luôn thường trực. Để thực hiện nhiệm vụ, điện được “ưu tiên” trong giờ làm việc, và cũng chỉ dành cho các trang, thiết bị, máy móc, phương tiệc công tác liên quan đến điện, không có điện không thể hoạt động. Đồng thời, vào buổi tối, điện được sử dụng dành cho cán bộ, chiến sĩ hội họp, sinh hoạt, xem thời sự. Mọi công việc, sinh hoạt khác đều phải tìm cách khắc phục.
- Chị biết không, Quang tiếp - Để đón khách ra thăm đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải chuẩn bị về mọi mặt từ cả tháng trời trước đó. Mà việc cần chuẩn bị đầu tiên đó là nước ngọt. Bộ đội trên đảo tiết kiệm hết sức có thể, dành nước đón khách thăm đảo. Ở đảo quanh quẩn chỉ có anh em đồng đội với nhau, thèm nghe cả tiếng trẻ đùa nghịch, nhớ cả tiếng vợ gắt con đấy chị. Ở những đảo lớn còn có các hộ dân, nên anh em ở đó có thể đỡ nhớ nhà nhớ đất liền, chứ trên đảo nhỏ nhớ nhà cồn cả ruột gan đó chị. Vì thế, chúng em rất nao nức khi được đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo…
Nghe Quang nói, tôi chợt nhớ, đã có lần, được nghe bạn tôi - chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh, kể: Một lần đảo Phan Vinh đón đoàn đại biểu từ Thành phố Hồ Chí Minh tới thăm. Khi đoàn đang tham quan nơi ăn chỗ ở của chiến sĩ, bỗng đâu một người lính bước ào tới, nắm chặt đôi bàn tay của chị nữ cán bộ khá lớn tuổi trong đoàn. Nước mắt giàn giụa, người lính trẻ nghẹn ngào: Cô! Cô ơi! Nhìn cô, con nhớ má con quá! Người nữ cán bộ sau giây khắc bất ngờ thì rất xúc động, bà ôm lấy người chiến sĩ trẻ, nói nhỏ nhỏ lời sẻ chia, an ủi… Thấy cảnh ấy, mọi người có mặt ở đó đều xúc động. Được biết, nơi quê nhà, người lính đó chỉ còn mẹ, vì cha em mất sớm. Dù nhà chỉ có hai mẹ con nhưng khi em nhập ngũ, mẹ luôn động viên em cố gắng theo kịp anh em, hoàn thành nhiệm vụ... Tuổi 19 rời vòng tay mẹ, lên đường ra với Trường Sa, nơi đầu sóng, em luôn nhớ lời mẹ dặn, tích cực học tập, rèn luyện, trở thành một chiến sĩ giỏi của đơn vị. Chỉ là, sau hơn một năm xa nhà xa mẹ, khi được đón đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo, em không thể kìm được cảm xúc…
Lại có lần, tôi được Đại tá Phan Văn Quang (Vùng 4 Hải quân) chia sẻ những hình ảnh chụp hoàng hôn trên biển, đảo cùng hình ảnh những người lính đau đáu dõi ảnh mắt về phía mặt trời đang chìm dần xuống biển. Anh bảo: Khi ấy, nếu hỏi những người lính rằng, họ đang nghĩ gì, sẽ nhận được lời chia sẻ chân thành: Họ đang rất nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền… Không hiểu sao, cứ khi hoàng hôn buông, là nỗi nhớ lại trỗi dậy hơn khi nào hết. Có người lính ước ao được chiều chiều tan giờ làm, được đi đón con giúp vợ việc nhà; có người lính lại mong một bữa cơm gia đình, được quây quần cùng cha mẹ… Trong cồn cào sóng gió, những nỗi nhớ ấy càng thêm cồn cào nơi ngực lính…
Kết nối những câu chuyện trên với điều Quang chia sẻ, đủ thấy, nơi bốn bề sóng gió, không thiếu hiểm nguy, gian khó, đằng sau hình ảnh cứng cỏi, kiêu hãnh, mỗi người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc luôn mang trong tim bao cảm xúc, nghĩ suy... Thế nhưng, vượt lên tất cả, mỗi người lính nơi đầu sóng luôn là một “cột mốc” vững vàng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Và bởi thế, mà mỗi khi nghe tin có đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo, anh em lại háo hức, tất bật chuẩn bị đón tiếp. Dù đoàn công tác chỉ lưu lại trên đảo trong khoảng thời gian rất ngắn, thì công tác đón đoàn vẫn luôn phải chu đáo, trọn vẹn nhất, từ việc hỗ trợ đại biểu lên, xuống đảo an toàn tuyệt đối, đến tiếp nhận hàng hoá, lương thực thực phẩm, nguyên nhiên liệu, trang thiết bị công tác từ đất liền đưa ra, và trước đó, là tập luyện, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, giao lưu với đoàn công tác, cũng là một dịp để chiến sĩ trổ tài cũng như thưởng thức các giá trị tinh thần... Trong rất nhiều việc có tên và không tên, khiến lính đảo ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu… hằng ngày vốn đã luôn căng thẳng, bận rộn, thì nay thêm những công việc này, người lính vẫn đảm bảo hoàn thành tốt. Chẳng thế, mà đến đảo nào, chúng tôi cũng nhận thấy rất rõ, sự bài trí, sắp xếp sáng tạo, đẹp mắt, khoa học… từ nơi căn chốn ở tới nơi thực hiện nhiệm vụ canh gác, sẵn sàng chiến đâu…
Thấy tôi ngồi lặng, Quang và Hải cùng cười, Hải nói to:
- Chúng em xem chị như là chị gái, nên chia sẻ ít nhiều về đời lính đảo. Chị yên tâm! Không trải gian khổ, sao là lính đảo, không qua nhọc nhằn, sao trụ vững với Trường Sa. Gian khổ thế nào, chúng em cũng vượt qua hết. Còn người, là còn đảo mà chị.
Nghe em nói, tôi không thể không mỉm cười, cười mà lòng vẫn rưng rưng niềm cảm phục, thương mến! Ngồi cạnh tôi khi này, trên boong con tàu 490 đang vững vàng đè sóng hướng về phía Song Tử Tây là hai người lính, một người đi giữ đảo, người kia đi xây đảo. Cả hai, cùng sạm đen nắng gió, cùng rắn rỏi, vững vàng. Các em là những người lính bình dị mà quả cảm, là những “cột mốc” đặc biệt, luôn “đóng cừ” vững chắc vào lòng biển quê hương, cùng đồng chí, đồng bào giữ vững chủ quyển biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng khi ấy, tôi càng thêm hiểu, thêm thấm thía, điều luôn nằm lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng: Đảo là nhà, biển cả là quê hương
T.V
(Còn tiếp)

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc