Nhớ lần viết về Bác kính yêu
Ngày đăng: 29/03/2024; 117
NGUYỄN UYỂN
 
Viết về Đảng, về dân, về Bác Hồ kính yêu thì tôi đã năng nổ suốt đời nghề. Ngay từ khi đang là giáo viên trường huyện (tháng 3/1966) tôi đã có bút ký “Thôn Thượng đón thư Bác”(1) đăng trên báo, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Mấy năm gần đây lại có thêm vài tập bút ký viết về những điển hình “Học và làm theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu”(2). Thế nhưng, ấn tượng nhất lại là lần tác nghiệp viết cho báo xuân, chủ đề “Tết trồng cây nhớ Bác” trên báo Vĩnh Phú.
Nhận đề tài, tôi cặm cụi đạp xe về thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện lúa Vĩnh Tường, nơi in đậm dấu chân Bác về thăm và phát động Tết trồng cây (ngày 25/1/1961). Thời điểm tôi nghe lại chuyện Người thăm Lạc Trung thì đã cách xa 15 - 17 năm có lẻ. Ấy vậy mà người Lạc Trung ai ai cũng vanh vách kể về Bác, cứ như Bác Hồ mới tới hôm qua, hôm kia.
Anh Nguyễn Văn Tục - Chủ nhiệm hợp tác xã, dẫn tôi vào thôn theo lối có đường cây tăm tắp dọc hai vệ đường, tán cành xanh rợp đan nhau rây nắng lổ đổ. Tới chân làng, anh dừng lại, giọng trầm xuống:
- Đây! Chính nơi này ngày xưa, Bác Hồ dừng xe, vào thăm Lạc Trung đó!
Nhìn đường cây bạch đàn, nét cổ thụ hiện trên thân cành, tôi hỏi:
- Những cây này đã bao nhiêu tuổi?
Anh Tục nói:
- Cây được trồng vào năm 1959, năm Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Năm cây bắt đầu có Tết!
Theo đà, anh Tục “hút” tôi vào nỗi niềm riêng tư: Những đời cây từ ngày ấy đã góp nên cơ ngũ của làng, của xã. Những lứa xoan, những lứa bạch đàn kế tiếp nhau giúp cho làng làm nên những nhà kho, nhà trẻ, trụ sở, trường học, nhà ở. Nghe Bác dạy, từ Tết trồng cây năm ấy, cả Lạc Trung tươi xanh. Nắng hạ thôi không nung nấu con người; cái gió, cái bão không còn là nỗi kinh hoàng của mỗi ngôi nhà... Tự dưng, giọng anh như lạc hẳn đi:
- Thật tiếc! Bác hẹn trở lại Lạc Trung, vậy mà...
Vẫn giọng xa lơ, ngắt quãng, ngắt khoảng, anh bảo:
- Ngày xưa Bình Dương là vùng căn cứ, nên bị giặc Pháp đốt phá, ném bom chà xát. Các thôn Tứ Kỳ, Lạc Trung, Phong Doanh chung ngày giỗ trận, cả trăm người chết vì đạn bom, sau ngày ấy, chỉ Lạc Trung mới có cây. Bây giờ thì cả xã đâu cũng cây xanh, trái ngọt, đâu cũng ngói đỏ, mái bằng, tầng thấp, tầng cao...
Dẫn tôi theo đúng lối ngày xưa Bác Hồ đến thăm, anh Tục kiêm luôn “vai” thuyết minh viên trách nhiệm, kỹ lưỡng, thận trọng từng từ khi kể về Bác:
- Hôm ấy là ngày 25/1/1961 (dương lịch) lúc 8h sáng, có ba chiếc xe ô tô nhỏ về đây. Xe chở Bác dừng tại nơi chúng ta vừa đứng, rồi ngoặt vào sân kho hợp tác. Ông Lê Văn Tân - Chủ tịch xã tới tận cửa xe đón và có lời thưa: - Cháu kính mời Bác đi thăm hàng cây mới trồng! - Ấy ấy, chú kệ tôi. Tôi đi theo ý tôi! Nói rồi Bác xăm xắn bước đi. Bác vào nhà ông Phết rồi sang nhà ông Phan. Đi thẳng đến nơi hai bố con ông Phan đang xây thành giếng, Bác vui vẻ hỏi han, giang gang tay đo đếm, rồi dặn bảo: - Cụ nên xây thêm 20 phân nữa. Trên mặt giếng nên có lưới hoặc phên đạy để giữ an toàn cho trẻ nhỏ. Nói rồi Bác trở ra đường xóm Ngói, xem những hàng cây xanh...
Tôi tần ngần đứng bên giếng nước, nơi ngày xưa Bác đứng. Nước trong xanh, trời mây in trong lòng giếng. Rồi chúng tôi vào thăm gia đình cụ Phan. Cụ Phan đã qua đời gần chục năm. Người con cả của cụ tóc đã nhuốm thẫm màu tro, phấn chấn kể lại kỷ niệm Bác đến thăm nhà. Vợ cụ Phan xen vào:
- Rõ khổ, hồi Bác đến, nhà em nghèo quá, vách xiêu, mái dột. Các ông tính, mới qua những ngày giặc giã, làm thuê, cuốc mướn mà...
Tôi xen vào:
- Nhà ta nay nhất làng rồi!
- Ấy chết. Thấm vào đâu. Trên này có dễ hàng mấy chục nhà to đẹp hơn.
Tôi nhìn lên tường, không có trang trí nào ngoài hai bức ảnh lớn: một bức Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và xã thăm giếng nước gia đình; một bức Bác chụp lưu niệm với cán bộ địa phương. Đặt chén trà xanh đặc quánh xuống mặt sa-lông bóng nhoáng, anh Tục đứng dậy, tiến về phía bức ảnh, rướn người giới thiệu với chúng tôi:
- Đây là đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy; đây là ông Chu - Bí thư xã; đây là cụ Lê Văn Tân - dạo đón Bác cụ ấy tuổi 40 nay vào tuổi 80 nhưng vẫn khỏe mạnh, trồng cây giỏi. Cụ khát khao đòi làm tượng Bác Hồ tại nơi Bác nói chuyện với dân.
Tôi lại xen lời:
- Tổ trưởng trồng cây lúc ấy là ai?
- Ông Nước, rồi ông Chăm. Các cụ còn sống cả, nhưng yếu cả rồi!
- Bác Nguyễn Văn Tần cán bộ miền Nam tập kết, Anh hùng Lao động lâm nghiệp ở đây dạo ấy có được gặp Bác Hồ không?
- Không được báo trước, nên cả ông Nước, ông Chăm đều vắng...
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Tân. Nhà giản đơn, mái rạ, vách đan nan. Cụ Tân đi chăm sóc vườn cây bạch đàn trồng khoán nhưng người nhà vẫn đông. Cháu con nhiều, lại thêm khách, nhà trở nên chật chội. Mải nghe chuyện đời tư do cụ bà kể lại, cụ ông đi làm về hạ chiếc cuốc trên vai, bước lên hè chúng tôi mới hay… Tuổi tác đã gò gập tấm lưng cụ. Đuôi mắt nhăn nheo, hai má tóp lại, mái tóc trắng phau. Tuy vậy dáng vẻ của cụ vẫn nhanh nhẹn, giọng chắc khỏe. Chuyện về Bác, chuyện về cây làm tôi và cụ gần gũi như người trong nhà. Cụ dẫn chuyện, cứ như chúng tôi cùng đến, cùng đi:
- Vâng! Từ nhà cụ Phan, Bác Hồ trở ra đường xóm Ngói, rồi lên bờ kênh số 6A thăm những đường xoan mới trồng cao ngang tầm người. Giữa độ đường, ngang xóm Ngói, Bác dừng lại nhìn những cây xoan trồng dày đặc, rồi vẫy tôi và ông Chu đến. Bác choàng tay chụm đầu hai người chúng tôi lại, rít chặt vào ngực Bác. Tôi thấy đau nhưng không dám kêu. Bác vui giọng, hỏi: - Các chú có thấy khó chịu không? Cả hai chúng tôi vội đáp: - Thưa Bác, có ạ! Bác hơi nới tay ra và hỏi: - Có dễ chịu hơn không? - Thưa Bác, thoải mái lắm ạ! Bác cười, tay chỉ vào bãi xoan trồng xin xít bên vệ đường: - Như thế này cây có khó chịu không? - Chúng tôi nhanh nhảu: - Dạ, dày quá ạ! Ông Chu nói thêm: - Thưa Bác chúng cháu sẽ sửa chữa ạ... Chúng tôi theo Bác lên kênh, rồi vòng xuống xóm Hòa Bình. Đến bãi rộng, nơi trồng nhiều xoan nhất. Mùa xuân đang về, lá chưa bừng nở. Xoan non tua tủa nghiêm trang như những vệ sĩ bảo vệ cho Bác, cho dân làng. Tôi nhớ quá và lạ quá, Bác giản dị tới mức tôi không tưởng. Bác nhẹ nhàng ngồi xuống thảm cỏ. Đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy và chúng tôi ngồi theo. Dạo ấy xóm Hòa Bình còn thưa dân, đất hoang trống nhiều, Bác quan sát cả vùng đất, rồi khuyên đồng chí Kim Ngọc và chúng tôi: - Trồng cây lấy gỗ là tốt rồi, nhưng phải trồng cây ăn quả, cải thiện cho dân… Dọc đường về sân kho, nơi ấy dân làng đang tập trung chờ đón Bác. Bác gọi tôi và ông Chu, rồi bảo: - Xã có mấy thôn? - Dạ, có 6 thôn ạ! - Mấy hợp tác xã? - Thưa có 9 ạ! - Các hợp tác xã đã trồng cây như đây chưa? - Dạ! Chưa ạ! - Phải làm như đây… Bác quay sang hỏi đồng chí Kim Ngọc: - Tỉnh Vĩnh Phúc đã làm như đây chưa? - Dạ! Có nhiều hợp tác xã đã làm nhưng chưa được như Lạc Trung ạ! - Thế thì phải làm cho cả tỉnh như Lạc Trung! - Vâng ạ!
Bác vào sân kho, Nhân dân ùa ra, hò reo đón Bác. Đứng bên góc sân (nơi này, năm 1969) xã đã trồng cây đa và dựng bia lưu nhớ với dòng chữ nắn nót: “Nhân dân Lạc Trung được đón Bác Hồ ngày 25/1/1961 thăm phong trào trồng cây”. Bác nói chuyện với dân làng, ân cần dặn bảo: “Lạc Trung trồng cây tập thể như vậy là tốt rồi, nhưng phải người người trồng cây, nhà nhà trồng cây. Trồng cây nào phải giữ tốt cây đó”. Bác nói: “Ta khó khăn, nay mỗi người phải góp một viên gạch, phải trồng một cây”. Bác lớn giọng hỏi bà con: - Lãnh đạo xã có tranh việc dễ không? - Không ạ! - Tất cả cùng trả lời. Bác cười hồn hậu: - Thế là tốt! Bác âu yếm nhìn mọi người, bảo: - Bác rất phấn khởi thấy hợp tác xã trồng nhiều cây. Bây giờ Bác phải về, Bác dặn hai điều: Một, phải xây dựng hợp tác xã thật giàu mạnh. Hai, nếu làm tốt thì thư cho Bác, lần sau về Bác có quà…”. Tất cả đồng thanh: “Vâng ạ! Vâng ạ!”. Tiếng vỗ tay ran ran. Bài ca “Kết đoàn” được Bác bắt nhịp vang lên, vọng lan khắp xóm thôn. Bác giơ tay chào. Tiếng hát và tiếng hô rộ lên: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Kết đoàn chúng ta là sức mạnh... vang lên, vang xa tưởng đến không cùng.
Mỗi độ xuân về, Tết trồng cây đến. Tôi bâng khuâng nhớ Bác. Bởi, nghe chuyện Bác thăm Lạc Trung, xem cách quan sát, phong thái bình dị, sâu sát, thân gần dân khiến tôi tự ngẫm về nghề báo, rất cần học tập và noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác kính yêu.
 
N.U
 
 
1. Bác Hồ gửi thư khen Hợp tác xã thôn Thượng, ngày 2/3/1966 (thôn Thượng thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
2. Chủ đề do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Tác phẩm “Làm theo lời Bác” của Nguyễn Uyển được trao giải Chính thức, dịp 19/5/2013.
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc