Mấy suy nghĩ về bản sắc văn hoá và đề xuất luận điểm giá trị riêng Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 22/01/2024; 125
BÙI PHƯƠNG MAI
 
I. LÝ LUẬN - THỰC TIỄN
1. Việt Nam có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử. Nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị trên nhiều phương diện, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Chính vì vậy, những năm qua, các văn bản pháp lý về quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang cho các hoạt động văn hóa ngày càng phù hợp với đời sống.
Có thể nhận thấy rõ, kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện là tiền đề góp phần thúc đẩy việc hình thành thị trường tiêu dùng văn hóa với nhu cầu ngày càng lớn. Văn hóa, từ một lĩnh vực bị xem là chủ yếu mang nặng yếu tố tuyên truyền đang dần trở thành một lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận cho xã hội. Đặc biệt, hoạt động du lịch được đẩy mạnh, trong đó tiềm năng văn hóa được khai thác và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Nhiều phong trào, cuộc vận động được thực hiện và có những thành tựu nhất định, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống được tôn vinh, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của người dân được phát huy, mở rộng. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh, tạo nên “sức mạnh mềm” cho đất nước.
Đặc biệt, chủ trương “xã hội hóa” hoạt động văn hóa đã thu được những kết quả thiết thực. Đó được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hóa, từ đó xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hoá, từ đó không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn”. Từ đánh giá này của Đảng, nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy rằng, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống văn hóa cần được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các ngành với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm; xác định cho được các giải pháp trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc… Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Vấn đề mấu chốt là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Hội nhập nhưng không “hoà tan”. Như vậy, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì thực hiện hiệu quả định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Do đó, mọi người cần nhận thức một cách thống nhất rằng: Còn văn hóa là còn tất cả. Mất văn hóa là mất tất cả.
Đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển. Nhưng văn hóa đã thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị hay chưa?
Cổ nhân truyền dạy: Một người thầy thuốc mà sai lầm thì có thể giết chết một bệnh nhân, một nhà chính trị mà sai lầm thì có thể giết hại một dân tộc, một nhà làm văn hóa tư tưởng mà sai lầm thì có thể giết hại cả một thế hệ.
Con người là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của thế giới tự nhiên và là một bộ phận không thể tách rời thế giới đó. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người ngày càng ý thức rõ rệt về mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã trở thành triết lý sống của con người trong mọi thời đại. Ngày nay, trước sự tác động của biến đổi khí hậu và sự bất ổn tàn khốc của chiến tranh, khủng bố đang hằng ngày hằng giờ cảnh báo cho loài người phải biết quan tâm đến việc sống hoà hợp với tự nhiên và xã hội như một nhân tố không thể thiếu để phát triển, trong đó có phát triển kinh tế.
Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường văn hóa, nơi những giá trị văn hóa hay bản sắc văn hóa dân tộc hình thành, tồn tại và phát triển. Để giữ gìn văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng, tất yếu phải bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa với văn hóa mà còn có ý nghĩa với quá trình phát triển kinh tế khi mà hệ lụy của quá trình phát triển công nghiệp như vấn đề ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang là mối đe dọa đầy bất trắc cho sự tồn tại và phát triển của loài người.
3. Những vấn đề đặt ra có nhiều, mấy ý kiến sau là ví dụ.
Thứ nhất, tăng trưởng nóng làm mất, làm mai một hoặc biến dạng văn hóa.
Theo Hoàng Thị Hương trong “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế” (Tapchicongsan.org.vn, 22-9-2010), mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa thực sự được tôn trọng. Kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục, nhưng nền tảng tinh thần còn thiếu vững chắc. Biểu hiện rõ nhất là coi trọng lợi ích trước mắt; nên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc rơi vào xu thế chạy theo phong trào, hình thức, chưa nói làm nghèo thêm bản sắc văn hoá vốn có của dân tộc.
Công tác giáo dục, tuyên truyền và nhiều biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa thật sự đi vào chiều sâu một cách có hệ thống, nhiều khi chỉ mới là những giải pháp tình thế; ý thức tự tôn dân tộc và giữ gìn cốt cách dân tộc chưa thật sự có chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng, dễ dẫn đến nguy cơ bị “hòa tan”.
Thứ hai, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa ở các cấp không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng và phức tạp của hoạt động văn hoá, dẫn tới lúng túng trong hoạch định chính sách, trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật và các chính sách về văn hóa.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa chưa cao; còn thiếu các thương hiệu văn hóa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, thiếu những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm văn hóa từ nước ngoài vượt trội so với xuất khẩu văn hóa, việc tiếp thu sản phẩm văn hóa nước ngoài chưa có sự chọn lọc kỹ.
Thứ tư, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các vùng, miền chưa được chú trọng kiểm kê và lập hồ sơ bảo vệ. Nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật chưa được thực sự quan tâm phát triển, trong đó có nhiều ngành nghệ thuật đỉnh cao và nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật công cộng, nghệ thuật mới.
Thứ năm, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Các hành vi phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa, sự xuống cấp về đạo đức, suy thoái về lối sống, sự băng hoại các giá trị văn hoá đang có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp Nhân dân chậm được rút ngắn.
Thứ sáu, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác. Khoảng cách của nhiều vấn đề lý luận với cuộc sống hiện thực không những chưa được thu hẹp mà có xu hướng mở rộng thêm. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lý luận văn học, nghệ thuật còn ít và chưa giải đáp được nhiều vấn đề của thực tiễn.
Từng có nhiều ý kiến nhấn mạnh “trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc”. Nhưng thực tế đang đặt ra vấn đề trái ngược: Một mặt, lý luận văn hóa bị lạc hậu, hoặc đi sau cuộc sống, hàng loạt câu hỏi thực tiễn đặt ra, lý luận chưa trả lời được, hoặc trả lời chưa thuyết phục; mặt khác, do thiếu sự dẫn dắt, định hướng của lý luận chuẩn mực, nên nhiều hiện tượng văn hóa diễn ra một cách tự phát, khiến cho công tác chỉ đạo thực tiễn bị lúng túng, thụ động, đối phó, không có đối sách rõ ràng, kịp thời và hiệu quả.
 
II. BỔ SUNG GIÁ TRỊ RIÊNG VĨNH PHÚC
1. Trở lại cụ thể Vĩnh Phúc. Nếu có thêm một nghị quyết sâu sắc về chuyên đề này, trong đó bao gồm những yếu tố/ bước đột phá thực sự, có thể nói là không sớm, nhưng có nghĩa thức thời.
Cho đến nay, nhân loại có hàng mấy trăm định nghĩa, khái niệm về văn hóa. Nên nói dài thì vẫn thấy thiếu, nói ngắn có khi lại thừa… Chỉ mỗi từ “văn hóa”, “bản sắc văn hóa”/ “giá trị văn hóa” thôi mà khó kiến giải thế nào cho vừa vặn. Trải hàng nghìn năm, con người cũng chỉ nói được câu gần.
Nghĩa Hán - Việt, bản là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân của một sự vật. Sắc là cái biểu hiện ra ngoài. Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh tuý nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác.
Nói cách khác: Bản sắc văn hóa ví như “bộ gen” phản ánh đặc trưng riêng biệt, độc đáo và giàu giá trị nhất của một nền văn hóa. Để rồi, đặt vấn đề bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa trong thời hội nhập, cũng chính là bảo vệ những “giá trị gốc” hay phần giá trị tinh hoa nhất của nền văn hóa dân tộc. Bởi đó cũng chính là “cái vé” thông quan hay là sợi neo giúp con thuyền dân tộc vững vàng giữa “biển” hội nhập.
Từ nội dung Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/ 2021), việc cụ thể hoá nội dung các thành tố của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhằm đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của các chủ thể liên quan, thiết thực góp phần triển khai thực hiện hiệu quả việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.
Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng 8 giá trị chủ yếu: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Trước khi đến vấn đề cụ thể, xin dẫn ra một số khái niệm. Giá trị “là những sự vật, hiện tượng, quá trình hay tất thảy những gì được con người xem là có ý nghĩa nhất định, ít nhiều, đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của con người, xã hội”, “là hệ thống niềm tin, chuẩn mực, vũ trụ quan của cộng đồng, tộc người, là các quan niệm mang tính văn hóa về sự tốt đẹp, sự quan trọng hay ước muốn mà các thành viên của một truyền thống văn hóa, một tộc người hay một nhóm xã hội hướng tới”…
Hệ giá trị theo cách hiểu phổ biến là sự liên kết, tổng hợp các giá trị cụ thể mang tính khác biệt hoặc tương đồng thành một hệ thống, nền tảng, chuẩn mực để đánh giá sự vật, hiện tượng, hành vi trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên giá trị và hệ giá trị không phải là đại lượng bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Các nguồn lực hệ giá trị khi được khai thác, khơi dậy sẽ phát huy được sức mạnh nội sinh, phục vụ cho tiến bộ xã hội và phát triển đất nước.
2. Vậy, với riêng Vĩnh Phúc, hệ giá trị - bản sắc văn hóa là gì? Chỉ khi nào xác định được đúng những giá trị/hệ giá trị đúng đắn mới có thể định hướng cho sự phát triển cân bằng, bền vững nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đó đang là đòi hỏi quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trước hết nói về “miền đất” và “con người” Vĩnh Phúc.
Thứ nhất, về “miền đất”: Đây là miền đất thờ Mẫu.
Có thể thấy trên mọi miền đất nước, Mẫu Thiên, Mẫu Thoải (Thuỷ), Mẫu Ngàn đều hiển diện. Nó có sự giao thoa, nhưng Vĩnh Phúc có điểm đặc biệt hơn cả. Đó là việc thờ những “người mẹ” điển hình: Quốc Mẫu (Tây Thiên), Vương Mẫu (Hai Bà Trưng), Thánh Mẫu (Triệu Thị Khoan Hoà) đã được sử sách và nhân gian ghi tạc. Sơ bộ, cả tỉnh có tới 39 điểm thờ Quốc Mẫu tại Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch… Lại riêng có việc thờ Mẫu Địa, Mẹ Lúa ở Chùa Cói (Vĩnh Yên), Hoàng Đan, Đồng Tĩnh…
Vậy nên, những “sơn kỳ thuỷ tú”, “địa linh nhân kiệt”, “phát tích”… với nhiều sự tích, điển cố có tên có họ, nhưng xét kỹ thì Vĩnh Phúc chưa hẳn điển hình.
Thứ hai, về “con người”. Nói ngắn gọn nhất là “nhân hậu”, “kiên trung”.
Theo nhiều cuốn từ điển giải nghĩa, Nhân hậu (tt) là “Có lòng thương người một cách đặc biệt” (Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Nguyễn Lân. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000); là: “Hiền lành, chất phác, có lòng thương người, ăn ở có nghĩa có tình” (Đại Từ điển Tiếng Việt. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2013).
Còn Kiên trung (tt) là: “Giữ vững lòng trung thành” (Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000). Kiên trung (như trung kiên): “Có tinh thần giữ lòng trung thành đến cùng, không gì lay chuyển được” (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006); là: (i) “Trung thành và kiên định, bền bỉ đến cùng, không gì lay chuyển được: tấm lòng trung kiên, người chiến sĩ trung kiên, con người trung kiên, (ii) Bộ phận cốt cán trong tổ chức, hoạt động xã hội, chính trị, văn hoá: bồi dưỡng trung kiên” (Đại Từ điển Tiếng Việt. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2013).
Đất thờ Mẫu - thờ những “người mẹ” điển hình, riêng biệt, thì đương nhiên, điển hình về “nhân hậu”. Còn “kiên trung” được khởi nguồn, trải dài từ Đồng Đậu với nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trải thời gian, dấu ấn còn sâu đậm. Sử viết về Hai Bà Trưng với lời thề son sắt: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”; Trần Nguyên Hãn bị kẻ xấu vu oan, hãm hại, ông đã tự tìm đến cái chết thay lời trung nghĩa; Nguyễn Thái Học khi thụ án, ông đã đọc một bài thơ: “Chết vì Tổ quốc/ Cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng”. Khi bị xử tử, ông cùng 12 đồng chí đã hô vang: “Việt Nam muôn năm”… Rồi kế tiếp, những Kim Ngọc, Nguyễn Viết Xuân “Lớp cha trước, lớp con sau” thể hiện rất rõ tố chất “kiên trung” của miền bán sơn địa…
Trên cơ sở những hệ giá trị được thống nhất như đã nêu, thiết nghĩ, Vĩnh Phúc nên nghiên cứu, bổ sung các giá trị đó.
3. Biểu hiện rõ nhất bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở cộng đồng làng xã. Khi có ai đó nói “Khi những luỹ tre là rào chắn kín làng/ Cửa nhà ai cũng mở…”, rồi đến một ngày “Cửa làng mở mà nhà ai cũng đóng” thì đã bắt đầu chênh chao về đạo đức, lối sống con người. Nó kéo theo nhiều hệ luỵ khác.
Nói ngắn về đình làng. Đó là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt. Đó là một ngôi nhà lớn của cộng đồng, là bệ đỡ tinh thần cho con người và bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, chỉ riêng Việt Nam mới có. Vì vậy, việc gìn giữ giá trị văn hóa đình làng cũng chính là để kế thừa, phát huy dòng chảy văn hóa dân tộc.
Trong gần 500 làng cổ ở Vĩnh Phúc hiện nay còn lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú. Trong 1.284 di tích trên địa bàn tỉnh chứa đựng hơn 18.000 di vật, cổ vật các chất liệu. Vĩnh Phúc còn 520 lễ hội dân gian ở các làng xã, trong đó 271 lễ hội có trò chơi dân gian mà hầu hết là được tổ chức, thực hành ở các di tích.
Số lượng di tích lớn, phong phú về loại hình chứa đựng những tiềm năng dồi dào để phát triển, nhưng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã và đang ở đâu và sẽ đến đâu. Đó là câu hỏi lớn và chưa có câu trả lời thấu đáo. Nó luôn âm ỉ sự day dứt và tiềm ẩn sự bất an. Hệ thống di tích Vĩnh Phúc chứa đựng những giá trị kinh tế to lớn (trị giá hàng ngàn tỷ đồng) nếu bị mất đi không đơn thuần là mất tài sản vật chất, mà là mất đi những giá trị tinh thần lớn lao không gì bù đắp nổi. Đồng thời, di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực rất lớn, sẵn có, nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa ở địa phương, chưa kể đóng góp kinh tế đất nước và nó càng có ý nghĩa to lớn khi đất nước đang rất cần phát huy tối đa nguồn nội lực để phát triển.
Tuy nhiên, những tổn thương nặng nề trong chiến tranh, nhất là những vết thương trong các cuộc cải cách nông nghiệp, nông thôn đã làm biến dạng và mai một văn hóa làng. Một khi mất nền văn hóa làng, cũng có nghĩa là nhổ bật cái gốc của văn hóa Việt Nam với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: Văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước, cái làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Thanh âm Đồng Đậu, hoa văn Đồng Đậu… Cái bản sắc văn hoá Vĩnh Phúc được khơi nguồn và bắt nguồn từ đó, những nền văn minh khác nếu hiển diện cũng chỉ là sự giao thoa. Bởi vậy, “thanh âm” và “hoa văn” phải được thể hiện thực sự sâu sắc, đồng điệu trong cộng đồng. Nhưng đó cũng không phải là tất cả. Nó còn phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có hệ thống và khoa học. Vừa cần cái “tinh”, vừa không dứt bỏ cái “thô” một cách có chọn lọc.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. “Trồng người” là vấn đề của thế kỷ. Một khi cắt khúc từng giai đoạn trong việc xây dựng con người mới (tạm gọi như thế) chẳng phải là “bản sắc” sẽ tiếp tục bị mai một, “đứt gẫy” hay sao?
Mục tiêu có thể kể đến là chấn hưng văn hóa, giáo dưỡng nhân tài, ươm mầm sức mạnh… nhưng thế cũng chỉ mới đề cập đến những “triết lý vụn”. Ở thế kỷ trước, Phan Chu Trinh đã chủ trương “Nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Rất ngắn gọn và sâu sắc. Ở đây, bài viết xin đề cập và nhấn mạnh thêm vấn đề xây dựng, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa nông dân, nông thôn.
Trước hết phải nói rằng, “Nông thôn mới” đã đạt được những kết quả và thành tích đáng kể. Không kể mới, cũ, và như trên đã nói, đây là nơi hội tụ, là địa chỉ lưu giữ văn hóa. Người quê lập phố, dù quanh năm ở phố, vẫn mang gốc gác nông dân. Nông dân là người luôn hy sinh nhiều nhất và chịu thiệt thòi lớn nhất trong các cuộc chiến tranh giữ nước, trong các cuộc cải cách và cả trong thời gian không ngắn ngủi thời bình. Nếu hỏi nông dân được hưởng thụ bao nhiêu thì chắc khó có câu trả lời thoả đáng. Văn hóa không có thể cân đo, nhưng văn hóa có thể định liệu. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh).
Văn hóa là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hoàn toàn khác với sản phẩm hàng hóa thông thường. Đó là phương tiện biểu đạt đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Có một điều cần sự bình tĩnh suy ngẫm: Văn minh công nghiệp đến đâu thì bản sắc văn hóa/ văn hóa bản địa bị mất hoặc biến dạng. Ai cũng có thể nói, mất văn hóa là mất tất cả, nhưng sự thật đời sống vật chất mỗi ngày một tươi tốt lên nhưng tâm hồn con người lại ngày một thêm cằn cỗi. Không chủ quan, nhưng đạo đức xuống cấp là thực tế. Thiết chế văn hóa chỉ là bề nổi, lương tâm con người (trong văn hóa) là bề chìm. Nổi hay chìm đều chưa thể hiện và hiện thực đầy đủ ý tưởng vĩ đại “Văn hóa soi đường”… Vì thế ta mới phải tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh, phát huy… một cách đầy hào nhoáng.
Văn hóa không thể tách rời kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội nào, văn hóa ấy. Văn hóa là cơ sở để bảo đảm cho nhân cách, vị thế, tầm vóc một dân tộc. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện phát triển văn hóa, con người Việt Nam là việc cần phải làm, hướng phải đến. Một khi môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên, cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án. Vấn đề căn cốt là, những giá trị văn hóa sẽ lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn cốt cách dân tộc trong quá trình phát triển bền vững, tiếp tục kế thừa, bảo vệ và phát huy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, gắn kết mối quan hệ hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội. Trong đó, văn học nghệ thuật là “bộ phận tinh tuý nhất của văn hóa” (NQ 23-BCT) cũng chỉ cần đến một câu ngắn gọn trong một nghị quyết dài. Đó là: Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể cho các lĩnh vực, loại hình văn học nghệ thuật. Các vấn đề sáng tác, con người, bảo tồn, quảng bá, truyền dạy, dịch thuật… chỉ là những nhiệm vụ cụ thể. Một khi nền tảng chắc chắn, nghiêm ngắn thì không thể lệch lạc hướng đi.
 
 
 
B.P.M
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc