Ngô Tướng công - Người mở đầu công cuộc khai hoang, lấn biển
Ngày đăng: 07/05/2024; 389
THANH HẢI
 
     Ngô Tướng công (Ngô Miễn), tên hiệu là Đại Đức, sinh vào năm Tân Hợi, đời vua Trần Nghệ Tông (1371) tại thôn Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Hoa, xứ Kinh Bắc, nay là xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay từ nhỏ, Ngô Miễn là người thông minh, tuấn tú, tính cách khoan hòa. Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có và quyền thế nhưng đối với mọi người, ông rất khiêm nhường, hòa nhã. Năm 20 tuổi, ông đỗ Thái học dưới triều vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Vào cuối triều Trần, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi dậy khắp nơi, chống lại triều đình nhà Trần suy yếu. Mặc dù đã đỗ đạt nhưng đứng trước tình cảnh triều đình, đất nước mất ổn định, ông không ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy học. Trong thời gian đó ông đã nhiều lần đặt chân tới vùng biển phía Nam, thuộc phủ Thiên Trường. Thấy nơi đây bãi bồi màu mỡ nhưng chưa có người khai phá, ông xin phép triều đình đưa 10 họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Vũ, Đinh, Đào, Tạ từ quê hương Xuân Mai xuống lập ấp mới ở phủ Thiên Trường. Mười dòng họ dưới sự chỉ đạo của Ngô Miễn đã vật lộn với sóng biển, lau lác, sình lầy, đắp đê ngăn nước mặn để lấy nước cho đồng ruộng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ 1392 đến 1396 ông đã cùng Nhân dân khai khẩn được trên 2000 mẫu ruộng và đặt tên đất là vùng Nhật Hy (từ “Hy” xuất phát từ kẻ He, nay thuộc xã Phúc Thắng). Biết rõ tài, đức của Ngô Miễn, Hồ Quý Ly đã nhiều lần mời ông ra làm quan. Năm 1400, ông ra làm quan dưới triều Hồ, giữ chức Nội thái giám quân thiên, chỉ huy đạo quân của triều đình. Năm 1406, ông được phong chức Hữu tham tri chính sự, vừa trông coi chính sự trong triều, đồng thời bảo vệ các lăng tẩm, giữ gìn an ninh cho Nhân dân trong kinh thành. Trong 6 năm làm quan dưới triều Hồ, Ngô Miễn là người có tài năng, đức độ, là một vị quan liêm khiết và đồng thời có nhiều đóng góp trong việc cải cách xã hội. Không những thế, Ngô Miễn còn cùng vua quan nhà Hồ tổ chức Nhân dân nhiều lần chống lại giặc phương Bắc.
     Nhưng vì lúc đó triều đình nhà Hồ mới xây dựng, chưa vững chắc trong lòng dân nên việc quy tụ, tập hợp lực lượng quân đội chưa đủ mạnh để chống lại giặc Minh. Năm Đinh Hợi (1407), Ngô Miễn cùng quân dân nhà Hồ đánh trả quyết liệt với giặc Minh tại vùng đất miền Trung (Hà Tĩnh ngày nay). Trước thế giặc mạnh, lực lượng của ta dần dần tan vỡ, song ông vẫn đánh trả đến cùng. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, ông đã cùng với Kiều Biền nhảy xuống cửa biển Kỳ La tuẫn tiết (hôm đó là ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi, lúc ông 36 tuổi). Ngay sau khi biết tin Ngô Miễn tuẫn tiết, vợ ông là bà Nguyễn Thị Lệnh và một số gia nhân cũng tuẫn tiết theo để giữ lòng chung thủy và trung thành với ông. Dân làng Nhật Thi và nhiều nơi khác trên đất phủ Thiên Trường xưa, nay là huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tôn ông Ngô Miễn là người đầu tiên khai sáng vùng đất này và lập đền thờ ngưỡng vọng muôn đời. Đền thờ Ngô Tướng công ở làng Thi (Xuân Hy), xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (đại bản doanh đầu tiên của Ngô Miễn khai khẩn vùng đất này).
     Năm 1991, Đền thờ Ngô Tướng công tại thôn Xuân Mai, xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh (nay thuộc thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được Bộ Văn hóa xếp hạnh “Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia”. Hiện nay, ở đền Ngô Tướng công còn một sắc phong niên hiệu Khải Định thứ hai (1917), sắc ghi: “… Thôn Xuân Mai, xã Xuân Phương, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, thờ cúng vị tôn thần là Trần tướng công, tên chữ là Thuận Đoan, tên thụy là Minh Khánh…” và một bia đá hình trụ 4 mặt “Cổ lai uy linh đại vương thánh miếu thực lục bị ký” khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1655) ghi: … Ngô Kính Thần đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), là người thôn Triền, xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, thời Hồng Đức đi sứ Trung Quốc.
     Sau khi Ngô Miễn mất, vua Lê phong ông làm Hộ quốc phúc thần, ra lệnh xây miếu ở thôn Triền (hiện nay vẫn còn lăng miếu ở thôn Xuân Mai, xã Phúc Thắng). Phải chăng, Ngô Kính Thần là hậu duệ của Ngô Tướng công và đạo sắc Khải Định đó chính là phong sắc Ngô Tướng công của đời vua nhà Nguyễn, vì Ngô Tướng công có công lớn trong việc khai hoang, lấn biển, lập trang ấp cuối đời nhà Trần, người đời sau suy tôn ông được mang quốc tính họ Trần. Đây là những tư liệu quý để chúng ta tham khảo trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Ngô Tướng công.
     Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, hằng năm vào mùa lễ hội, Xuân - Thu nhị kỳ: mùa Xuân tổ chức lễ hội tại quê hương nơi sinh ra ông, mùa Thu tổ chức lễ hội nơi ông lập nghiệp thành danh, để con cháu hai làng Xuân Mai (Vĩnh Phúc) và Xuân Hy (Nam Định) trên khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về hai quê dự lễ hội truyền thống tại đền thờ Ngô Tướng công với nhiều nghi lễ, trò diễn đặc sắc và giao lưu văn hóa giữa hai vùng văn hóa: văn hóa xứ Đoài (Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) và văn hóa xứ Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình).
 
T.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc