Nghĩ thêm về cụm từ “tao nhân - mặc khách”
Ngày đăng: 20/09/2024; 435
NGUYỄN QUÝ ĐÔN
 
       Người cầm bút chân chính được cổ nhân tôn xưng là TAO NHÂN - MẶC KHÁCH. TAO NHÂN có nghĩa là con người tao nhã, cử chỉ, tư cách, văn phong thanh cao. MẶC KHÁCH là vị khách “bút mực”, làm thơ, viết văn, có tiếng trên TAO ĐÀN. Chữ TAO rút ra từ tên một bài ca trường thiên theo thể phú của Tam lư đại phu Khuất Nguyên, người nước Sở, đời Xuân Thu Chiến Quốc, đầu đề là LY TAO. Hiểu nôm na có nghĩa là KHÚC CA LY BIỆT. Nhịp điệu thiết tha, trầm lắng, khiến người nghe, người đọc phải bồi hồi, xúc động. Từ đó, nói đến LY TAO là nói đến THƠ CA. Đặc biệt, chữ TAO mang sắc thái là THƠ, như TAO ĐÀN, TAO NHÃ, TAO NHÂN -  MẶC KHÁCH,...
      Để xứng đáng với điều tôn xưng ấy, người cầm bút thuở xưa luôn giữ đức khiêm tốn khi nói về mình, về “cái tôi” nhỏ bé; luôn giữ đức khiêm cung khi nói về người khác, thái độ kính trọng và nhân ái.
       Người cầm bút am hiểu thấu đáo văn chương, thẩm định được văn tài, bền bỉ theo văn nghiệp. Họ có trình độ nhận thức, ham học hỏi, lúc nào cũng thấy “biển học mênh mông”, cần phải “học, học nữa, học mãi, học suốt đời”. Họ không bao giờ tự khen mình, tự bằng lòng với mình hoặc khó chịu khi người khác nhận xét về văn tài, thi lực của mình không như ý mình muốn.
       Khi hoàn thành một tác phẩm nào đấy, họ cảm thấy hạnh phúc vì đã thổ lộ được nỗi lòng, được chia sẻ niềm bức xúc, điều cần bày tỏ với mọi người. Họ viết không phải để “khoe” sự tài giỏi thông tuệ, uyên bác của mình hoặc mưu tính lợi hại, thiệt hơn. Bởi họ hiểu thấu đáo ý nghĩa của châm ngôn: “Văn dĩ tải đạo” và “Hữu thư chân phú quý”, tức là “Lấy văn chở đạo” và “Nhà có sách mới đúng là giàu sang”. Sách tượng trưng cho học vấn và khả năng sáng tác.
       Hoàn thành tác phẩm, họ bình tĩnh lưu lại trong văn tập, để ngẫm nghĩ thêm. Có thể trong vài tuần, họ đem ra đọc lại, xem xét, bổ sung, cắt xén, sửa chữa lại câu, chữ, đoạn mạch, ý tứ... giống như người thầy giáo chấm bài của học sinh, thật khách quan, vô tư. Có thể, bài lúc ấy bị gạch xoá be bét. Có thể, họ không hài lòng về bài viết ấy. Có thể, họ xé bỏ, vo viên vứt vào sọt rác... Để rồi lại nung nấu, thai nghén, trăn trở... cố gắng viết lại bài khác...
       Có những bài được đăng tải trên báo chí rồi đọc lại, họ cảm thấy ngượng ngùng vì phát hiện ra nhiều sai sót. Vấn đề nêu ra thật lạc lõng, chẳng có lợi ích gì cho người đọc, không làm được chức năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, tư cách, lập trường cách mạng; không cung cấp được gì về kiến thức, học thuật, lý luận, phương hướng, nhiệm vụ tới người đọc; không hướng dẫn được người thưởng thức cách nhận biết, đánh giá, phân biệt cái đẹp - xấu, hay - dở, đúng - sai, thật - giả, thiện - ác, tối - sáng... làm sao dám mua thêm báo, phô-tô thêm bài mình viết để phát không, biếu không cho những người mà mình tưởng là người ta thực sự ngưỡng mộ mình?
       Bậc TAO NHÂN - MẶC KHÁCH thường nói ít, nghe nhiều, không tranh khôn, không tự quảng cáo, chăm chỉ đọc sách, báo. Điều biết rồi, họ vẫn chưa cho là đủ, còn lắng đợi câu trả lời của người hái dâu, tát nước, làm cỏ... bên đường... bồi đắp cho.
       Thuở xưa, việc xuất bản sách rất khó khăn. Chữ tượng hình phải khắc trên gỗ cây thị, cây thừng mực, gỗ mít thành từng tấm cho mỗi trang sách. Chữ phải khắc ngược, “đấm” mực Nho, áp tờ giấy vào. Giấy vừa mỏng, vừa dễ bục khi gặp nước hoặc thao tác sai lệch, khiến việc in ấn khó hoàn hảo, nâng giá thành lên cao.
       Đến khi có chữ Quốc ngữ, người ta đúc con chữ bằng chì pha kim loại. Thợ nhà in phải nhặt từng con chữ, chắp lại thành các hàng chữ, lắp vào khuôn to vừa bằng trang sách hoặc trang báo. Một tờ báo hàng ngày có 4 trang, thì thợ in phải in làm 2 lần. Mỗi lần được trang 1 và trang 4, trang 2 và trang 3. Còn in sách có thể in tới 24 trang một lần trên một mặt giấy. Các trang sách đánh số thứ tự khác nhau. Sách cỡ nhỏ, công in đắt hơn sách cỡ lớn, vì cách xếp trang rất phức tạp và công phu.
       Sách in vừa khó vừa đắt nên các nhà xuất bản rất kén chọn tác phẩm để in sao cho dễ bán. Tác giả phải viết đúng thị hiếu của các tầng lớp Nhân dân trong xã hội mới mong được độc giả mua sách. Hơn nữa, trước cách mạng tháng Tám, phần đông dân số nước ta bị mù chữ. Chữ Nho, chữ Nôm khó đã đành, chữ Quốc ngữ chỉ có tầng lớp viên chức và học sinh, sinh viên đọc được. Sách xuất bản rất đáng giá và quý hiếm... cho nên chỉ những nhà dòng dõi “thi thư” mới có thể có “cặp sách”, “u kệ” hoặc “tủ sách”. Cặp sách tựa như cái quang gánh, nhưng bằng gỗ. Thay vì “trôn quang” là một tấm gỗ to bằng quyển sách, cỡ 20cm x 30cm, “dây quang” là hai thanh gỗ dài khoảng 1m. Phía trên hai thanh gỗ có dây móc vào nhau, cặp lại. Người ta xếp cuốn sách nọ chồng lên cuốn sách kia, treo tất cả lên tường hoặc đòn tay dưới mái nhà. Cặp sách không bằng da hay bằng vải như bây giờ. Kệ sách tương tự như cái bàn dài, nhưng cao hơn bàn và có nhiều ngăn, không có ván bưng chung quanh, không có cánh cửa như tủ sách. Sách ở cặp, ở kệ, ở tủ đều xếp chồng lên nhau, gáy sách lại mỏng, không in chữ được, nên muốn tìm một cuốn sách cần thiết, người ta phải dỡ cả chồng sách ra mới tìm thấy.
       Sách ít lại dễ hư hỏng, vật liệu còn thô sơ và cách bảo quản chưa khoa học. Bởi vậy, giữ được một quyển sách cổ tồn tại đến ngày nay phải coi nó là báu vật, chứa đựng phong phú những nét văn hoá và lịch sử lâu đời.
       Việc viết sách khi xưa gọi lại “trước thư, lập ngôn”, câu văn, lời nói hết sức thận trọng, việc xuất bản do đó cũng hạn chế. Những tác phẩm nổi tiếng lưu truyền đến ngày nay, phần lớn lấy từ bản chép tay còn sót lại trong các từ đường của những dòng họ lớn. Vì chép tay nên nhiều bản khác nhau về chính tả, ngữ nghĩa và thi pháp, cú pháp...
       Điều cần lưu ý rằng “Văn quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, có một câu thơ, một ý văn được người đời nhắc nhở tới là một hạnh phúc lớn, khẳng định văn nghiệp của tác giả. Các bậc TAO NHÂN - MẶC KHÁCH nhân đêm trăng sáng, tụ họp nhau lại, cùng nhau ngâm ngợi câu thơ, hoặc nhờ ca nương, kỹ nữ hát theo làn điệu dân ca, đệm với tiếng đàn, thật là thú vui tao nhã, thấm thía và nhiều kỷ niệm. Nhờ thế mà thơ Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Cao Bá Quát... dù đương thời chưa xuất bản, nhưng vẫn lắng đọng đến bây giờ.
Nhiều người hiểu rằng “làm thơ khó lắm”, nên dè dặt việc làm thơ. Lại có người nhiệt tình hăng hái, đi đâu cũng làm thơ, đến đâu cũng đọc thơ. Đọc một lúc năm, sáu bài thơ kèm theo giảng giải, bình luận không cần biết đến người nghe có thưởng thức, ngưỡng mộ hay ngáp ngắn ngáp dài, lờ đờ, buồn ngủ?
       Người đời tôn xưng mình là TAO NHÂN - MẶC KHÁCH, nhưng bản thân mình cũng nên tự hỏi mình đã thực sự làm tròn sứ mệnh của người cầm bút hay chưa? Đã mang phong thái, đức độ, tinh thần của các bậc tiền bối qua những thời kỳ lịch sử hay chưa?
       Cách đây hàng nghìn năm, Khổng Tử đã nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”, nghĩa là “Một ngày ba lần ta kiểm điểm lại mình”, huống chi là bây giờ lấy “phê bình và tự phê bình” làm thước đo phẩm chất của người cách mạng, ai cầm bút mà không suy nghĩ?
 
N.Q.Đ
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc