Xây dựng Đảng từ những “đầu tàu" gương mẫu
Ngày đăng: 22/02/2023; 126
ĐỖ HÀ
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần nêu gương trong mọi việc. Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua trên địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã xuất hiện nhiều cá nhân gương mẫu trong công việc, tích cực đóng góp công sức vào sự phát triển kinh tế địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
 
***
 
Qua giới thiệu của đồng chí Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Nguyên Nguyễn Văn Tuyến, tôi tìm gặp bà Đào Thị Chiêm (58 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Đông Lỗ 1, xã Trung Nguyên. Ấn tượng đầu tiên về bà Chiêm là hình ảnh một người phụ nữ có tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, miệng nói tay làm. 12 năm làm Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ, bà Chiêm luôn được người dân yêu mến bởi sự tận tụy, trách nhiệm và gương mẫu. Bà bảo: “Đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì phải gắng làm đến nơi, đến chốn”.
Với đặc thù hơn 80% dân số làm nông nghiệp, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thôn Đông Lỗ 1 có xuất phát điểm thấp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, trong khi diện tích cần giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến nhiều công trình dân sinh. Ban đầu người dân trong thôn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Có người còn cho rằng việc vận động người dân ủng hộ đất đai, kinh phí để xây dựng nông thôn mới là việc làm không cần thiết, số tiền ủng hộ của người dân chưa chắc đã được sử dụng đúng mục đích. Trước thực tế đó, Chi ủy, Ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị cùng những người uy tín trong thôn đã không quản ngại mưa nắng, ngày đêm đến từng hộ dân vận động.
Muốn dân tin, dân nghe và làm theo thì trước hết bản thân mình phải gương mẫu đi đầu. Với suy nghĩ ấy, bà Chiêm đã tự nguyện hiến hơn 50m2 đất và ủng hộ 43 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.
Trước việc làm thực tế cùng những lời tuyên truyền, vận động, giải thích hợp tình, hợp lý của bà Chiêm, “mưa dầm thấm lâu”, người dân thôn Đông Lỗ 1 đã dần thay đổi suy nghĩ. Với phương châm “đoạn đường đi qua xóm nào thống nhất cao là tập trung làm trước”, “đoạn đường nào có vướng đất, công trình và cây xanh của cán bộ thì cán bộ hiến trước”… Khi thấy cán bộ, đảng viên đã tiên phong thực hiện, không ai bảo ai, người dân liền tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công. Ngoài những khoản đóng góp theo quy định, mỗi cán bộ, đảng viên thôn Đông Lỗ 1 còn tiên phong, gương mẫu ủng hộ 500 nghìn đồng. Có những đảng viên “cắt” một phần ngôi nhà của mình để con đường trong thôn được mở rộng như gia đình ông Nguyễn Tất Này ủng hộ hơn 50 triệu đồng tiền tiết kiệm, hiến hơn 60 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, thương binh Vũ Văn Kiểm, ông Nguyễn Thiên Ben, ông Nguyễn Đức Viết, bà Nguyễn Thị Thanh hiến gần 120 m2 đất,…
Với cách làm đó, đến nay, Đông Lỗ 1 đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, là một trong những thôn đi đầu của xã, của huyện trong các phong trào xây dựng nông thôn. Người dân trong thôn đã hiến hơn gần 7.000m2 đất, gần 300 ngày công và hàng trăm triệu đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao và các công trình công cộng khác.
Dẫn tôi thăm công trình nhà văn hóa thôn Đông Lỗ 1, với khuôn viên rộng hơn 1.100m2 có tường bao quanh, điện cao áp sáng trắng, nền sân được đổ bê-tông, bà Đào Thị Chiêm kể: “Trước đây, chỗ này là cái ao làng, mùa mưa cũng như ngày nắng, nước tràn lên hết mặt đường lầy lội, ô nhiễm lắm. Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con đã đồng lòng góp công, góp của cùng nhau xây dựng. Đây chính là điều mà tôi tâm đắc nhất khi tham gia công việc của địa phương”, bà Đào Thị Chiêm phấn khởi nói.
 Không chỉ nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ, đảng viên ở Trung Nguyên còn nêu gương trong phát triển kinh tế gia đình, tạo nên phong trào thi đua, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Trung Nguyên.
4 năm trở lại đây, câu chuyện làm giàu của đảng viên Nguyễn Văn Sẽ - Bí thư chi bộ thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên được nhiều người dân trong xã biết đến. Ông Sẽ và gia đình khởi nghiệp từ nghề làm đậu phụ kết hợp nuôi lợn sinh sản. Nhờ có sự đầu tư chuồng trại, cộng với áp dụng khoa học kỹ thuật nên quá trình chăn nuôi của gia đình ông đạt kết quả tốt. Hiện nay, trên hệ thống chuồng trại diện tích 1000 m2, ông Sẽ đầu tư hơn 30 lợn nái, 250 con lợn thịt cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó ông còn mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Không những làm giàu cho gia đình, với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, ông Nguyễn Văn Sẽ còn trực tiếp giúp 13 đảng viên và hàng trăm hộ dân thôn Lạc Trung cùng vươn lên thoát nghèo. “Là đảng viên, lại là Bí thư chi bộ, mình cần phải gương mẫu, mạnh dạn trong làm ăn, để đảng viên, quần chúng học theo”, ông Sẽ tâm sự.
Ở thôn Đông Lỗ 2, xã Trung Nguyên, mô hình làm kinh tế của đảng viên Nguyễn Đức Quân được nhiều người đến tham quan, học hỏi. Ông Quân là người tiên phong cải tạo khu đất bãi sông Hồng hoang vu, cỏ dại thành vườn cây ăn trái sum suê. Chỉ tay về phía vườn bưởi gia đình, ông Quân khoe với tôi: Hiện, hơn 1.200 cây bưởi của gia đình đang vào mùa cho thu hoạch, bình quân mỗi cây cho 70 quả, giá 12 nghìn đồng/ quả; 2000 cây chuối tiêu hồng, 300 cây mít Thái, 200 cây bưởi da xanh. Bình quân mỗi năm thu lãi 400 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình kinh tế gia đình, ông Hồng đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống để nhiều hộ gia đình khác cũng làm theo. Được sự vận động, hướng dẫn và hỗ trợ tận tình của ông Hồng, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá giả trong thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nguyên cho biết: Toàn Đảng bộ xã Trung Nguyên có 16 chi bộ trực thuộc, 375 đảng viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh giáo dục tư tưởng, đảng bộ xã đã nhân rộng những tấm gương đảng viên điển hình trong phát triển kinh tế, thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đến thăm trực tiếp các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cao để học tập kinh nghiệm làm giàu. Trong đó, vai trò của cán bộ, đảng viên địa phương luôn được phát huy trong các nhiệm kỳ, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong Nhân dân.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” thế nhưng để huy động được sức mạnh từ Nhân dân thì không thể thiếu những cán bộ, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu, lặng thầm cống hiến. Ở họ là sự mềm mỏng, khéo léo trong xử lý tình huống, kiên trì giải thích khi người dân chưa hiểu rõ bản chất vấn đề. Và hơn hết là sẵn sàng đứng mũi chịu sào, gương mẫu đi đầu, thực sự hòa mình vào đời sống của Nhân dân để dân hiểu, dân tin và hưởng ứng.
 
                                                                                                                                                Đ.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc