Lão Tọ
Ngày đăng: 26/10/2023; 272
Truyện ngắn
THANH VĨNH
 
          1 - Vừa chân thấp chân cao trong bộ quần áo cũ nhàu lấm bùn nước về đến nhà, chưa kịp thả cái bình bơm thuốc trừ sâu còn nồng mùi xuống cái sân giếng xanh nhớt rêu, dấu vết của sự thiếu vắng hơi người, lão Tọ đã nghe thấy tiếng gọi găn gắt của người đàn bà hàng xóm chung rào:
          - Anh Tọ, anh Tọ... Anh buộc bò thế nào để phá hết hai luống sắn nếp của tôi rồi đây?
          Đói. Mệt. Người lại như say lử bởi mùi thuốc trừ rầy (gần đây lão chuyên nhận đi phun thuốc trừ sâu diệt cỏ thuê cho các nhà trong xóm để kiếm thêm), lão văng cục:
          - Sắn sảng cái đéo gì. Tao không biết! Mà tao buộc bò ăn hết đấy, thì đã làm sao?
          Đang tiếc của xót ruột, lại gặp ngay phải cái giọng cù nhầy tục tĩu của lão Tọ, người đàn bà nhảy thách lên:
          - A! Anh ăn nói thế đấy phỏng? Đã làm láo lại còn chằng bửa phỏng? Tôi gọi, hỏi chuyện anh đầu đuôi, anh không được câu nào tử tế lại còn giở giọng trẻ trâu mày tao à? Đúng là quân xiêu buồm lạc gió, xẻ nghé tan đàn...
          Mấy từ  xiêu - lạc - xẻ - tan... của người đàn bà hàng xóm như những mũi dùi nung đỏ liên tiếp phóng ra, xuyên thẳng vào nỗi đau của lão Tọ. Thêm cơn đói mệt, say thuốc trừ cỏ ngấm ngấu, trong khi trên trời thì nắng gắt, dưới đất gà qué nháo nhác tìm ăn, nhà cửa lạnh tanh... không một hơi người càng khiến lão như muốn hóa điên. Lão gầm lên:
- Này! Mày bảo ai tan đàn xẻ nghé. Mày sờ lên gáy mày xem...
          Tưởng nói lại được câu ấy, người đàn bà kia sẽ im bớt đi cho lão nhờ. Lão đang mệt và đói quá thể rồi, nói quàng vài câu cho hả thôi chứ cũng chẳng có ý gì. Nào ngờ, bà hàng xóm, cũng như bị chạm nọc, lại càng lồng lên:
          - A à! Gáy tao làm sao? Hả quân xiêu buồm lạc gió, quân ăn cướp ăn vụng kia? Mày hỏi khắp dân trong xã ngoài, hỏi khắp tỉnh khắp huyện này xem, ai là người có cái gáy sạch như gáy tao? Mày cướp của tao cả một bờ tre; mày lấn của tao cả bao thước đất, tao nghĩ mày có vợ con đàn đống mà rồi bây giờ thành cô độc cô quả nên tao không thèm nói gì, thế mà mày lại còn to họng hả? Mày ăn cướp của tao bao lần thế giờ tại sao mày vẫn xác như vờ xơ như dậu nát thế? Đúng là trời có mắt. Mày nhớ lấy, đây là lần cuối, tao truyền báo cho mày biết, một lần nữa, mày còn phá của tao thì không xong với tao đâu.
          Nói xong mấy câu ấy, không thèm quan tâm đến thái độ lão hàng xóm có tiếng cùn quậy, bà ngoắt người bỏ đi, để lão Tọ trơ khấc lại trong cái nắng trưa đầu hè cứ ong ong xói xuống. Cơn đói mệt bỗng biến đâu, dâng ứ trong lão một nỗi ê chề, buồn tủi, cay đắng. Khổ thay, những lời rủa xả cay nghiệt của người đàn bà ấy lại đúng với lão. Lão làm sao mà nói được gì đây! Mà sao đời lão khốn khổ đến thế này! Những lần va chạm trước lão không hề kém miếng chửi lại, nhưng lần này thì, bao nhiêu cái cố cùng chây bửa của lão như bỗng biến sạch đi đâu. Mà lão thành ra kẻ cố cùng chây bửa là từ bao giờ vậy? Cố gượng đứng vững, lão vơ cái gầu múc quàng gầu nước dội rửa qua quýt chân tay rồi bước vào nhà. Chả thiết chuyện cơm nước, lão buông thịch người xuống cái giường tre cũ kỹ khiến nó rên lên đánh kẹt, bụi mọt bay lả tả. Rã rời, lão nhắm nghiền đôi mắt...
          2 - Người dân làng Bình này chả ai biết lão Tọ quê ở đâu, ngay cả lão cũng không thể nhớ mình người phương nào, chỉ thấy đận đói khủng khiếp năm 45, trong đám người trôi dạt đến xin ăn ở làng còn có một thằng bé con - thằng bé ấy là lão Tọ bây giờ. Chính lão, khi nhận thức được xung quanh, cũng đã thấy mình là thằng bé không quê hương bản quán, không cha mẹ thân thích, phải lang thang đầu đường xó chợ kiếm miếng ăn qua ngày rồi. Ngay cả cái tên Tọ rất vô nghĩa cũng không biết vì sao mà lão có. Và rồi lão dạt đến làng Bình. Cái làng nằm cạnh sông Lô, vừa có làng, lại có cả một cái phố nhỏ cùng bến đò Then, với hơn chục hàng quán buôn bán lặt vặt, thế nên cũng vào thế đất trên bến dưới thuyền của một thời. Được cái, người dân vùng đất nhiều đồi gò, cọ trám mọc như rừng này tuy nghèo nhưng rất thương người. Bằng chứng, là ai nhìn thấy thắng bé nhem nhuốc đứng vất vưởng đầu chợ thì cũng động lòng thương. Đồng quà tấm bánh, dù ít dù nhiều, người ta đều cho nó miếng ăn qua ngày…Và, lớn thêm một chút, khi đã có thể cầm vững cái chổi, rồi gánh được gánh nước, thì nó lại được mấy bà buôn vải, buôn gạo trong chợ thuê nó quét dọn lều lán, rồi mấy bà hàng trầu vỏ, cả chủ quán phở Thống què (ông chủ quán tên Thống bị thọt một chân nên người kẻ chợ gọi thế thành luôn tên quán phở) và người dân phố chợ thuê gánh nước từ sông Lô lên đánh phèn lấy nước ăn uống hằng ngày. Thời ấy, ít nhà đào giếng, mà ăn nước sông. Lớn tẹo nữa, thì ai thuê sai việc gì nó cũng làm. Công xá đưa sao cũng được, có khi chỉ tấm bánh củ khoai, khá thì được bát cơm độn ngô độn sắn thêm miếng cá kho mặn, hoặc miếng đậu rim tương với mấy quả trám ỏm chấm muối. Đêm về thì đã có các lều chợ làm chỗ ngủ. Sống khổ sở vậy nhưng đến tuổi bẻ gẫy sừng trâu thì Tọ cũng trở nên trai tráng như ai. Nếu không vì cái thân hình ngũ đoản thì Tọ còn là anh chàng điển trai, bởi có nước da trắng (lạ thế) và một gương mặt khá sáng sủa (dường như ông trời thương Tọ khổ sở côi cút mà bù đắp). Thấp lùn nhưng Tọ rất khỏe. Mỗi khi cởi trần gánh nước, bổ củi hay cuốc đất đóng gạch thuê, cơ bắp Tọ cứ nổi múi khiến mấy cô nàng đi chợ lén nhìn trộm rồi chí chóe đấm nhau cười đỏ mặt. Được cái, việc gì Tọ cũng biết làm mà làm khéo là khác. Người làng Chẹm nhìn Tọ chép miệng ái ngại, tuy quý cái thằng mồ côi xiêu dạt nhưng họ cũng eo hẹp đủ điều nên cũng chả biết giúp Tọ thế nào. Vậy nên, Tọ cứ sống lủi thủi trong quán chợ, cứ làm thuê mướn qua ngày như thế. Tọ cũng không phải không nghĩ đến phận mình, nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Đã côi cút, lại là kẻ ngụ cư, có miếng ăn là may, sao dám nghĩ đến cái mà người có chữ gọi là tương lai. Cho đến một hôm, được ông Thống què mách đường, Tọ đánh liều đến gặp chủ nhiệm Hợp tác xã làng Bình xin vào làm xã viên. Ngắm Tọ một lát như tính toán, tay chủ nhiệm bỗng hỏi:
          - Nghe bảo mày đóng gạch khéo lắm?
Tọ cúi đầu:
          - Dạ, cũng tạm tạm thôi ạ!
                Như chỉ chờ có thế, chủ nhiệm gạ luôn:
               - Mày muốn vào hợp tác mà lại chả có cái gì góp vốn. Là tao “thương” mày, nên tao giúp, nhưng mày phải đóng cho tao vạn gạch để xây nhà.
               Thế là từ hôm ấy, cứ nửa ngày Tọ đi làm thuê ngoài chợ trong làng lấy cái ăn, nửa ngày còn lại Tọ đến nhà chủ nhiệm nháo đất đóng gạch. Dân làng biết chuyện ai cũng chép miệng thương Tọ bị bắt nạt, nhưng chả ai dám nói trước mặt chủ nhiệm. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, huống chi Tọ khỏe lại thạo việc. Chả mấy rồi cái lệ phí vạn gạch để thành xã viên của Tọ cũng xong. Tọ được đi làm theo kẻng, được chấm công như mọi người, lại còn mượn được thẻo đất ven chợ làm chỗ trú thân. Tọ nhặt nhạnh cây que, xin rơm rạ lá cọ, thưng được gian lều khá chắc. Vất vả nhưng lòng Tọ lâng lâng vui, vì đã được làng Bình thừa nhận là con dân, lại còn là xã viên, lại có nhà dù chỉ là gian lều che mưa nắng.                   
      3 - Cao ráo, phốp pháp, lại không phải chân lấm tay bùn bởi nhà chồng có nghề buôn vải tấm, nên dù đã một đời chồng, đã ba con gái, nhưng mới hăm bảy hăm tám, Nụ vẫn khiến bọn đực rựa trong vùng nhỏ nước miếng mỗi khi nhìn thấy dáng đi uốn éo mình xà, cái mông thây nẩy căng nức, đánh tanh tách theo từng bước đi và bộ ngực cao ngồn ngộn của chị chàng. Nhìn tướng Nụ, đám đàn ông rậm rực, kháo trộm nhau: Đùi dài mông to háng nở thế là tốn… đàn ông lắm. Còn đám đàn bà cùng làng rủa thầm: Đồ lẳng lơ! Đồ… sát chồng. “Sát chồng” đến đâu thì còn phải bàn thêm, chứ lẳng thì Nụ lẳng thật. Chị chàng sẵn sàng đong đưa mồm mép với tất cả đám đàn ông, và còn lấy làm thích chí về điều đó. Tính nết thế nên Nụ cũng sớm chồng. Nhưng có chồng được hơn 8 năm thì Nụ thành gái góa. Cái chết của chồng Nụ cũng rất lạ, một sáng ngủ dậy, Nụ đã thấy chồng lạnh ngắt tự lúc nào, để lại cho Nụ 3 đứa con gái. Cánh đàn bà trong làng không ưa Nụ lại được thể um lên: Đấy, nói có sai đâu, mắt có đuôi lại gò má cao, hồng rực thế là loại đa dâm. Chỉ thương lão kia chắc là bị nó vắt cho kiệt sức mà chết thôi. Chết nỗi, là những ai biết Nụ cũng đều thừa nhận: Người không xấu nhưng nết thì tệ. Nụ ham ăn quà, việc nhà cũng chả khéo gì, nhưng được cái mồm dẻo nịnh chồng nên anh này cứ hùng hục ban ngày thồ gánh hàng vải đi chợ khắp vùng trong vùng ngoài, về đến nhà lại đủ việc nỏ no… Sạp hàng vải khi chồng Nụ còn sống đều do anh đảm cả. Nụ chỉ mỗi việc ăn, ngủ và đẻ. Cách ngày lại diện quần lụa đen nhánh, áo phin nõn hằn cả nịt vú theo chồng ra chợ phiên ngồi vắt vẻo giữa sạp vải, xem chồng đo đếm bán chác mời chào chán lại quay ra ăn quà rồi hơn hớn tán gẫu. Mẹ chồng Nụ rủa: Đồ thối thây, quạ mổ... nhưng được chồng bênh nên mặt Nụ cứ vênh vênh. Nhà chồng chịu phép, thêm nữa, ba đứa con Nụ đẻ toàn gái nên họ càng chả mặn mà gì. Nói mãi mà con trai họ chả nghe, vẫn dong rướng vợ, họ liền thây kệ. Và rồi chồng Nụ chết…
Ma chay cho chồng xong, Nụ cũng cất gánh hàng ra chợ. Nhưng vốn mải ăn lười làm, lại quen có người cung phụng lo lắng, nên chả mấy nỗi mà gánh hàng tấm trong tay Nụ cùn dần vào vốn… Nhà chồng coi như đánh rơi. Nhà đẻ cha mẹ khuất cả rồi. Ông anh trai đông con, bà chị dâu vốn chả ưa gì cô em gái chồng đỏng đảnh ham ăn lười làm. Coi như Nụ hết đường nhờ vả. Mà quay ra làm ruộng, thì Nụ chả muốn tí nào, lấm láp bùn nước, dãi nắng dầu mưa… Mà thời ấy làm hợp tác, đi, về theo kẻng, công điểm dong rải bề bề, nhưng một công có vụ chỉ được lạng tám thóc tươi, làm sao Nụ sống được, chưa kể đến ba đứa con… Đang bí thì một bạn buôn cũ đến rủ Nụ đi chợ bên kia sông. Nhìn gánh hàng ngồn ngộn vải lụa, xa-tanh Nam Định, rồi pô-pơ-lin, rồi phin nõn đắt tiền trước đây nay chỉ còn còm cõi vài chục tấm vải phíp, vải diềm bâu thô rẻ tiền, Nụ thấy ớn, nhưng rỗi rãi, chả biết làm gì, Nụ tặc lưỡi, thì đi một chuyến, chơi cho đỡ chán. Thế là Nụ thu vén hàng họ theo bạn xuống đò, sang chợ Bình.
          4 - Sáng đó, như mọi bận, từ tinh sương Tọ đã ra bến gánh nước thuê cho mấy nhà hàng phố. Đến chuyến thứ mấy Tọ cũng không nhớ, thì đò chợ dân Xốm như mọi ngày cũng ghé bến. Vừa vục gánh nước lên vai, đang dò dẫm bấm chân vào bậc dốc sông khá trơn ngược về phố chợ, Tọ bỗng nghe tiếng oái đằng sau, rồi liền đó là tiếng nhốn nháo. Tọ vội ngảnh nhìn, thấy con đò chợ đã gần cập bến, nhưng khá khẳm, không biết làm sao mà có một chị chàng lúc đó lại đang chới với dưới nước. Người trên đò toàn đàn bà nên thấy bạn chợ bị ngã bất ngờ, chỉ biết la hét mà không ai dám nhảy xuống cứu. Không kịp nghĩ, Tọ quẳng vội gánh nước lao trở lại, ào ào lội ra tóm lấy tay nhà chị kia, ào ào lội vào lôi lôi thốc lên bờ… Hoàn hồn, ai nấy đều xuýt xoa nhìn Tọ lúc đó ướt lướt thướt bằng đôi mắt biết ơn. Chị chàng ngã sông nọ - chính là Nụ - qua cơn sợ, thì rất cảm kích Tọ. Nhất là khi thấy Tọ quên cả gánh nước của mình đang đổ nghiêng trên dốc, người ướt nhèm hăng hái giúp chị em trên đò dỡ hàng họ, cả gánh hàng vải của Nụ lên bờ xong xuôi rồi mới xốc lại đôi quanh thùng xuống sông quảy gánh nước khác.
          5 - Không biết chợ Bình có duyên với Nụ, hay vì cái gì, mà dù buôn bán chả lãi lờ là bao, nhưng Nụ rất mong ngày phiên chợ Bình để sang sông. Cái gánh hàng cũng chả nhiều nhặn gì, nhưng được đi chợ, được tán gẫu vẫn là nết quen của Nụ. Dần dà, Nụ đã dò được thân thế hoàn cảnh anh chàng thâm thấp trắng trẻo gánh nước thuê đã kéo Nụ dưới sông lên hôm ấy. Không ít lần, Nụ nhìn trộm Tọ khi gánh nước đi qua hàng Nụ. Trai tơ, lại chất phác, cái mặt dễ nhìn, cái lưng, cánh tay, bắp chân Tọ để trần cuộn thịt. Phải cái hơi lùn, nhưng mà khỏe... Người ấy thì lúc làm lụng cũng như khi trên giường chắc là phải biết... Cứ thế, Nụ mơ màng tưởng tượng. Rồi không biết tự khi nào trong Nụ hình thành một ý định, một tính toán. Nụ hơ hớ thế này, lại mạnh về khoản ấy, lại góa chồng, càng khiến bao gã nuốt dãi, mà cũng đã khối lần, không nhịn được, Nụ đã lén đi bờ bụi, đỡ thèm mà có mấy lần còn được cho tiền. Nhưng Nụ cũng biết thừa, dù thằng nào dính với Nụ cũng mê mẩn, nhưng chúng chỉ thèm xác thịt Nụ thôi, còn chung sống, chăm lo cho Nụ và đàn con nhà Nụ thì thằng nào dám... Thế nên, Nụ phải tính. Và Tọ là đáp số trong phép tính của Nụ.
          Bắt đầu, là những câu hỏi thăm, rồi dần dà là khi đồng quà tấm bánh, thi thoảng Nụ lại thuê Tọ gánh hàng ra đò sau buổi tan chợ. Có lần, Nụ còn dúi cho Tọ cả một cái áo vải mộc nhấn nâu còn mới nguyên. Để có món quà ấy, Nụ đã thâm cả vào tiền lãi chợ, và hôm ấy, con Nụ phải ăn cơm với muối vừng. Chưa hết, nhiều lần khi trò chuyện, Nụ còn cố tình ngồi sát đứng sát hoặc đụng chạm vào Tọ. Vốn chất phác, lại côi cút cô đơn, dù có muốn cũng chả dám mơ mòng chuyện vợ con, nên được Nụ quan tâm săn sóc han hỏi, đủ khiến Tọ cảm động lăm lắm. Tọ đâu biết đằng sau đó là cả một phép tính của Nụ. Thêm nữa, không ít lần, bộ ngực, cặp mông Nụ cứ như nảy lên trước mắt Tọ, khiến Tọ dù chưa biết gì về chuyện ấy cũng phải nóng ran người mà không hiểu vì sao. Cứ thế, cái lưới của ả nạ dòng dần bủa kín... Và điều gì phải đến đã đến...
          Dân chợ Bình chưa thôi xôn xao về việc chị chàng hàng vải chết chồng ngủ lại trong lều anh chàng Tọ, thì đùng một cái, đã thấy chị ta dắt díu ba đứa con theo gánh hàng vải qua sông đến ở hẳn trong lều của Tọ. Hồi ấy, chuyện như thế quả là động trời. Nhưng kể thì cũng phục - Dân làng bàn tán - Dám dắt con theo trai, mà theo ai, theo cái thằng ngụ cư kiết xác. Chỉ được cái khỏe và chăm chỉ... Nhưng thôi, chuyện lạ đời bây giờ nhiều lắm, còn lo không có gì đổ vào nồi, hơi đâu bàn mãi chuyện thiên hạ. Người làng Bình bảo nhau thế, nên ồn ĩ chuyện Nụ với Tọ mươi buổi rồi cũng xong. Y như nước sông Lô chỉ cuộn lên dăm đợt mùa mưa bão rồi lại xanh ngăn ngắt mà lặng lờ trôi xuôi vậy.
          6 - Có vợ lại có cả con, Tọ sướng lắm. Giờ thì Tọ cũng như ai rồi, không côi cút một mình nữa, nên dù việc kiếm miếng ăn hằng ngày cho đàn con vợ là không dễ, nhưng cái ý nghĩ có vợ con gia đình khiến Tọ như quên hết cực nhọc. Tọ nai lưng làm lụng. Nụ lại mắn, nên cứ ba năm đôi, thêm 5 đứa con chung nối nhau ra đời. Việc chợ búa cũng thập thõm rồi dẹp hẳn vì sạch bách vốn. Rồi may có chế độ khoán quản, ruộng đất được lên chia đều, hai vợ chồng Tọ và tám đứa con chung riêng được chia hơn mẫu ruộng. Cơ chế khoán sản phẩm khiến việc kiếm cái ăn có dễ hơn, nhưng với một nhà đông con như nhà Tọ thì vẫn là một gánh nặng. Nụ vốn lười lại không thạo đồng áng, ngày ngày đảo qua đảo lại ngoài ruộng vài lượt, dắt con bò loanh quanh vài vòng rồi tót về trước nấu cơm. Nghỉ chợ, Tọ bàn với vợ xin chuyển vào trong làng, được xã cấp cho hẳn nửa quả đồi hoang làm chỗ cắm dùi. Ngày ấy người thưa đất rộng, lại may, vì cấy hái mấy năm luôn được mùa. Gần chục năm trôi qua từ ngày Nụ theo Tọ. Cái lều chợ ngày nào, giờ đã thay bằng cái nhà 3 gian 2 chái khung tre ngộc tường trình đất mái lợp lá cọ khá chắc chắn. Tre pheo lá cọ ở làng Bình khi ấy ê hề, mua rẻ thậm chí khéo nói là xin không được. Tọ và mấy thằng con trai: Hòa, Hợp, Thuận… tranh thủ sáng trăng nháo đất đắp tường. Công phạt mộc thì nhờ mấy trai làng khéo tay, chục bữa cơm mải đổi công thế là có nhà. Cha con Tọ quần quật ngoài ruộng, hết cày bừa cấy gặt, thì lại be bờ tát vét, bắt cá mò cua, đào chuột bắt rắn. Tuốt tuột từ rau dại đến chuột đồng, rắn nước, châu chấu, cậm quậy... vào tay cha con Tọ đều biến thành thức ăn sống người. Làm đủ việc nhưng chuyện đứt bữa hết gạo vẫn không tránh khỏi. Hết việc đồng áng, Tọ mày mò dẫn lũ con đi núi. Núi Đầu Bò cách làng Bình hơn chục cây số, cha con Tọ gần như là những người đầu tiên sơn tràng kiếm củi đổi cơm, vỡ nương trồng sắn tra lúa mộ. Leo núi luộng rừng vô cùng vất vả, mà lắm khi, buổi giáp hạt, gạo châu củi quế, nên gánh củi lặc lè không đổi nổi đấu gạo... Lắm bữa, một hột cơm cõng mấy miếng sắn, miếng khoai. Thế nhưng may sao, lũ con nhà Tọ đứa nào đứa nấy đều khỏe mạnh, một ăn một lớn. Lũ con gái 5 đứa: Hoa, Lý, Mơ, Mận, Đào đều trắng trẻo ưa nhìn, còn lũ con trai Hòa, Thuận, Hợp thì vâm vạp như bò tơ tuổi vực cày. Nhìn đàn con lộc ngộc của Tọ khối người xuýt xoa, ao ước. Thế nhưng, đàn con lớn lên, thì Tọ già đi. Làm lụng cực nhọc, ăn uống kham khổ, nên Tọ xuống sức trông thấy, đêm về, đặt tấm lưng ê ẩm xuống giường là Tọ ngủ như chết. Trong khi, nhờ nhàn hạ, Nụ vẫn phây phây mỡ màng, vẫn hừng hực lửa dục. Lắm đêm, không nhịn nổi cơn hứng, Nụ trèo hẳn lên bụng chồng mà thúc, Tọ cũng chỉ ậm ự vài tiếng rồi lại lăn ra ngủ, mặc Nụ day nghiến, cấu dứt, rên rỉ... Lúc ấy, Tọ cũng đâu biết rằng, đó cũng là một nguyên nhân khiến đời Tọ về già thành kẻ không vợ.
          7 - Túng thiếu, nên lũ con Tọ học hành cũng chả đến đâu. Tám đứa nhưng chỉ có Đào là theo hết cấp 2, còn lại cứ lớp 3, lớp 4 là bỏ ngang. Phần vì phải kiếm miếng ăn, phần vì việc học với chúng cứ như hình phạt. Thời gian nhoang nhoáng trôi. Lần lượt Hoa, Lý, rồi Mơ lấy chồng. Mận mới chớm 17 đã xin đi đội 202 theo công trường đào hồ thủy lợi của huyện vắng nhà suốt. Nhà còn 6 khẩu tiếp tục đánh vật kiếm cái ăn… Rồi Mận bén duyên với một gã trai cùng đội, đưa nhau về mấy bữa là xin cưới. Thôi thì, nhà nghèo, không muốn con lấy chồng quá sớm, nhưng giữ con cũng có giúp gì cho nó, nên Tọ đành đồng ý. Tọ cũng không ngờ, trong đám xin dâu hơn chục người của nhà trai đến đón Mận, có một cặp mắt đàn ông với những tia nhìn như tơ nhện đã bắt dính lấy cái thân hình của Nụ...
          Gã đàn ông đó là chú chồng Mận, đã ngoài năm mươi, góa vợ. Gã vốn là lái buôn trâu bò. Mấy chục năm bôn ba xuôi ngược, nay giải nghệ về quê. Có vốn, gã quay ra làm thầu điện. Hồi ấy, làm thầu điện kiếm tiền như bỡn. Sẵn tiền, gã cũng học đòi ăn chơi, giai gái. Ăn bánh trả tiền, tằng tịu với gái góa, quyến rũ nạ dòng, dụ dỗ gái tơ... gã đều đã từng. Cũng đã vài lần gã bị mấy tay chồng bị cắm sừng đuổi chạy re kèn... Nhưng cái con thú họ “dương” trong gã lại như vì thế mà càng hung hơn. Cậy có đồng tiền, lão còn thuê du côn xử ngược cánh đàn ông bị lão cắm sừng, khiến họ tuy cay cú nhưng chỉ còn cách về hành vợ. Trơ tráo, mặt dày thế, nên người trong họ tộc cũng chả ưa gì gã. Thế rồi, trong vai trò nhà trai đi đón con dâu cho anh chị, gã đã gặp Nụ.
          8 - Công bằng mà nói thì ban đầu Nụ cũng chưa có ý tứ gì. Tuy thế, cái thính nhạy bản năng đàn bà mách cho Nụ biết, cái lão đàn ông có đôi mắt trai lơ, lại ăn mặc bảnh chọe hơn cả trong đoàn xin dâu hôm ấy hình như cứ luôn nhìn chằm chằm vào Nụ... Nhưng lúc ấy, đang bận gả chồng cho con gái, nên Nụ cũng không để tâm nhiều. Thế rồi, trong lễ lại mặt của nhà trai, gã kia cũng có mặt, thì cái cảm giác hôm trước của Nụ đã được xác nhận. Dù cỗ bàn đạm bạc, nhưng vẫn là đám hỉ nên hai họ đều hể hả ăn uống. Không ai, kể cả Tọ, biết rằng, ngay sau ngày vui ấy, cõi trần vốn nhiều ngang trái này lại có thêm hai kẻ tội lỗi, lạc loài.
          9 - Ai đó nói rằng, khi nhà nào có chồng hoặc vợ ngoại tình thì người biết chuyện sau cùng lại chính là vợ hoặc chồng kẻ ấy. Thế mới tận cùng bi kịch. Và với Tọ thì là cả một sự đổ vỡ khốn khổ kinh hoàng. Sau đám cưới của con gái, Tọ lại dẫn lũ con trai vào núi Đầu Bò dỡ sắn phơi. Cái Đào là út thì ở nhà chăn bò và trông coi mấy sào lúa muộn với mẹ. Trời đã cuối thu, buổi sáng se se lạnh, nhưng trưa và chiều vẫn nắng to. Tranh thủ được nắng, cha con Tọ mải miết dỡ sắn, bóc vỏ, phần nạo, phần băm lát đem phơi trên các phiến đá quanh nương. Cứ mẻ này khô đóng cót, lại lập tức rải mẻ khác phơi tiếp. Sắn khô vốn là lương thực chống đói của nhà Tọ và dân làng Bình đã bao năm nay.
Cũng chả biết đã bao hôm chỉ chúi đầu chúi mặt vào phơi giở, thu cất như thế, xem ra công việc đã hòm hòm. Lại nhớ đến mấy thửa lúa muộn cấy quài nhẽ đã đỏ đuôi, Tọ dặn Hòa và Thuận ở lại trông nương. Không quên quẩy thêm gánh củi, lão và cu Hợp xuống núi...
          10 - Đặt gánh củi xuống đầu sân, trong khi thằng Hợp tót lại giếng vục một gầu nước lã tu ừng ực, rồi phóc lên cây ổi lửa góc vườn đang đung đưa mấy chùm quả trái mùa, thì Tọ ngơ ngác nhìn quanh. Nhà cửa sao vắng vẻ vậy. Chắc Nụ và con Đào đi bò hoặc mò ốc? Nhưng nhìn lại thì thấy cửa không khóa. Đi đâu mà không khóa cửa thế này? Vừa làu bàu trong bụng, lão vừa nhảo lên bậc thềm, đẩy toang cánh cửa, bước vào nhà…
          Cái tiếng rú hoảng hốt rồi tiếng giằng giật quáng quàng của ai đó trong buồng, nơi kê cái chõng tre làm chỗ ngủ của vợ chồng lão… đã đẩy bật lão trở ngược. Thoáng qua óc lão ý nghĩ: trộm vào nhà? Và lão bỗng run lên vì sợ. Nhưng đây là nhà mình, nghĩ thế, nên lão cố trấn tĩnh. Rất nhanh, lão rút phắt con dao đi nương vẫn luôn giắt ngang hông xông thẳng vào buồng... Và ngay lập tức, lão đứng chết sững, bởi cảnh tượng trước mắt: Nụ vú vê thỗn thện đang quýnh quáng mặc áo, nhưng vì quá cuống nên cái áo cứ vặn chéo khiến mụ không thể xỏ được cánh tay còn lại vào tay áo. Cạnh Nụ, một gã đàn ông cũng đang cuống quýt xỏ chân vào cái quần đùi. Trong ánh chiều ruồm ruộm hắt ngược, lão Tọ sừng sững như thần chết với con dao lăm lăm trong tay càng khiến cả hai kẻ gian dâm khiếp đảm, cuống cuồng. Thằng đàn ông nhào lên chực chạy, nhưng lại ríu chân ngã quỵ. Lão Tọ cũng vừa kịp nhận ra đó là tay chú ruột chồng con gái mình. Như sực tỉnh, Tọ hộc lên một tiếng đau đớn. Đầu lão như mụ đi. Con dao đi nương trong tay lão vung lên, xả xuống…
Khi dân làng nghe được tiếng kêu gào thất thanh của thằng Hợp và rầm rầm chạy đến, thì đã thấy mùi máu tanh nồng bốc lên. Trong buồng, Nụ vẫn thỗn thện, nằm lịm trên nền nhà như thể chết rồi, cạnh Nụ là một thân hình đàn ông trần trụi bê bết máu. Tọ tựa lưng vào vách tường, ngồi rũ rượi bất động.
          11 - Tọ bị vào tù. Phiên tòa xử án Tọ, rất đông người làng Bình đến dự, ai cũng chép miệng thương cho Tọ hiền lành mà gặp phải nợ đời (họ gọi Nụ như thế), đã có cháu ngoại mà vẫn chưa chót đời để đẩy chồng vào lao lý, khiến tan cửa nát nhà. Không ai được chứng kiến việc xảy ra, nhưng cái chuyện lão thầu điện mò đến nhà Tọ bao lần thì khối người làng biết. Chỉ có Tọ cứ mải miết làm lụng hết đồng xa đồng gần lại đi núi đi nương là không biết thôi. Đàn con, ngơ ngác sau sự cố đau đớn đó, đều xót xa thương bố, nhưng cũng không biết phải làm gì. Còn Nụ, sau khi tỉnh lại thì bỏ đi mất tăm. Ba tháng sau ngày Tọ vào tù, lão nhận được đơn xin ly hôn của mụ...
          12 - Nhờ cải tạo tốt, Tọ được giảm án, 7 năm sau, lão ra tù. Trở lại làng Bình, nơi đã cưu mang lão, nơi lão đã có những năm tháng cực nhọc mà đầm ấm cùng đàn con, lòng lão không khỏi rưng rưng. Cảnh vật đổi thay nhiều quá. Con đường làng lúc lão vào tù cứ mưa là lầy lội trơn trượt khốn khổ nay đã được thảm bê-tông. Trường học các cấp toàn xây hai, ba tầng bề thế, học sinh đông chật. Cái chợ Bình, cả cái phố Chốt lèo tèo ngày ấy giờ cũng như lột xác. Chợ được xây cất đàng hoàng. Phố thì nhà cao tầng mái xanh mái đỏ, chóp nhọn chóp tròn đủ kiểu. Dân làng vẫn hồ hởi chào hỏi lão như chào hỏi một kẻ đi xa lâu ngày mới về... Nhưng khi lão quay đi, không ít người thở dài nhìn theo ái ngại. Cái con người vâm vạp khỏe mạnh ngày trước giờ chỉ còn là một hình hài già nua, buồn bã. Đón lão khi ra tù, chỉ có thằng Hòa. Giờ về đến làng, cũng chỉ có nó dẫn bố về lại nhà cũ. Nhà lão đây ư? Ngôi nhà 5 gian khung tre ngộc, tường trình, mái lá chắc chắn năm nào đâu rồi? Trước mắt lão giờ chỉ còn lại một khung nhà đã bị Nụ tháo dỡ mất một nửa. Nửa căn nhà còn lại dầu dãi mưa nắng giờ xiêu vẹo, bức tường mất mái bị xói đổ trơ cả những vạt sỏi ruồi. Mấy đứa gái lớn theo chồng. Nhưng ba thằng con trai không ai chịu theo mẹ. Chúng ở lại nửa căn nhà này lần hồi qua ngày chờ bố. Con Đào mới lên mười thì bị Nụ bắt phải đi theo. Nhà cửa khi Tọ vào tù còn lại thứ gì, Nụ cũng vun vét chia đôi bán lấy tiền mang theo hết, từ mẹ con con bò cóc, hai con lợn đang bén máng, và mấy chục gà... Những năm Tọ trong tù, cảnh nhà mất nóc, mấy đứa con lão như đám bèo gặp lũ. Thằng Hòa cưới con gái ông sãi trông chùa làng bên, đã có hai con, nhưng lại mới bị chết đuối mất một đứa. Thằng Thuận xung phong đi bộ đội nhưng không được xét bởi lý lịch đời trước mù mờ, bố lại đang tù tội. Chán đời, nó bỏ đi đào vàng và biệt luôn tăm tích. Thằng Hợp xin được chân xúc cát thuê theo tàu dọc trên sông Lô. Trong một chuyến theo thuyền cát đi Quảng Ninh, nó bị tai nạn. May được anh em trên tàu cứu kịp, nên thoát chết, nhưng bàn tay trái của nó thì thành tật, làm gì cũng phải lựa. Chủ tàu thương cảnh nhà và cũng mến thằng bé ngoan ngoãn, nên vẫn xếp cho Thuận chân phụ bếp núc cơm nước cho anh em. Bây giờ thì Thuận đã thôi theo thuyền cát, lên bờ sống cùng Ngà - một người đàn bà bỏ chồng, lớn hơn nó dăm tuổi. Cũng đành coi như là an phận. Còn Nụ, bỏ Tọ xong, dắt con Đào nhảy đò dọc đi tuốt đến Phú Hạ, dựng quán nước. Và ở cái vùng đất xa cách hẳn với làng Bình cả ngày ngồi đò dọc, chỉ vài tháng sau, Nụ đã khiến gã bán thuốc lào chợ huyện say mụ hơn cả điếu đổ. Gã công khai bỏ bẵng vợ con dọn gánh hàng đến ở cùng Nụ. Mặc người đời mai mỉa, hai kẻ tứ chiếng cứ nhơn nhơn như thách thức. Chỉ khổ con Đào ê mặt vì mẹ mà không biết phải bỏ đi đâu. Tuy nhiên, nó cũng sẽ không bỏ đi đâu bởi dù gì thì Nụ vẫn là mẹ nó, nếu không đến một đêm, vào năm nó mười sáu tuổi. Đêm ấy, trời rét đậm, cái chăn mỏng khiến Đào xoay giở mãi mà vẫn không ngủ được. Đã khá khuya. Góc lều đằng kia, mẹ nó và gã buôn thuốc lào hình như đã ngủ say sau cơn vần vã. Đang co người trong tấm chăn mỏng cố dỗ giấc, Đào bỗng thấy một bàn tay luồn qua chăn lần vào người mình. Nó vùng ngay dậy, thét lên một tiếng khiếp đảm... Nụ giật choàng, không kịp xỏ dép, lao sang chỗ con gái. Ngọn đèn dầu được thắp lên. Gã buôn thuốc lào nhăn nhở: Là dượng đây mà. Dượng thèm thuốc lào, định dậy hút nhưng không tìm thấy bao diêm. Ngỡ để ở chỗ con... Nụ quắc mắt lườm gã. Con Đào run bần bật.
Chuyện mới có thế, nhưng trưa hôm sau, từ chợ về, Nụ đã không thấy con Đào đâu nữa. Và hầu như cũng từ đó, những ai biết con Đào cũng không có dịp nào được nhìn thấy nó nữa.
          Con cái tan tác, cảnh nhà xác xơ, lão Tọ run rẩy phẫn uất. Đàn con, trừ những đứa đã bỏ đi, còn lại thì hầu như cũng nghèo, vặt mũi đút miệng, chả đỡ đần gì được cho bố. Thế nên, chỉ vài ngày sau khi ra tù, dân làng đã thấy lão Tọ lần ra đồng. Bây giờ người đông đất chật, xã căn vào cảnh nhà lão, nên dù lão đã hết tuổi lao động vẫn cấp cho lão sào rưỡi đất hai vụ. Thôi thì, lại cuốc đất lật cỏ kiếm ăn vậy. Sức vóc bây giờ chả còn là bao, làm được một lúc đã thở như kéo bễ, nên lúa, màu của lão đều xấu. Vợ chồng thằng Hòa vẫn thi thoảng chạy qua chạy lại cày bừa cấy gặt đỡ bố. Lúa gạo cũng chỉ đủ cho lão ăn dăm tháng. Còn lại, lão nhặt thêm con cua con tép ăn độn với khoai sắn qua ngày. Và lại làm thuê. Có điều, việc lão nhận làm thuê bây giờ là đi phun thuốc trừ sâu diệt cỏ. Vì đó là công việc độc hại nên người làng Bình không ai muốn làm. Lão nhận tuốt. Cái bình phun trên vai, không quần áo bảo hộ, chân trần, lão lội khắp đồng xa ruộng gần. Mưa nắng đắp đổi theo năm tháng, để rồi chẳng biết từ lúc nào, cùng với hình hài còm rọm, tính nết lão cũng thay đổi ghê gớm. Lão sẵn sàng nổi quạu với bất cứ ai. Thấy cái gì của ai vừa mắt, là lão tìm cách thó. Từ nắm rau, cái bi chuối đến gồi lúa, bắp ngô. Trên vai lão luôn có cái bao dứa - chứa tất cả những gì lão nhặt nhạnh được. Nhà hàng xóm cùng quả đồi là phải chịu đựng lão nhiều nhất. Bờ tre hàng trăm cây của họ, lão vặt bòn từ cái măng vòi, rồi chặt dần chặt mòn đến cây tre đem bán. Nửa quả đồi nhà lão bỏ hoang rậm hùm nằm, vậy nhưng lão cứ vác cành gai về rào lấn sang nhà hàng xóm cả thước đất. Nhà nọ rất tức nhưng vẫn nín nhịn, cũng như dân làng vừa ghét vừa thương lão nên vẫn chặc lưỡi cho qua những điều quá quắt ấy. Gần đây, con bò mẹ nhà Hòa sắp đẻ lứa mới. Để bố có việc làm, bớt đi lại táy máy của dân làng, Hòa liền tách con bê tháu đưa vào cho bố chăn dắt. Nhưng lão vẫn giữ nguyên sự cùn quậy thế. Dắt bò đi chăn, lão cho nó vơ cả hàng lúa, liếm hết vồng khoai lang. Còn hôm nay, bận đi phun thuốc diệt cỏ cho nhà Tiệm, thì lão buộc bò ra ven bờ rào, cạnh nương sắn nếp đang lên xanh ngun ngút của nhà hàng xóm... Để rồi trưa về, những câu rủa xả như móc vào da thịt lão của người đàn bà hàng xóm, thốt nhiên đã dìm lão nằm đuội luôn xuống cái giường tre.
          13 - Lão Tọ thiếp đi trong cơn đói, mệt, và nếu không có tiếng mấy con gà táo tác tìm ăn xục vào nhà đuổi nhau nhảy cả qua chỗ lão nằm thì chắc lão sẽ ngủ luôn không muốn tỉnh lại. Đã quá chiều. Lão đoán thế, khi nhìn thấy vạt nắng xóc qua cái đầu hồi nhà xiên ngang trên nền đất ẩm. Đầu lão ong ong, rỗng rễnh. Phải dậy thôi, lão tự nhủ, dậy kiếm cái gì ăn tạm rồi còn xem bò mê gà qué thế nào... Mà hôm nào phải bảo thằng Hòa đến, kiếm ít lá cọ, dọi lại cái mái nhà, rồi nháo ít đất trình lại cái bức vách đầu hồi mới được. Nắng xiên rát quá... Hôm trước thằng Hòa gợi ý lão về ở cùng vợ chồng con cái nó cho đỡ quạnh... lão còn băn tăn chưa thông. Nhưng, nhẽ đận này, lão phải xem xét mới được. Hoặc lão về với vợ chồng nó, hoặc nhà nó dọn về sống cùng lão. Trẻ cậy cha, già cậy con... Các cụ ta đã dặn lại thế còn gì... Nghĩ đến đây, lão như thấy người tỉnh táo hơn. Chống tay vào đùi, lão đứng dậy...
 
T.V
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc