Lễ hội đền Ngự Dội - Nét đẹp trong văn hóa tâm linh xứ Đoài
Ngày đăng: 31/03/2024; 686
KIM HÙNG
 
Đền Ngự Dội tọa lạc trên cánh bãi La Phiên năm 603, nay thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Lúc đầu gọi là quán Dội, đến năm 1989 được xây dựng lại và gọi là đền Ngự Dội - nơi thờ đức Thánh Tản Viên sơn (con rể Vua Hùng đời thứ 18) - vị Tổ của bách thần phương Nam và cũng là vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử”. Năm 2014, đền Ngự Dội tưng bừng trong đại lễ đón Bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
 
 
Đoàn rước kiệu tam Thánh từ đền Và (Sơn Tây)
đang tiến về đền Ngự Dội (Vĩnh Tường) đ làm lễ “Mộc dục”
 
Từ một quán nhỏ bé, được lợp bằng phên gianh, lá, nứa, qua nhiều lần được tu bổ, tôn tạo, đặc biệt là lần tu bổ lớn nhất năm 2018, với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng (từ nguồn vốn xã hội hóa), đền Ngự Dội đã trở nên khang trang, bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân xã Vĩnh Ninh nói riêng, vùng xứ Đoài nói chung.
Cùng với việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa vật thể, người dân nơi đây còn đặc biệt coi trọng bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể. Lễ hội đền Ngự Dội là một lễ hội vốn có lâu đời, tiêu biểu, đặc sắc, nổi tiếng xứ Đoài, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018. Đây là niềm phấn khởi, tự hào, niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Ninh nói riêng, huyện Vĩnh Tường nói chung.
Theo truyền thống, lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức 3 năm một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, với những nghi thức rước kiệu, tế lễ rất tiêu biểu, đặc sắc trong đó có nghi thức lễ “thu thủy” giữa dòng sông Hồng. Đoàn rước kiệu được khởi hành từ đền Ngự Dội lúc 15 giờ chiều ngày 14 tháng Giêng, với hàng trăm người bộ hành, cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, tiến ra bờ sông Hồng, lên thuyền, lượn 3 vòng ngược xuôi trên sông Hồng, rồi lấy 9 gáo nước tại một điểm hội tụ nguồn nước trong mát nhất, đưa vào chiếc chóe cổ, dâng về đền Ngự Dội, để cung kính, làm lễ “mộc dục” - một nghi lễ rất quan trọng trong ngày chính hội (Rằm tháng Giêng). Nghi lễ “mộc dục” được tái hiện trong ngày hội chính, nhằm tưởng nhớ, khắc ghi truyền thuyết về hai cô thôn nữ đang cắt cỏ trên cánh bãi La Phiên, nhờ có phép nhiệm màu kỳ diệu của đức Thánh Tản, mà đã gánh được nước sông Hồng, từ đôi sọt tre dân dã, dâng lên để đức Ngài tẩy bụi trường chinh, trước khi hóa Thánh trên đỉnh non Tản hùng vĩ. Đây chính là biểu hiện sinh động của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Từ lâu đời, lễ hội đền Ngự Dội đã có sự liên quan mật thiết với đền Và (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây), vì hai ngôi đền đều thờ tam vị: đức Thánh Tản Sơn Tinh (Tuấn Công) cùng hai anh em thúc bá là Cao Sơn (Sùng Công) và Quý Minh (Hiển Công).
Theo định kỳ 3 năm một lần, Xuân Quý Mão 2023 là năm chính hội. Để nghi lễ “mộc dục” tại đền Ngự Dội được diễn ra long trọng, đúng nghi thức, nghi trình; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hai địa phương (Vĩnh Tường - Sơn Tây) chủ động phối hợp chặt chẽ, thống nhất xây dựng các phương án chỉ đạo chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết phục vụ lễ hội, đặc biệt là việc tổ chức đoàn rước kiệu tam Thánh từ đền Và (Sơn Tây) sang đền Ngự Dội (Vĩnh Tường), phải đi bằng cả đường bộ và đường thủy (qua sông Hồng), với chiều dài trên 5 km. Làm thế nào để đoàn rước kiệu tam Thánh từ đền Và sang đền Ngự Dội đảm bảo đúng lộ trình, đúng thời gian dự kiến và đảm bảo an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống dịch bệnh; chăm sóc y tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân và du khách trên lộ trình rước kiệu? Những câu hỏi đó đã được đặt ra và được các cấp, các ngành trong huyện Vĩnh Tường và thị xã Sơn Tây quan tâm chỉ đạo giải đáp thỏa đáng, kịp thời trước, trong ngày diễn ra lễ hội đền Ngự Dội.
Cùng tham gia đoàn rước kiệu tam Thánh từ đền Và (Sơn Tây) sang đền Ngự Dội (Vĩnh Tường) để làm lễ “mộc dục”, trong buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng Quý Mão 2023, mới thấy được sự uy nghiêm của lễ hội. Hàng vạn người dân, du khách thập phương, với nhiều độ tuổi khác nhau, trong trang phục đủ sắc màu, tưng bừng, phấn khởi tham gia đoàn rước kiệu. Tiếng bước chân rầm rập, hòa trong tiếng cười nói, tiếng trống, chiêng làm rộn vang cả một vùng. Đoàn rước kiệu khởi hành từ đền Và lúc 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng Quý Mão, qua nhiều tuyến phố của thị xã Sơn Tây, qua sông Hồng bằng 15 chiếc tàu, phà lớn, nhỏ, đến ngoài 12 giờ trưa cùng ngày thì tới an vị tại đền Ngự Dội.
Để thể hiện tấm lòng thành kính, sự biết ơn công đức cao dày của đức Thánh Tản, khi đoàn rước kiệu tam Thánh từ đền Và (Sơn Tây) vừa cập bến phà, thuộc địa bàn xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường), người dân huyện Vĩnh Tường ùa ra, đứng chật hai bên đường, tưng bừng reo vui, vẫy tay, vẫy cờ hoa đón chào. Thời điểm này, tại khu vực tổ chức lễ hội đền Ngự Dội có hàng vạn người dân, du khách thập phương đã về đây trẩy hội, ai cũng phấn khởi, tự hào, khi được hòa nhập trong bầu không khí tưng bừng, phấn khởi và được người dân huyện Vĩnh Tường đón tiếp cởi mở, nồng hậu.
Trước sự hiện diện của các quý vị đại biểu các cấp, các ngành, hàng vạn người dân, du khách thập phương, các nghi lễ: “tế yên vị”, “tế mộc dục”, “tế đốn”, “tế khải hoàn”... lần lượt được tổ chức rất long trọng, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với các công đức cao dày của đức Thánh Tản Viên sơn - vị thần tổ trong “Tứ bất tử”.
Không chỉ nghi lễ “mộc dục”, mà nghi lễ “tiến đốn” cũng có những nét rất tiêu biểu, đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể xứ Đoài. Lễ vật trong lễ “tiến đốn” là một con lợn đã cạo sạch lông, mổ sạch lòng, gan, nhưng còn để lại một chòm lông gáy, kính dâng đức Thánh. Lễ vật này được người dân nơi đây thực hiện nhằm tái hiện lại truyền tích xưa, khi mà đức Thánh Tản ngự lại trên cánh bãi La Phiên vào một ngày Rằm tháng Giêng năm Tý, biết tin này, người dân La Phiên vội vàng ùa ra, mổ lợn, kính dâng đức Thánh, nhưng không kịp, vì đến giờ đức Thánh đưa quân đi trẩy hội mừng công. Những câu chuyện truyền kỳ đó đã viết thêm vào trang ngọc phả của Vĩnh Tường những dòng văn hóa tâm linh tốt đẹp, được truyền tụng như một bản anh hùng ca về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sau khi các nghi thức “tế lễ” được khép lại, thì tại khu vực đền Ngự Dội xuất hiện một luồng gió rất mạnh, khiến những lá cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội… đều phần phật tung bay về hướng núi Tản, bầu trời xầm xì như muốn đổ mưa. Thời điểm này nghi thức rước kiệu hồi cung về đền Và lại được tiến hành, rất trang trọng, trang nghiêm, thành kính. Đoàn rước kiệu hồi cung, khởi hành từ đền Ngự Dội lúc 16h00’, sau 4 tiếng đồng hồ, đến 20 giờ cùng ngày, thì về an vị tại đền Và (Sơn Tây).
Lễ hội đền Ngự Dội khép lại trong bầu không khí tươi vui, ấm áp, an lành, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương. Qua lễ hội, mối quan hệ giữa các cộng đồng dân cư, đặc biệt là các cộng đồng dân cư hai bên bờ tả - hữu sông Hồng: Vĩnh Tường - Sơn Tây, từng gắn bó bền chặt lâu đời, nay càng thêm thắm thiết, mặn nồng.
 
K.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc