THU TRANG
Văn học là môn học quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Học văn giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc sống, về tình người; giúp ta có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn thông qua các hình tượng nghệ thuật. Tiếp nhận văn học là một cuộc giao tiếp, đối thoại tự do giữa người đọc và tác giả qua tác phẩm. Và, gặp gỡ trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ nhất là các tác giả có tác phẩm trong chương trình học Ngữ văn phải chăng là một cách khơi dậy cảm hứng học văn với học sinh, đưa văn học đến gần với bạn đọc hơn?
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn chương luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Mỗi sáng tác thơ văn, mỗi tác phẩm nghị luận đều mang trong mình những bài học sâu sắc về đạo đức, về hiếu nghĩa, về những tấm gương chiến đấu bảo vệ đất nước chói ngời của ông cha, về bản lĩnh, nghị lực và tình yêu cuộc sống. Nói cách khác, văn học chính là môn học giúp chúng ta học cách làm người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các nhà trường thì việc học văn, dạy văn đã và đang làm thui chột đi nguồn cảm xúc với môn học mang đặc thù của nghệ thuật ngôn từ. Học sinh không thích học văn, thậm chí sợ học văn, hoặc học văn chỉ để phục vụ cho thi cử và xem nhẹ môn học này bởi chưa thấy được cái hay, cái đẹp của môn văn. Khá nhiều học sinh đang bị cuốn vào mạng internet, không dành thời gian đọc sách nói chung và văn chương nói riêng.
Tiếp nhận văn học là một cuộc giao tiếp, đối thoại tự do giữa người đọc và tác giả qua tác phẩm. Trong tiếp nhận văn học, người đọc ở vào một tâm trạng đặc biệt, vừa quên mình, nhập thân, vừa sống và thể nghiệm nội dung của tác phẩm, vừa phân thân, để nhìn nhận tác phẩm từ bên ngoài, để thưởng thức tài nghệ hoặc nhận ra điều bất cập, hoặc cắt nghĩa khác với tác giả. Đặc thù của văn học là một môn học đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế. Học sinh cần phải có khả năng sáng tạo để phân tích và hiểu được tác phẩm văn học. Học văn học không chỉ là đọc và hiểu tác phẩm, mà còn là khảo cứu về tác giả, lịch sử, xã hội và văn hoá của thời đại. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá và lấy đó làm cơ sở để tìm hiểu, cảm thụ các tác phẩm văn học. Sự động điệu trong tư tưởng của người đọc với tác giả có được khi người đọc đọc tác phẩm với tất cả sự hứng thú và sức sáng tạo, bằng cả trái tim chân thành và tư duy mãnh liệt.
Vậy làm sao để học sinh học văn trong vai của một bạn đọc nồng nhiệt và trách nhiệm? Tức là học sinh hứng thú bước vào tác phẩm, tư duy tìm ra những lớp tư tưởng mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm bằng tất cả sự nghiêm túc chứ không phải là sự cẩu thả trong đọc hiểu, suy diễn tùy tiện trong đánh giá giá trị tác phẩm. Muốn có được sự đồng điệu với tác giả thì người đọc/ học sinh cần phải hiểu về tác giả, về bối cảnh ra đời của tác phẩm và nhất là dụng ý của tác giả gửi gắm trong sáng tác của mình. Các tài liệu sách báo tham khảo là nguồn cung cấp thông tin phong phú giúp học sinh mở rộng phông nền kiến thức về tác giả, tác phẩm để từ đó có định hướng tiếp nhận đúng đắn. Nhưng được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với những người làm công việc sáng tác sẽ là cầu nối giúp học sinh hiểu rõ hơn về người viết, về giá trị tư tưởng, suy nghĩ của tác giả.
Tăng cường tổ chức cho học sinh tiếp xúc với các tác giả trong chương trình ngữ văn của trường phổ thông là một kinh nghiệm hữu ích để môn văn trở nên cuốn hút hơn với học sinh.Tiếp xúc trực tiếp với tác giả sẽ giúp học sinh giải đáp những thắc mắc về nội dung hoặc những khía cạnh khác của tác phẩm một cách ý nghĩa, không sa vào suy diễn thiếu căn cứ. Tham gia trò chuyện với tác giả, học sinh sẽ được thực hành kỹ năng đọc hiểu và phân tích tác phẩm. Học sinh sẽ phải chuẩn bị câu hỏi, đưa ra ý kiến và lắng nghe câu trả lời của tác giả, mà đây là những kỹ năng quan trọng trong quá trình học tập và phát triển bản thân học sinh do bộ môn văn học đem lại. Tiếp xúc với tác giả sẽ giúp cho học sinh cảm nhận được niềm đam mê và sự sáng tạo của tác giả trong quá trình sáng tác. Tác giả như người truyền lửa, thông qua cuộc trò chuyện sẽ khuyến khích học sinh phát triển niềm đam mê của mình đối với văn học và thúc đẩy sự sáng tạo của các em. Cũng trong quá trình trò chuyện với tác giả, học sinh có thể nhận mở rộng nhãn quan, tư duy thẩm mỹ của mình qua việc học hỏi những góc nhìn khác nhau về cuộc sống và văn học.
Gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các tác giả không chỉ là cơ hội để học sinh hứng thú hơn, đam mê và học tốt hơn bộ môn văn học trong nhà trường mà còn có ý nghĩa tích cực với giáo viên dạy văn. Khi giáo viên văn được gặp gỡ, lắng nghe các quan điểm, thế giới xúc cảm của các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trong sách giáo khoa sẽ giúp người dạy văn thêm say mê với các tiết dạy văn cho học sinh. Tiếp xúc trực tiếp với tác giả, giáo viên sẽ có điều kiện học hỏi những kinh nghiệm thực tế từ tác giả cách xây dựng câu chuyện, cách tạo nên phong cách viết của mình và những cảm nhận từ phía người đọc. Câu chuyện về tình người, tư tưởng nhân văn trong tác phẩm được các nhà văn, nhà thơ chia sẻ sẽ khiến bài giảng của giáo viên thêm phong phú, thuyết phục.
Mới đây, học sinh trường THPT Trần Phú có cuộc gặp gỡ với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Hà (Cựu học sinh trường THPT Trần Phú), nhà thơ Phạm Bảo (Cựu giáo viên trường THPT Yên Lạc). Bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” của Trần Đăng Khoa cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu được đưa vào sách Ngữ văn lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông mới. Buổi gặp gỡ để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp, khơi gợi niềm yêu thích văn học đối với các học sinh. Trước đó, thông qua hoạt động của Hội VHNT Vĩnh Phúc, các em học sinh trường THPT Trần phú đã có dịp trải nghiệm văn học đáng nhớ như đi cùng các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ đến cao nguyên đá Hà Giang thăm các chiến sĩ bộ đội biên phòng; gặp gỡ nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các văn nghệ sĩ của Hội VHNT Vĩnh Phúc trong ngày thơ Việt Nam năm 2023.
Tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhất là các tác giả có tác phẩm trong chương trình học Ngữ văn, chẳng những giáo viên và học sinh được tiếp thêm tình yêu với văn học, học hỏi được kinh nghiệm, bí kíp cảm thụ và viết văn từ các tác giả mà chính các tác giả cũng hạnh phúc khi thấy tác phẩm của mình được học sinh đón nhận yêu mến như thế nào. Các tác giả/ người viết còn được nghe cảm nhận, nhận xét đánh giá tác phẩm từ phía giáo viên và học sinh, những suy nghĩ chân thật, rất mới, rất lạ thực sự làm cho tác giả và bạn đọc được sống trong bầu không khí giao lưu văn học lôi cuốn, tràn đầy cảm xúc.
Hãy là cánh tay nối dài của tác giả đến các nhà trường, nên chăng đó là một sứ mệnh cao cả của Hội VHNT tỉnh để nuôi dưỡng tình yêu văn chương với thế hệ trẻ!
T.T