Hải Thanh, người biết cười
Ngày đăng: 07/05/2024; 259
BÙI VIỆT PHƯƠNG
 
1.
Khi ai đó viết cả thơ và văn xuôi thường được gọi là kẻ đa tài. Chữ “đa” ấy nghe có vẻ giống với nhiều thứ “đa” khác trong thiên hạ như đa tình và đa đoan, đa sầu, đa cảm... Tôi lại không nghĩ thế, sự thể nghiệm nào trong nghiệp viết dẫu ồn ào hay lặng lẽ cũng chỉ là hiện thân của một cái tài duy nhất, tài năng xuyên suốt các trang viết, mặc kệ nó là “sân chơi” phải chấm câu, xuống dòng hay tung tảy chữ nghĩa ngang phè. Khi người ta cầm một quyển sách lên thấy đáng đọc thì đó chính là chất thơ quyến rũ bất kể người làm sách đã ghi chú trên bìa sách là thể loại nào…
Khoảng gần mười năm trước, ở Nhà sáng tác Đại Lải, tôi gặp một người đàn ông đeo kính, dáng gầy nhưng giọng nói thì sắc như kéo bằng… violin. Nghe ông nói, tôi lõm bõm hiểu được trầm tích văn hóa của Thổ Tang, của “nhời ăn tiếng nói”, của trí tuệ dân gian một vùng đồng bằng sông Hồng mà ông đã sinh ra và có vẻ như đang quả quyết tìm ra chân tướng, diện mạo bằng những nụ cười làm người ta không đứt tay mà vẫn… rớm máu.
Nhưng chẳng bao lâu sau tôi tá hỏa, hóa ra cái “ông” nhà thơ Vĩnh Phúc ấy chỉ là một “anh” 7x đời đầu chứ nào đã già cả gì. Khổ thân tôi, từ hôm ấy lại phải lập lại một trật tự nghĩ, phác họa lại một diện mạo khác về anh. Người gì mà nhìn thoáng đã hiểu rồi mà nghĩ ra mãi vẫn chưa xong. Đấy là nhà thơ Hải Thanh!
Có người bảo, cái giọng “khề khà” ấy của Hải Thanh là do rượu cả đấy. Đàn ông “phi tửu” thì khác nào Gia Cát Lượng thiếu “gió Đông” làm sao có thể thắng trận Xích Bích. Cho đến một hôm, anh tặng tôi cuốn tản văn mới toanh có cái tên rất “mở”: Tự dưng buồn cười, cùng với mấy lời ghi tặng: “Thân mến tặng em B.V.P với sự hy vọng và tốt đẹp của cả dòng họ”. Viết thế, ông nào nhận sách chả khiếp, rồi mình sẽ phải “tốt đẹp” thế nào, “hy vọng” ra sao, hốn hồ là với một người mới chập chững viết như tôi. Tôi với anh cùng họ. Một dòng họ nghe đâu cũng có kha khá ông theo cái nghiệp viết nhưng anh là người mà tôi thích đọc nhất.
Hải Thanh là một người thế đó. Buồn cười từ dáng vẻ, từ những chuyện anh kể lúc trà dư, tửu hậu, từ cách gọi tên bạn bè. Nụ cười không tan loãng, không tản mát mà ngưng đọng lại thành trật tự, thành cái tứ lớn, đủ vạm vỡ, bề thế, nhìn đơn giản mà đọc cho “vỡ” ý, “vỡ” tứ thì cần phải công phu lắm.
2.
Hải Thanh là một bản lĩnh thơ. Anh luôn viết trên lằn ranh giới của những xung đột cũ - mới, hiện đại và truyền thống giữa họ với chúng mình, nào là: “Sau cơn sáng mặt tối mày/ Mấy mươi năm đã nhuộm dày tóc mun/ Một mùi khét lẹt như hun/ Đất phồn hoa với đất bùn chen nhau” (Một khúc tuổi mình); rồi thì: “Người chỉ tự nhận mình: /Có đẻ ra người thật/ Nhưng tuyền là vong thân” (Những người mẹ). Có lúc, tưởng anh nhầm lẫn mà hóa ra tường minh lắm: “Ký ức quê là ký ức bùn vương/ Đất lo sợ những mùa cây vắng quả/ Người lo sợ những quả bom tọa độ/ Quả bom gì không nổ cứ rung lên?” (Làng quê hoài niệm).
Nếu chỉ bức bối, gay gắt một chiều thì văn của Hải Thanh cũng chỉ là những câu chữ đồng phục và đứng chung vào những thử nghiệm cách tân ào ạt trong thập niên đầu của thế kỷ này. Nhưng anh độc đáo ở chỗ nhận ra cái chưa đến ngưỡng, đến tầm, như khoảng lặng gió trước bão, như quả bom rồi sẽ… chưa nổ và mãi mãi giết dần, giết mòn người ta trong sự lo âu. Tản văn của anh cũng bắt người đọc tuân thủ một luật chơi vô ngôn như thế. Thường thì, các nhà thơ hay đem chất lãng đãng của mình vào tản văn nhưng Hải Thanh thì lại khác. Nếu như nhan đề các bài viết đậm chất thơ: Cánh chim cuối đàn, Câu đồng dao ngày cũ, Cổng làng hoài niệm, Đàn bò trên cao nguyên, Lao xao ấm lạnh, Vàng trong gió thu… thì khi đọc nội dung, ta bắt gặp một Hải Thanh “trần thuật” hẳn hoi, bài nào cũng bày biện đủ cả trước sau như những khúc mào đầu của truyện ngắn thực thụ.
Không gian nghệ thuật của Tự dưng buồn cười có lẽ chỉ từ nhà ra ngõ, ra xóm, ra làng. Bắt đầu là chuyện thời khốn khó cho đến lúc giàu có của người xung quanh, từ con cá, con bò… nhưng đến cách tự trào trong bài Sinh vật ngoại lai thì ta nhận ra tản văn của Hải Thanh chẳng vụn vặn chút nào. 52 bài không trùng lặp, không thể trộn lẫn, phác họa đủ 52 sắc màu, 52 phát hiện “chí mạng”, kiểu như: “Lề thói cào bằng “chết một đống còn hơn sống một người” đã và đang mang đến cho mỗi chúng ta cái chết” (Cái lồng bàn); “Dù sao nó vẫn là một kiếp sống” (Cá dọn bể); “Nói mãi nhạt mồm, lại làm chén rượu. Say. Rồi ngủ. Nhưng ngủ làm sao được giữa mây xôn xao” (Bầy đàn)…
Hải Thanh là một phản đề gay gắt nhưng núp dưới cái dáng dấp lù khù, ngu ngơ của một ông bố, một ông chồng, một nhà thơ… những vai phụ, những người thất thế để mà nhận diện sự việc. Trong Sinh vật ngoại lai, anh viết: “Ban đầu tôi chỉ nghỉ nghĩ hẹp, tôi là ngoại biên hay chính thống, rồi sau lại suy rộng hơn sang cái nghĩa cãi vã tràn lan, đâu là: Chính thống - phụ biên - ngoại biên?”. Đó là cách anh tự mở rộng biên độ của câu chuyện, kéo người nghe ra lề trang giấy cho đến khi “hạ nhiệt” mọi sự hồ nghi gay gắt thấy anh cũng chẳng có gì đáng lo. Chỉ có điều, nếu tinh ra thấy cái sắp sửa hay suýt nữa đang lo ấy mới là cái đang nghĩ, cái chứa đựng nhiều nhất.
3.
Lâu nay, nhiều người viết văn thường tạo ra tiếng cười bằng sự tương quan đối nghịch lệch pha giữa cũ - mới. Đứng từ góc độ nhà văn với sở trường hoài niệm, thậm chí là nệ cổ, trọng cổ thì người ta dễ dàng đả phá công kích hay rung lên tiếng chuông chữ nghĩa. Hải Thanh cũng kể chuyện cũ - mới nhưng chưa cười vội mà lo cái đã, nỗi lo không giống như một thi sĩ chân quê gần một thế kỷ trước (hương đồng gió nội ít nhiều bay đi - Nguyễn Bính) mà lo cứ thế, mãi thế thì có mới thật được không. Điều anh băn khoăn là làm sao phải mới cho ra mới. Dù sao phải mới như thế, có sự câu thúc nào chăng? Ta đọc trong tản văn của Hải Thanh những thực tại lỡ dở như chuyện đàn bò trên thảo nguyên hết cỏ và suối, chúng chỉ có thể: “cố lết lại và thau nhau liếm vào vết thương đang rỉ máu của những con bò kia. Có lẽ chúng xót thương cho nhau lắm” (Đàn bò trên thảo nguyên). Hoặc, sự nghiệt ngã của thực tế đời sống: “Có thể con người dễ nhận ra kẻ xấu bằng mắt thường nhưng không dễ gọi tên cái ác tinh vi” (Sự tử tế không phải là thạch tín).
Đặc sắc nhất trong tản văn của anh phải là những “đối ngoại ngầm”. Từ chiếc mo cau và cái quạt máy, từ cuộc đối thoại giữa ông nhà văn (luôn cao giọng nói về kinh tế thị trường) và ông bạn học kinh tế, làm kinh doanh nhưng luôn tung ra các chủ đề chương (trong bài Từ đường làng ra cao tốc). Có khi lại là câu chuyện người bán cái tức, bực và buồn cười… để rồi khi người mua mở cái hộp giấy bí ẩn đó chỉ thấy một con ruồi bay ra…
Những đối thoại của Hải Thanh, những chuyện kể lể, triết lý kia cuối cùng cũng chỉ dẫn đến một kết luận về “lòng tốt cô đơn”. Cô đơn không có nghĩa là lẻ loi, dị mọ mà như một tương phản lại cái câu anh hay nói và hay viết trong văn: “chết một đống còn hơn sống một người”. Hình như, anh nhận ra muốn cuộc sống này tốt đẹp hơn, con người ta phải quả quyết cô đơn như thế. Cô đơn không còn là đơn lẻ nữa mà là sự khẳng khái, quyết liệt trước hết là với chính cảm giác, thói quen bầy đàn của mình. Lúc ấy, con người ta sẽ biết cười chứ không phải bị cười hay phải cười…
Dù viết tản văn, Hải Thanh vẫn mang vào trang viết chất thơ đầy triết luận. Triết luận ngắn gọn, giản đơn nhưng lớp lang tầng bậc như chính con người anh trong cuộc sống này…
B.V.P
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc