Gặp những "lá chắn thép" xuyên đêm chống "giặc" Covid-19
Ngày đăng: 09/05/2023; 72
 
THANH VĨNH
         
1. 21h đêm 15/5/2021, trụ sở UBND xã Tử Du (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) sáng trưng ánh đèn. Hỏi chuyện các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã đang trực tại đây, được biết, từ khi địa phương có người bị dương tính với virus Corona, thì tất cả anh em cán bộ trong xã đều tham gia ứng trực 24/24h tại trụ sở, mọi sinh hoạt cũng “tại chỗ” luôn, với tinh thần chủ động cao nhất, quyết tâm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. (Được biết, từ 19h ngày 5/5/2021, xã Tử Du thực hiện cách ly y tế các thôn Sau Ga, Khâu và thôn Gẳm).
21h30, Trưởng trạm y tế xã Tử Du vẫn chưa kịp ăn tối vì bận cập nhật, rà soát tình hình các “ép” liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn mình phụ trách. Trao bản báo cáo nhanh trong ngày cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, anh lại tất bật bước đi, nói là: lên chốt với anh em, có gì thì ăn tạm nấy.
22h, tại chốt 2, thôn Sau Ga (xã Tử Du, huyện Lập Thạch). Đoạn đường kề sát cửa chốt ngập lủm trong nước. Thấy phóng viên loay hoay tìm cách vượt qua, một thành viên tổ chốt nói vọng ra, hóm hỉnh: Các chị cố gắng lội qua nhé! Đó là nước “sát khuẩn đặc biệt” chỉ có ở chốt chúng em thôi đấy!
Hỏi ra mới biết, vũng nước tựa cái chuôm (có thể thả được cá cờ - lời mấy thành viên tổ chốt nói vui) này là hậu quả trận mưa giông chiều tối ngày 13/5/2021 để lại. Hôm đó, mưa gió mù mịt. Mấy anh em gác chốt người thì túm chặt tấm bạt mái chốt bị gió tốc ngược, người tìm cách che chắn cho các trang thiết bị làm việc, người ôm lấy chiếc quạt... cứ gọi là mệt nhoài, ướt nhẹp. May là mưa gió chỉ ầm ã khoảng 20 phút thì ngớt dần. Nhưng, trước khi ngừng mưa tuôn gió giật, ông giời đã kịp để lại trước cửa chốt cái chuôm uồm uỗm nước cùng đám chiếu mền, võng bạt ướt nhoẹt.
Ngay sáng hôm sau, xã phải điều máy xúc gạt lên, khơi rãnh thoát. Nhưng như chị thấy đấy, cũng chỉ tiêu thoát được phần nào, còn đâu, đành chờ giời, ông gây ra ông lại "giải quyết" dần vậy. - Một thành viên tổ chốt nói vui, rồi lại đăm chiêu, chép miệng: Mà cứ năm ngày ba trận thế này thì không biết đến khi nào mới “giải quyết” hết được.
 

Đã quá nửa đêm, lực lượng chức năng trực chốt Mả Lọ (Thị trấn Yên Lạc) vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19

Thấy cái lều bạt trống trơn bốn phía, thông thống gió đồng, hỏi sao các em không xin cấp cho ít bạt quây làm vách để đỡ bị gió mưa hắt, táp? Đáp: Ôi không được chị ơi, tụi em phải để trống như thế để còn quan sát, theo dõi người ra - vào, đi - đến nhằm thực hiện nghiêm việc kiểm soát chứ. Nếu quây kín lều lại tụi em sẽ đỡ bị mưa hắt gió lùa nắng xói nhưng lại không chủ động quan sát được xung quanh kịp thời.
Hỏi công việc hàng ngày ở chốt có gì khó khăn. Các thành viên tâm sự: Mới đầu chúng em cũng bị dân nói này nọ rất khó nghe, có bà còn quát: cứ như này chúng tôi khác gì... tù giam lỏng. Nhưng chúng em chỉ im lặng và nghe, chờ khi các bác ấy “hạ hỏa”, hoặc ngừng lời thì lại giải thích, tuyên truyền, và kiên quyết thực hiện việc kiểm soát theo đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chúng em biết là lúa chiêm đang chín rộ nên bà con sốt ruột, đó cũng là điều dễ hiểu và thông cảm. Còn bây giờ thì bà con vui vẻ, thoải mái, luôn ủng hộ chủ trương phòng, chống dịch của địa phương...
Đại úy Khương Cao Cường (Công an huyện Lập Thạch) - Trưởng chốt - cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cán bộ, nhân viên ứng trực tại chốt đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao để góp phần kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Chốt chia ca trực 24/24, hạn chế tối đa người ra - vào thôn. Trường hợp đặc biệt, cần phải ra - vào thôn, phải thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, khai báo y tế, ghi sổ nhật ký, theo dõi sát sao. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn thực hiện việc vận chuyển, đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân trong thôn, tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Việc này (vận chuyển, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm) được chốt thực hiện như thế nào? Tôi hỏi. Chỉ vào chiếc bàn bên trong chốt (đặt trên đường vào thôn), các thành viên tổ chốt cho biết: Chúng em tiếp nhận hàng, nhu yếu phẩm tiếp tế từ bên ngoài vào, tập trung cả trên chiếc bàn kia, rồi thông báo cho bà con tới nhận.
Dân bảo chốt em là chốt “rắn” nhất, cho người dân ra ngoài ít nhất đó chị! - Một thành viên hóm hỉnh nói - Nhưng thà bị trách như vậy còn hơn là chiều các bác ấy để dẫn đến “vỡ trận” chị nhỉ! Sau này các bác ấy hiểu ra có khi lại quý chốt em nhất ấy chứ! - Chứ lại không à! - Một người khác tiếp lời. Chúng tôi cùng cười vui vẻ.
Về việc thu hoạch vụ chiêm, trao đổi nhanh qua điện thoại với Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã Tử Du Đỗ Quang Đức, anh cho biết: Xã hợp đồng giúp mỗi thôn 2 máy gặt, tổ chức phun khử khuẩn, bố trí lực lượng, hỗ trợ nhân công mặc bảo hộ, giúp vận chuyển thóc lúa đến tận nhà dân.
Khi bài viết này lên khuôn, qua đồng chí Chủ tịch UBND xã Tử Du, người viết nhận tin vui: Vụ chiêm của ba thôn: Sau Ga, Gẳm và Khâu thuộc xã Tử Du (là những thôn đang phải cách ly y tế) đã được thu hoạch tới 90%. Nhân dân rất phấn khởi, vui vẻ, càng thêm ủng hộ chủ trương quyết tâm thắng dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước.
2. Dịch Covid-19 bùng lên, bố rẽ qua nhà lấy quần áo và đồ dùng cá nhân để lên chốt. Con gái 4 tuổi thấy bố, liền chạy lại ôm bố, hỏi: Bố lại đi công tác à? Bao giờ bố về với con? Bố chưa kịp trả lời, bé lại nói tiếp: Sao dịch như thế mà bố cứ đi mãi thế? Bố.... cay xè sống mũi, không biết nói sao, liền ôm con, thơm con một cái, nựng: Con ở nhà với mẹ, với ông bà ngoan nhé, để bố còn đi công tác. Rồi vội vội bước đi. - Đó là tâm sự của một thành viên ở chốt 2, thôn Sau Ga, xã Tử Du, huyện Lập Thạch. Đứa con nhỏ nhất của bạn ấy mới hơn 5 tháng tuổi.
3. Là một trong gần 20 chốt kiểm soát dịch Covid-19 của thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc), chốt 1 (còn gọi là chốt Mả Lọ - địa danh nơi đặt chốt) nằm trên trục đường huyết mạch vào thị trấn có vị trí “cắm” chân khá đặc biệt: hai bên chốt là hai... nghĩa trang nhân dân của thôn Trung và thôn Tiên. Một bên là nơi hung táng, vòng hoa viếng người mới mất được chôn cất vài hôm trước đó vẫn xếp cao thành chồng; bên còn lại tối om om, nhấp nhô bia mộ. Đã thế, một bên, không biết nhà ai lại đặt trên nóc ngôi mộ nào đó trong hàng trăm mộ một cái... cát-sét nhỏ (loại cài đặt sẵn câu niệm Phật). “Nó” tụng được thâu ngày đêm như vậy là bởi “nó” có cài pin năng lượng mặt trời - một cán bộ trực chốt giải thích khi tôi thắc mắc vì sao “nó” tụng suốt như vậy được... Vậy là, lẫn trong gió đêm lành lạnh, từ phía nghĩa trang cứ rĩ rã rỉ rả phát ra câu: Nam mô a di đà Phật... lặp đi lặp lại, văng vẳng lúc to lúc nhỏ, kèm vầng sáng tựa... quả trứng gà nhập nhòe khi xanh xanh đỏ đỏ khi lại vàng vàng. Có thể vào một thời điểm khác, cảnh ấy việc ấy sẽ là thường thôi, chả sao, nhưng khi kim đồng hồ chỉ vào con số 12 giờ đêm, ở giữa chốn đồng không mông quạnh, đường sá vắng ngắt thì dám chắc, dù là người không yếu bóng vía cũng khó mà mạnh miệng tuyên bố: Tui hổng sợ... gì cho được.
- Vậy chỗ nghỉ tạm của anh chị em ở đâu? - Tôi hỏi. Kia ạ! - Có tiếng đáp. Nhìn theo tay chỉ, chỉ thấy một quầng sáng - tối lòa nhòa. Lại hỏi lại: Chỗ nào nhỉ? Đáp: Nhà chờ của nghĩa trang ạ. Ôi chao! Đâu? Và thập thõm bước theo tay chỉ tới quầng sáng nọ. Thì đây: khuất sau lùm cây rùm ròa âm âm tối, là một cái giống cái... nhà, vì xây ở nghĩa trang nên có tên là “nhà chờ”... (tạm định nghĩa đơn giản thế đã), hiện được lấy làm nơi ngả lưng sau ca trực của các thành viên trong tổ chốt. Trong “nhà” có bàn thờ Phật, góc này là các thùng mì gói, nước đóng chai... còn góc kia có mấy chiếc chiếu được cuộn xếp gọn ghẽ. Đã 12h đêm nhưng anh em vẫn ở cả trên chốt. Vả nữa, ban đêm, nếu muốn vào đây ngả lưng, thì... có nhẽ phải có bạn có bè. Ngó qua “cửa sổ”, thấy sát cạnh tường “nhà” là... hàng hàng bia mộ im lìm. Nghĩa trang này có hơn 600 "cụ" đang an nghỉ - anh Phạm Văn Minh, cán bộ văn hóa thị trấn Minh Tân, một thành viên tổ chốt - cho biết khi thấy tôi cứ chăm chăm nhìn vào những hàng bia mộ với vẻ mặt đầy ngại ngần.
Hỏi chuyện ăn uống, cơm nước, Đại úy Dương Quyết Thắng (Công an huyện Yên Lạc) - Trưởng chốt cho biết: Việc ăn uống của anh em trực chốt được chính quyền và bà con địa phương chăm lo rất chu đáo (điểm này thì hỏi chuyện chốt nào cũng nhận được câu trả lời như vậy, thậm chí có thành viên còn chỉ vào “kho” thực phẩm của chốt đặt trong lán, mà rằng: Nhân dân thường xuyên mang đồ ăn nước uống, bánh, sữa, hoa quả tươi tiếp tế cho chốt, chúng em chả thiếu gì). Chúng em trực thâu đêm, mà đêm nào cũng có các bác trong làng trong xã ra trực cùng. - Dương Quyết Thắng kể - Có bác đã hết ca trực ban ngày nhưng buổi tối vẫn ra chốt trực tiếp cùng bọn em đến 1h sáng mới về nghỉ. Các bác bảo là ra chốt để hỗ trợ nhau lỡ khi có nhiều việc. Với lại, còn để động viên anh em, trong đó có những người trẻ từ nơi khác đến giúp xã nhà.
Điểm chốt Mả Lọ này, khi tôi tới, đang có hai thành viên là Quang và Hiếu, tuổi mới đôi mươi, là dân quân xã Bình Định bên cạnh, tăng cường tới giúp thị trấn. Cả hai bạn trẻ đã trực chốt liên tục từ 10/5/2021 - tức từ ngày địa phương này thực hiện cách ly y tế đến nay.
4. 0h20p ngày 15/5/2021, xe chúng tôi chầm chậm lăn bánh qua Yên Lạc. Đêm vào khuya, đường vắng ngắt, nhưng trên các chốt trực trên mỗi con ngõ thuộc thị trấn Yên Lạc (địa phương đang thực hiện khoanh vùng, cách ly xã hội toàn bộ thị trấn trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/5- 0h ngày 24/5/2021) luôn thấp thoáng bóng áo an ninh, quân sự, y tế - những màu áo quen thuộc trên các chốt kiểm soát dịch kể từ khi "con" Covid gây chiến với loài người. Nhưng, kìa… ở chốt nọ, có một cảnh mà nếu ai được thấy hẳn sẽ không thể lướt qua. Đó là, ngay trước barie của chốt, một tấm chiếu được trải, trên đó, có một người đang... nằm. Cạnh đó, là hai người trong trang phục tự vệ đang ngồi trực.
Thì ra, tranh thủ đêm khuya, hầu như không còn người ra - vào làng qua chốt, một thành viên trong tổ trực (gồm 4 người) trải chiếu tranh thủ ngả lưng chút chút. Hỏi chuyện, được biết, ở chốt này, một ca trực kéo dài từ 6h sáng hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Điểm chốt này thường đông người qua lại, ra - vào vì nằm trên trục giao thông chính của huyện và ngõ chính vào làng Vĩnh Tiên (thị trấn Yên Lạc). Công việc theo dõi, kiểm soát, đo nhiệt độ... người qua lại trong thời tiết ban ngày nắng rát, đêm tối lại thường có mưa giông khiến anh chị em trực chốt khá vất vả. Hỏi sao không vào hẳn trong lán để nghỉ mà lại trải chiếu nằm ngay trên đường, lại còn ngay trước barie như vậy, các thành viên trực chốt bộc bạch: Tụi em chỉ thay nhau ngả lưng chốc lát thôi chị, chứ không dám ngủ, mà ngủ làm sao được khi xe cộ vẫn cứ xoẹt qua xoẹt lại và tổ đang thực hiện nhiệm vụ. Đó là chưa kể muỗi thì bay như... trấu vãi (điểm này dám chắc chốt nào cũng giống chốt nào).
- Được cái tổ chốt này hầu hết là người trẻ sinh năm 1998, 1999, lại từng trải qua “đời” lính nghĩa vụ như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Kim Tú, đã được rèn luyện nên chuyện thức thâu đêm gác trực, làm nhiệm vụ... bọn em đều quen cả. - Trưởng chốt: Nguyễn Văn Ba - một chàng trai sinh năm 1989, tự nhận là "già" nhất chốt - cho biết.
Nhìn cuốn nhật ký kiểm soát dày cộp của chốt, tôi ướm lời: Có vẻ số bà con ra - vào chốt này không hề ít? Anh em trực chốt chia sẻ: Mấy hôm đầu chúng em khá vất vả vì bà con có lẽ chưa “thông” chủ trương nên cứ đòi ra - vào, không được như ý thì nói này nói nọ rất khó nghe. Tổ vừa phải luôn miệng giải thích, tuyên truyền vừa làm nhiệm vụ kiểm soát, nhưng đến nay thì ổn rồi. Như hôm nay, đêm thứ 6 (cuối tuần) mà yên tĩnh quá, ngay cả “cánh” thanh niên vốn ít chịu ngồi yên một chỗ mà cũng không thấy ai đi lại, ra - vào như trước. Chúng em “nhàn” hẳn!
Thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, chúng em chỉ cho một người được ra - vào làng 1 lần/ngày, tức là nếu sáng anh ra thì trưa, chiều anh vào, sổ sách ghi chép theo dõi đầy đủ, muốn đòi ra - vào lần nữa trong ngày cũng không được. Thoạt đầu bà con ta khó chịu, cảm thấy bí bách... nên cũng phản ứng này kia, nhưng “chống dịch như chống giặc” - chúng em kiên quyết giải thích như thế, rồi đề nghị bà con chấp hành, mình vì mình, vì mọi người, vì cái chung, muốn hết bị cách ly và chốt trực vất vả như thế này, mỗi người phải tự nâng cao ý thức bản thân, hỗ trợ, hợp tác với cơ quan chức năng. Thế nên bây giờ có lẽ bà con đã hiểu, đã quen nên không còn cảnh nhì nhèo đòi được ra - vào này nọ ở chốt nữa. - Nguyễn Văn Ba cho biết thêm.
Hỏi tên chốt, các thành viên nói vui: Chúng em vẫn gọi “một cách thân yêu” là chốt “Hoàng tử Vịt” đấy chị! Ô! Sao lại gọi thế? Là vì chốt đặt gần quán ăn có tên "Hoàng tử Vịt” ạ!
Òa lên tiếng cười vui vẻ...
5. 1h15p sáng 15/5/2021, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 6, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên. Gặp nữ cán bộ y tế trực tại chốt, chị cho hay: Chị là Vũ Thị Chuyền, công tác ở Trạm Y tế xã Ngọc Thanh, năm nay chị đã 62 tuổi, từng đi bộ đội tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, nay chị được tăng cường ra đây làm nhiệm vụ chốt trực. Từ khi ra chốt đến giờ đã mấy ngày liền chị chưa về nhà. Không chỉ chị, tất cả anh chị em trên chốt (Trung úy Lê Xuân Cường - Công an tỉnh, Lê Quang Thanh - dân quân phường Trưng Nhị - đến tăng cường) cũng vậy. Hỏi chị có mệt không vì tuổi đã cao, có thấy vất vả không khi phải trực gác thâu đêm. Chị cười bảo tuổi cao có sao, vất vả chị vẫn chịu được, miễn đóng góp được chút gì cho công việc chung thì chị luôn sẵn sàng.
Câu chuyện của chúng tôi tạm ngưng khi có người dân qua chốt. Đó là anh Nguyễn Hồng Hạnh (Công ty Honda) trên đường đi làm về. Tổ chốt lập tức vào việc. Hỏi anh Hạnh mỗi ngày ra - vào phải qua chốt kiểm soát như thế này có thấy phiền hà gì không. Anh cười, hồn nhiên: Ồ không sao! Nhà tôi cách đây (chốt kiểm soát - TG) một đoạn đường ngắn, ngày nào đi làm tôi cũng qua chốt thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm tra phòng, chống dịch. Nhà nước làm như thế này là rất tốt. Dân chúng tôi càng thêm yên tâm.
6. Tại chốt 13, thành phố Phúc Yên, tôi được gặp Trung úy Nguyễn Trung Quân (Công an tỉnh Vĩnh Phúc), y tá Phạm Thị Thanh Liên (Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên) cùng hai dân quân từ phường Phúc Thắng tăng cường sang làm nhiệm vụ trực chốt. Đã hơn 1h sáng, phố xá chìm vào giấc ngủ sâu. Trong cái oi nồng của thời tiết buổi chuyển mùa, các chiến sĩ vẫn lặng lẽ trong vị trí làm nhiệm vụ.
Hỏi chuyện y tá Liên, chị bộc bạch: Em có ba con. Đứa lớn năm nay thi vào đại học. Đứa nhỏ nhất học lớp 2. Từ khi Phúc Yên thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế phường Hùng Vương (từ 0h ngày 12/5/2021 đến 0h ngày 27/5/2021 - TV) đến nay, em đi trực chốt Covid, nhà em là lái xe đưa đón công nhân trong khu công nghiệp. Đã mấy ngày liền hai vợ chồng chúng em bận trực nên không về nhà dù nhà chỉ cách chốt trực chưa đầy 2km. Ở nhà, ba cháu nhà em phải tự bảo ban chăm sóc lẫn nhau từ ăn uống, tắm giặt đến học hành...
Kim đồng hồ chỉ 2h sáng. Đêm càng vào sâu, càng tĩnh mịch. Thi thoảng, sự tĩnh mịch ấy lại bị phá vỡ bởi tiếng xe cộ qua lại...
Một ngày mới đang về!
Các thành viên trên chốt vẫn lặng lẽ, kiên trì làm nhiệm vụ...
Họ - những con người bình dị ấy, chính là những “lá chắn thép”, bằng việc làm của mình, đang xuyên đêm - ngày, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ngăn chặn, đẩy lùi “giặc” Covid-19.
T.V

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc