Quạt mo cau của ngoại
Ngày đăng: 31/03/2024; 74
VĨNH NGUYÊN
 
        Bà ngoại tuổi 95, ở quê cùng cậu mợ.
      Các cháu chắt nội ngoại đều xa nhà xa quê! Đứa là giáo viên. Đứa làm công ăn lương. Đứa phiêu bạt tận những miền đất có tên Hàn Quốc, Nhật Bản xa lăng lắc, lạ hoắc với mong mỏi đổi đời.
      Quả gò nơi cả nhà cư ngụ, tự khi mẹ, dì, cậu - những đứa con của ngoại còn là những đứa trẻ nhếch nhưởi lăn qua chinh chiến bom đạn khó nhọc thiếu đói lớn lên; rồi đến thế hệ những đứa cháu của ngoại bíu ríu nhau chơi nhởi nơi đầu ngõ hôm qua - nay vẫn còn đó, như một may mắn.
      Nói may mắn, bởi xung quanh đang ầm ã đổi thay thay đổi. Cánh ruộng trũng Dọc Chùa, Trổ Chợ chằm thấp rồi Cầu Giát, Ao Chinh bao mùa bao buổi dân quê mót lúa hái rau, tát vét đánh dậm, mò ốc úp cá cất vó tôm… đã bị lấp kín; những quả gò Làng Rằn, Đồng Thậm, Cây Chuối… bị chia thành đường to đường bé. Những con đường liên huyện, liên tỉnh, đường cao tốc xuyên Á ầm ầm cắt ngang làng như những nhát dao khổng lồ đã “chém” băng, “cắt” ngọt, san bằng tất cả.
       Cánh ruộng Trổ Chợ rộc cao bao năm đứa gái nhớn vẫn cùng mẹ tát nước gàu dai sà sã vụ cấy mùa, đập đất rã tay để trồng lạc vụ chiêm giờ biến mất, thay vào là mấy dãy nhà lô nhô cao cao thấp thấp xám xám xanh xanh. Cái cánh bãi mướt mát ngô khoai, bí bầu ven đê sông Lô, cả lối lên xuống bến đò Then mát lẹm bóng tre năm nào nay ken sát nhà cửa, hoặc đã thành đất 50 năm của những doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn lay lắt tồn tại trước những cơn “bão” giá, “bão” dịch... thất thường.
       Những nương dứa, gò sở, đồi chè “các cụ” (hình ảnh của thời hợp tác xã, nông dân ra đồng theo tiếng kẻng, hiệu quả lao động tính bằng công điểm; thành quả, sản phẩm đều được xem là của tập thể, được chia bình quân đầu người: từ mớ rơm tươi, lạng thóc ướt nhẹp nước lũ tiểu mãn, mớ rễ khoai lang gẩm mùi nước ngâm, mớ cá tát vét ao Cửa Đình...) cũng không còn. Thay vào đó là những bức tường rào lạnh lùng định rõ ranh giới, là cánh cổng sắt đi đóng về mở chốt khóa theo tay chủ... Nhìn đó, mà buồn, thấy con người bây giờ xa xôi khuất cách với nhau làm sao!
      Xã bây giờ là thị trấn huyện lỵ. Làng bây giờ được gọi là tổ dân phố! Trong làng xuất hiện nhiều gương mặt lạ xa. “Dân ngụ cư” ấy mà! - người làng thi thoảng chẹp miệng, nói với nhau như thế. Những người ấy đến làng khi một ngày huyện nhà chia tách địa giới hành chính, để huyện mới ra đời, mang tên dòng sông bên làng...
     Vẫn biết vật đổi sao dời, vẫn biết thế gian biến cải, sông hồ bị lấp núi đồi thành bình địa, nhưng cứ đổi cứ dời cứ biến cứ cải... cứ xoáy tít mù đến nỗi người đi xa về làng mà chẳng thấy làng, về quê mà lạc ngõ, làng chẳng còn là làng thì thật là... Lại thở dài. Day dứt. Tiếc xót. Mà không biết phải làm sao!
       Thế nên, sẽ là một may mắn, khi quả gò nằm ngay đầu làng, có cái tên là gò Mả Vàng, vẫn còn đó. Vẫn còn đó cái ngõ chung ba nhà chạy giữa bờ ao, bờ ruộng “rau xanh” - loại đất ruộng “năm phần trăm” (5%) - một dấu tích còn sót lại của thời hợp tác xã nông nghiệp. Vẫn còn đó ngôi nhà với ngoại và mẹ và cậu mợ - chốn đi về rất đỗi bình yên, thân thương cho con cháu sau mỗi nhọc nhã đường đời.
       Mảnh vườn nhà - là vạt sườn quả gò Mả Vàng rộng rãi, với những vạt chè, với quéo, muỗm, na, ổi, bòng, mít, dứa, khế, trám, cọ... Một dây nhót chon chót quả chín. Cây na còi e ấp bờ giếng. Cội mơ già cành lá rùm ròa. Rồi những bụi sim, mua, những dây lạc tiên... Lại có cả một bụi dây mỏ quạ e ấp hoa trắng khiêm nhường mọc len lách trong nách bụi tre gai - là thứ lá mà mùa hè nào ngoại cũng bứt về đun nước uống giải nhiệt tiêu viêm cho cả nhà. Viền quanh vườn nhà, là đám cúc tần, là những bụi hương nhu hăng hăng tỏa hương làm thơm từng cơn gió.
        Một ngày đầu hạ. Được nghỉ lễ, mấy chị em dẫn chồng vợ con cái kéo nhau về quê thăm nhà thăm ngoại. Lúa chiêm thì đứng cái ong óng xanh. Khu công sở chen lẫn với nhà cửa dân cư nhấp nhô mọc, che khuất cả tháp cổ Bình Sơn. Bê-tông trải thảm đường làng nên bánh xe lăn êm hơn, nhưng sao lại nghe lòng nao nao thương con đường này năm xưa màu đất đỏ son chạy giữa hai cánh đồng Quán Trác, Trổ Chợ miên man lúa ngô khoai đỗ. Nhớ cả từng cái “ổ gà” “ổ vịt” ngày nắng xóc nảy, ngày mưa đọng vũng; khiến lũ trẻ tinh nghịch trong đó có mình từng nhiều lần bị trơn trượt. Và nữa, nhớ khi mưa tạnh gió tan, có hẳn một mảng trời ngằn ngặt soi gương nơi ấy...
        Lác đác người làng đang lom khom trên những thửa ruộng còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa. Đánh tiếng hỏi chào, ngỡ ngàng giây lát, rồi a lên mừng rỡ khi nhận ra người quen... Mới bấy nhiêu thôi, mà như thấy có tia nắng ấm nào xôn xao trong ngực.
       Ngõ nhà đây rồi. Cái ngõ ba nhà chung lối. Vừa sang Hạ, cây trong vườn đang thì khép tán, ngun ngút xanh. Nghe tiếng đàn con cháu ríu ran kéo về, bà ngoại, cậu mợ... đều a ra đón. Mừng vui, rộn rã, rối rít cả tán cây vườn!
       Bà ngoại lụm cụm chống gậy, đàn cháu chắt ùa ùa đến. Đứa nào cùng muốn đi gần bà nhất. Tranh nhau hỏi khiến ngoại chẳng kịp giả nhời. Tranh nhau dắt tay ngoại vào bên phản gỗ. Khi đã yên vị, ngoại âu yếm cầm tay từng đứa cháu. Ngoại nhận ra mỗi đứa không bằng mắt nhìn. Tuổi 95, mắt ngoại đã mờ. Ngoại nhớ mỗi đứa cháu qua giọng nói, bước chân của nó. Trong xôn xao rối rít, chỉ cần ai đó cất tiếng là lập tức ngoại nhận ra đó là đứa nào. Ngoại nắn nắn cánh tay đứa gái lớn nhất, băn khoăn: Sao dạo này mày gầy thế hở con, bà sờ tay mày thấy toàn xương xương là. Chịu khó mà ăn vào. Đừng có thức khuya quá nữa. Ờ được, tóc mày vẫn dài nhỉ. Gớm mấy đứa nhà cậu mày hôm nọ về, bà sờ đứa nào cũng thấy đầu tóc ngắn củn lại còn xoăn tít như rơm rối ấy. Con gái phải biết giữ tóc giữ da con ạ. Ngoại ôm đứa chắt 3 tuổi vào lòng, thơm lên má nó, rồi khen: Mẹ cu chăm con được đấy, cụ thấy chắt chắc chắc là... Ngoại hỏi đứa cháu dâu: Dạo này con có phải đi làm về muộn như trước nữa không. Đàn bà hay đàn ông có làm vương làm tướng gì thì con cái gia đình vẫn là quan trọng nhất. Ham công tiếc việc nhưng phải nhớ con cái nhà cửa là hàng đầu đấy con ạ. Chứ bà thấy bây giờ thấy trẻ con dễ bị hư lắm. Mình là bố mẹ mà không để ý con cái từng tý là dễ ân hận không kịp lắm đấy... Cứ thế, ngoại hỏi han, căn dặn, nhắc nhở từng đứa cháu, chắt mọi điều. Giản dị mà thấm thía làm sao!
        Đang ríu ran, chợt cô cháu dâu lớn thấy đầu giường ngoại có cái quạt mo. Nó liền vơ lấy, quạt liên tiếp mấy cái, rồi bật hỏi: Cụ ơi! Cụ còn cắt được nhiều quạt mo không ạ? Mấy chị em đều ngoảnh cả sang. Ngoại móm mém: Còn, còn! Mới làm thêm được cả chục cái kia. Rồi ngoại lụm cụm đứng dậy lần lại phía hòm khảo, nhấc xuống từ đó, một chồng quạt mo. Cả đàn cháu ồ lên! Cô cháu dâu lớn nhanh nhảu nói như để giải thích:
       - Lần nào về thăm cụ, em cũng xin cụ luôn mấy cái mang về phố. Hôm nào mất điện, hay lúc quạt bếp kho cá, ninh xương, em đã sẵn quạt mo cụ cho. Quạt mo cau này á! Vừa nhẹ, quạt được nhiều gió, lại chả mất tiền mua mà không hay bị mọt gặm như quạt nan tre mua ở chợ, khi quạt bụi cứ rũ vào mặt... Cứ là tiện đủ đường nhá…
         Em dâu nói một mạch. Dứt lời, nó cười toe. Cái quạt mo cau trong tay nó lại múa lên. Những làn gió lành tươi tỏa ra mát rượi.
          Ngoại cười:
         - Thì bây giờ, cậu mày chả cho bà mó tay mó chân vào việc gì, sợ bà mệt. Rỗi rãi, nên cứ thấy có tàu cau khô rụng xuống, bà gom lại cắt làm quạt. Ai cần thì lấy.
         Cô cháu dâu lớn lại tiếp:
        - Mấy cái con xin cụ hôm trước vẫn còn lành cả, nhưng hôm nay thấy cụ có nhiều quạt, con là cứ xin thêm!
        Rồi nó nhón lấy chiếc quạt. Miệng lại cười toe. Ờ, sao mà nó lanh thế chứ! Mấy anh chị em kia thấy thế, nhao nhao: Cụ cho con, cụ cho con với! Con với ạ!...  Đứa nào cầm quạt trên tay cũng hỉ hỉ hả hả như vừa được nhận một vật quý. Căn nhà nhỏ ran ran tiếng nói cười.
         Cầm chiếc quạt mo cau trên tay, đứa cháu gái lớn chợt ngồi lặng. Nó như thấy, từ tấm quạt đơn sơ ấy cả một dĩ vãng thân thương hiện về: Sân nhà những chiều lộng gió. Bà ngoại lụm cụm vào ra. Hàng cau trước cửa tăm tắp như hàng quân danh dự. Lũ chim sẻ suốt ngày tất bật chí chóe chít chiu sà xuống bay lên vừa tranh những hạt thóc trên sân với đàn gà nhép vừa tha rơm rác lên ngọn cau lót ổ. Hơn chục gốc cau, cây nào cũng đeo trên ngọn nó cả tùm tổ chim. Trên một thân cau, có những tàu cau đã già. Tàu cau già, một ngày kia ngả vàng rồi theo gió lìa thân buông xuống. Bà ngoại đem về bên thềm nhà. Bàn tay gầy guộc của ngoại vuốt nhẹ theo mép mo cau. Nâng con dao trầu lên, ngoại lách lưỡi dao bén ngọt vào tấm mo còn mềm tươi. Một chiếc quạt mo cau to bằng rưỡi tờ giấy A4 - một đầu được tạo phần tay cầm - theo vệt cắt dần hình thành, rơi xuống. Ngoại nhặt lên, khéo léo bẻ quặt hai mép mo vào phần tay cầm cho thêm cứng cáp. Một tấm mo cau to có khi làm được hai cái quạt. Cắt xong quạt, ngoại lụm cụm vào bếp mang ra tấm ván dài hơn mét ngày Tết vẫn thường dành để làm dụng cụ ép bánh chưng vuông và vài hòn đá ông sư (thi thoảng mợ vẫn lấy làm hòn nén để muối dưa cải). Chọn chỗ thềm nhà khô ráo, sạch sẽ, phẳng nhẵn mà không bị nắng xói (bởi nắng nhiều và gắt sẽ khiến quạt bị khô quá nhanh dẫn đến cong vênh, khó uốn lại dễ gẫy), ngoại đặt mấy cái quạt mo mới cắt còn tươi mềm xuống, rồi đặt tấm ván mỏng nọ lên trên, trên ván ngoại chẹn bằng mấy hòn đá ông sư. Khi những cái quạt đã được ép phẳng, nhưng vẫn còn mềm, ngoại lấy chúng ra, tỉ mẩn uốn, nắn mép từng chiếc sao cho quạt có hình dáng hơi khum nhẹ, lòng quạt cân đối. để khi quạt không bị liệng và lại được nhiều gió hơn. Công phu như thế, nên những cái quạt mo ngoại làm ra về sau dù trời khô hay ẩm đều không bị mốc hay cong vênh. Quạt rất nhẹ, không làm mỏi tay người quạt!
        Quạt mo cau của ngoại! Thứ vật dụng đơn sơ đến không thể đơn sơ hơn trong thời điện tử điện lạnh. Thời có bao nhiêu loại quạt điện hiện đại, đắt tiền, rồi điều hòa nhiệt độ đủ kiểu dáng, kích cỡ, tính năng... nhưng cái quạt mo cau của ngoại với đàn con cháu luôn là cả một trời thương mến. Giờ đây, khi đã về phố, tiếp tục lăn vào đời nắng rát mưa dầm, mỗi lúc nhớ nhà nhớ quê, mỗi khi nghe lòng trống vắng... đứa cháu gái thường nâng trên tay cái quạt mo cau ngoại làm. Làn gió tươi lành tỏa ra, nghe nguôi vơi nỗi đời bỏng rẫy. Lại thấy nụ cười độ lượng, nhân từ của ngoại hôm xưa, bao dung, trìu mến xiết bao...
       Giờ thì ngoại của chúng con đã về trời. Ngoại ơi! Ở quê mùa này, nắng non đã gắt, nhưng hàng cau trước cửa nhà ta giờ đã không còn. Từ buổi ngoại đi, lũ chim sẻ cứ tao tác mỗi khi chiều muộn. Nhưng con vẫn như thấy, rất rõ, tấm lưng còng của ngoại, nụ cười ngoại thơm thơm mùi trầu vỏ, đôi tay gày sần vết chai đang nhè nhẹ uốn từng mảnh mo cau... Thương lắm, ngoại ơi!
 
Ngày về quê nghỉ lễ chiến thắng
V.N
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc