(Nhân đọc tập truyện “Gió chuyển mùa”
của nhà văn Xuân Mai, Nxb Văn học, 2021)
PHẠM NGỌC CHIỂU
1
Nông thôn Việt Nam những năm đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập để thực hiện Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước, xây dựng kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của thị trường, các khu công nghiệp và khu chế xuất đua nhau mọc lên dẫn đến sự đô thị hoá nông thôn đổ bộ về các miền quê… Tất cả những những chuyển động trên đây làm cho nông thôn Việt Nam, nhất là các vùng đồng bằng và trung du ngày càng nhiều biến đổi, hay có, dở có. Bên cạnh sự bê-tông hoá, làm biến dạng bộ mặt nông thôn, kéo theo đó là những tác động vào cuộc sống vốn bình yên, có nề có nếp của người nông dân, vẫn được gọi một cách thân thương là “người quê” Việt Nam.
Là người sinh ra, lớn lên ở miền đất cổ trung du bên dòng sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc, sau gần 20 năm hết cầm ma-níp (ông là lính thông tin vô tuyến điện, máy 15W) chiến đấu trên “mặt trận thầm lặng” trong chống Mỹ lại cầm bút viết văn cho đến ngày nghỉ hưu về sống với nơi chôn nhau cắt rốn, nhà văn Xuân Mai qua nhiều năm tháng trải nghiệm và chiêm nghiệm những biến động của quê hương, ông đã ghi lại những biến động đó trong tập truyện ngắn mới nhất của ông mang tên “Gió chuyển mùa” do Nxb. Văn học ấn hành vào quý IV năm 2021.
23 truyện ngắn, gọi theo lý thuyết thể loại là 23 lát cắt được nhà văn xắt ra từ cuộc sống, nói với người đọc nhiều vấn đề bức xúc của đời sống nông thôn mà người nông dân đang gặp phải.
Lát cắt thứ nhất là “Nỗi niềm của ông giáo” kể về hai vợ chồng ông giáo già sống ở một vùng quê, mong ngóng con cháu về chơi. Người quê cả năm lam làm, con cháu sống ở thành phố, phải chờ vào những ngày lễ, Tết để đón con cháu đoàn tụ. Vợ chồng ông giáo cùng nhau chuẩn bị thực phẩm, thu dọn nhà cửa sạch sẽ, náo nức chờ con cháu về. Vậy mà đùng một cái, vợ chồng già nhận được điện thoại của con trai báo tin, cả nhà anh ta không về, vì: Vợ có công việc đột xuất, hai con phải bận học thêm, còn anh ta lại “bận đi đấu bóng bàn”(!) Kết truyện thật buồn: hai vợ chồng già ảo não thất vọng, ông giáo thốt một câu dằn dỗi, còn bà giáo lại buột lời than nao lòng: “Những thứ này biết làm sao mà ăn cho hết hả giời?”
Lát cắt thứ hai là cảnh Tết trong truyện “Tết này con không về”. Một cô gái nông thôn nhà nghèo, không về ăn Tết với mẹ và bà vì cô tự nguyện ở lại giúp việc và ăn Tết với một bà cụ già đau yếu, cô đơn để cụ được vui Tết và cô cũng được một khoản thù lao chi dùng vào việc học nghề sau này.
Lát cắt thứ ba mang tên “Khoảng trời riêng”…
Mà thôi, sẽ vô duyên nếu cứ lần lượt thuật lại nội dung từng truyện, xin dành cái sự tự mình được thưởng thức của bạn đọc. Nhưng xin được nói đôi điều về “Gió chuyển mùa”. Đây là lát cắt thứ tám của nhà văn, một lát cắt quan trọng ông nhắn gửi người đọc vấn đề quan thiết trong đời sống nông thôn hiện nay: Vấn đề chăm sóc, nuôi nấng các bậc sinh thành. Truyện viết về một gia đình ông Trưởng Phòng Văn hoá huyện bị vu oan và phải về hưu trước tuổi. Vợ mất sớm, con cháu ở xa, ông phải tự mình xoay xỏa mọi vấn đề chăm nuôi người bố đã ngoài tám mươi tuổi. Do vậy nhà rơi vào cảnh “có hai người, tối tối cứ như hai nấm đất trên hai cái giường”. Nhưng đó cũng chưa phải nông nỗi buồn bực của hai bố con già cả. Sự lo buồn nhất đối với bố con ông nguyên trưởng phòng Văn hoá khi ông tổ chức giỗ mẹ, cô em gái và các con ông cùng về. Qua lời bàn của họ, vấn đề chăm nuôi ông bà già, cha mẹ già và sợi dây tình cảm của những người ruột thịt trong một gia đình đang có dấu hiệu rạn nứt đã hiện diện, khiến người đọc không thể không suy nghĩ, băn khoăn. Lời cụ già trên tám mươi tuổi thều thào ở cuối truyện xoáy mãi vào tâm trí người đọc: “Thì ra đã đến lúc các ông, các bà, các anh, các chị lấy tiền ra để thuê người dưng nước lã nuôi bố, nuôi mẹ, cúng bố, cúng mẹ rồi phải không?”
“Việc họ” cũng là một lát cắt đáng lưu ý. Chuyện tu sửa mộ tổ và nhà thờ họ từ sau đổi mới kinh tế khá giả, đã thành phong trào ở nông thôn, nhưng cũng nảy ra không ít thắc mắc, vui buồn, thành chuyện thường gặp ở các miền quê và có ích đối với người đọc, tuy chất ký nhiều hơn chất truyện.
Có một lát cắt chứa trong nó một nội dung không như các lát cắt khác trong tập, và vì thế tôi cứ ngắm đi ngắm lại nó và suy ngẫm. Đó là lát cắt mang tên “Tấm lòng Bồ tát” kể chuyện một anh chàng thất nghiệp, túi rỗng, trong khi vợ đang nằm viện, con đang đi học và Tết nhất đến nơi - cả ba việc đó đều cần tiền. Bởi vậy, trong thế cùng quẫn, anh chàng đã liều biến mình thành tên trộm cướp. Nhưng thật may, tấm lòng hiền lành, thương người của bà cụ già nhà quê đã kéo anh ta ra khỏi vũng lầy tội lỗi mà anh ta suýt chìm vào đó. Truyện tạo được sự bất ngờ, thú vị, nói được vẻ đẹp thật nhân ái của người nhà quê của bà cụ và chàng trai thất nghiệp, nhờ thế đã cứu được con người cùng quẫn. Cái kết của truyện thật đẹp: Nhờ lòng thương người của bà cụ già (là mẹ một giám đốc) mà chàng trai trở thành công nhân lái máy xúc gạt cho một Công ty làm đường của con trai bà. Đây là một truyện ngắn hoàn chỉnh, đầu bảng của tập truyện, kể cả vấn đề của truyện và cách viết khá kín kẽ, mang dáng dấp một truyện ngắn cổ điển của các đấng bậc văn chương thời Nguyễn Công Hoan, Nam Cao. Chỉ hơi tiếc tên truyện vừa thật thà, vừa không gợi.
Cùng với “tấm lòng chân quê” còn có lát cắt “Đồng tiền rách”. Truyện viết về tấm lòng nhân hậu của một cô gái là dược sĩ cao cấp bán thuốc chữa bệnh cho một người đàn bà mù lòa mua thuốc về cho con trai đang bị ốm ở nhà. Khi nhận tiền, cô phát hiện ra đồng tiền có mệnh giá 100 ngàn đồng là tiền giả nhưng vẫn trao thuốc và vẫn nhận đồng tiền giả ấy của chị ta. Trớ trêu thay, đồng tiền giả ấy lại chính là của mẹ cô đã đưa cho người mù khi mua rau, trứng của chị trước đó. Nghe con gái kể lại đồng tiền giả, mẹ cô ân hận thắp hương thú tội trước bàn thờ gia thần, gia tiên và hứa sẽ trả 100 ngàn đồng cho người đàn bà mù nghèo, nếu gặp lại chị.
Trong “Gió chuyển mùa” còn có truyện nằm trong “kênh cảnh báo”. Đó là “Mối tình thời 4.0”, “Lần đầu đi Tour”. Hai truyện này muốn nhắn gửi người quê: Bước vào đời sống công nghiệp và thời 4.0 có rất nhiều mới lạ, với không ít cạm bẫy, cần tỉnh táo và học hỏi để có thể hoà nhập mà không bị “hố”.
2
Như bên trên đã đề cập, 23 truyện ngắn trong “Gió chuyển mùa” là 23 vấn đề đã và đang xảy ra trong cuộc sống nông thôn từ sau ngày đất nước bước vào công cuộc đổi mới, trong đó hầu hết là những điều khiến không chỉ khiến người quê mà cả người đọc phải suy nghĩ để tìm cách khắc phục. Đọc hết tập truyện, trước mắt tôi hiện ra nhà văn Xuân Mai sắp bước sang tuổi 80, gương mặt phúc hậu, ngồi bên dòng sông Lô trong xanh, gió vờn tóc ông bạc trắng, ông ngồi nheo mắt ngắm dòng đời xao động, ngẫm sự đời với bao buồn vui để lọc lấy những điều cần viết. Không chỉ thế, ông còn nghĩ cách kể lại những điều ấy thế nào? Và, tôi nghe cái giọng kể thâm trầm của người từng trải từ ông. Theo giọng kể có sức thu hút ấy, những vấn đề của nông thôn, của người nông dân dần dần hiện ra với những câu từ vừa quen, vừa lạ gây được sự bất ngờ, thú vị: “Anh như cái bóng trong nhà, lúc ẩn lúc hiện, hình như có, hình như không” (Buổi tối không bình thường), “Công việc văn phòng như lông lươn” (trong truyện cùng tên), “Nói như đổ đỉa vào tai”, “Khánh thành trách nhiệm” (Đồng tiền rách), “Cãi nhau như chó ăn vã mắm” (Nước mắt chảy xuôi), “Nó gắn kết nhau như nước chém không lìa” (Không còn là ngày xưa)…
Nhưng…
Nếu kể chuyện là thế mạnh của nhà văn Xuân Mai thì ở “Gió chuyển mùa” này đấy cũng chính là điều gây nên tì vết của tập truyện. Vì dù có tài kể chuyện và giọng kể có ma mị đến đâu thì đến một lúc nào đó, người nghe sẽ bị ru ngủ hoặc là không thích nghe nữa. Bởi vậy, phải luôn đổi cách viết để tạo sự hứng thú cho người đọc, người nghe. Về lý thuyết viết truyện ngắn nhà văn đâu có quên. Kinh nghiệm viết ông cũng có đầy mình. Phải kết hợp khéo léo giữa Kể với Tả và Dựng truyện. Ngay như Kể cũng luôn phải đổi cách, đổi giọng… Nhưng chắc là vì lý do nào đó, chẳng hạn như ông mải nghĩ cốt truyện, mải nghĩ về cái ẩn ý sâu xa của truyện mà quên đi những điều này?
Còn điều này nữa muốn thưa cùng nhà văn: Trong 23 điều nhà văn gửi người đọc, ngoài một số vấn đề không còn mới nữa (vì báo chí và phim truyền hình đã nói ví như việc đàn con cãi nhau, chia nhau nuôi bố mẹ già…) thì một vài truyện nhà văn gọi là truyện ngắn nhưng chất ký lại lấn chất truyện, cho dù truyện pha ký khá sinh động, hấp dẫn như “Người về vùng đồi”, “Người của làng”, “Một mảnh hồn làng”, “Việc họ”…
3
Nhà văn Xuân Mai, kể từ sau khi được nhận giải A của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trao cho tác phẩm ông viết “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”, chính thức bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp, đến nay đã có thâm niên gần 50 năm cầm bút. Nửa thế kỷ cần mẫn sống và viết, cùng với việc học hành tu luyện (ông tốt nghiệp khoá I, Trường Đại học viết văn Nguyễn Du năm 1982) và gánh vác công việc phụ trách (Nguyên Tổng Thư ký Hội VHNT Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí “Văn nghệ Vĩnh Phúc”, Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho đến ngày nghỉ hưu), ông đã viết và in 16 tập truyện, 1 tiểu thuyết và 3 tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu Văn nghệ dân gian… Công sức lao động sáng tạo của ông đã được ghi nhận xứng đáng bằng những phần thưởng giá trị: 6 lần nhận các loại giải A, B, C về sáng tác Văn học Nghệ thuật 5 năm một lần của UBND các tỉnh Vĩnh Phú, Vĩnh Phúc. Tặng thưởng “Báo chí, Văn học Nghệ thuật xuất sắc tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015 - 2020” của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giải thưởng sáng tác văn học cho thiếu nhi, lần thứ II, Nxb. Trẻ, cùng nhiều giải thưởng văn học có giá trị khác của Trung ương và các địa phương.
Trở lại với tập truyện ngắn “Gió chuyển mùa” ông vừa xuất bản, tuy còn một vài tì vết nhưng phải công nhận rằng, ở độ tuổi vượt ngưỡng “xưa nay hiếm” mà chỉ trong hơn một năm suy ngẫm và gõ bàn phím máy tính, ông vẫn gửi bạn viết, bạn đọc gần xa một tập truyện với một số truyện, số trang cùng những vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm trong 23 truyện như vừa bàn thảo, là một sáng tạo rất đáng ghi nhận.
Xin được chia vui cùng nhà văn Xuân Mai.
P.N.C