Kinh nghiệm sáng tác văn học thiếu nhi, nhìn từ văn học thiếu nhi nước ngoài
Ngày đăng: 10/05/2022; 78
THANH TÂM NGUYỄN
 
Tôi đã không ngừng yêu thích, bằng những run rẩy của trái tim thơ dại và trở trăn của một người gắn bó với hoạt động nghiên cứu văn học thiếu nhi khi đọc các tác phẩm: Giết con chim nhại (Harper Lee), Cuộc đời của Pi (Yann Martel), Jody và con hươu non (M. K. Rawlings), Harry Potter (J. K. Rowling), Tottochan, cô bé bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi), Chiến binh cầu vồng (Andrea Hirata), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), Cửa tiệm thời gian (Lee Na Young), Pippi tất dài (Astrid Lindgren), Cô gà mái xổng chuồng (Hwang Sun-mi), Bên kia đường có đứa dở hơi (Wendelin Van Draanen), Hòn đảo quá xa (Anika Thor), Tôi là Coriander (Sally Gardner)… Từ những hiện tượng thuộc về một cá thể, một không gian văn hoá riêng biệt, các tác phẩm đã tạo nên những sự kiện của ngành xuất bản. Không chỉ tìm kiếm được sự yêu thích của độc giả trong nước, chúng còn mạnh mẽ vượt ra biên giới lãnh thổ, chạm đến sự đồng điệu lớn của lớp lớp độc giả không chỉ thuộc về một thời kỳ, một giai đoạn; trở thành tài sản chung của nhân loại. Với các nhà văn, đó chính xác là trái ngọt trong hành trình nghệ thuật của họ, mang đến cho chủ nhân của nó danh tiếng lẫn tiền bạc. Không chỉ sống đời sống của văn chương, các tác phẩm còn mở ra bất tận sự sống khi được chuyển mình trong những sinh thể nghệ thuật mới. Nói đúng hơn nữa, nó đã tạo ra những cú hích tuyệt vời cho sự thành công của những tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là điện ảnh.
Tất cả những điều đó thực sự là khát vọng một đời, đau đáu và nhức nhối, của những người cầm bút viết cho thiếu nhi, những người tiếp nhận mảng văn học này ở vị trí là người đọc thông thường hay người đọc thông thái, những người quản lý hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, những nhà làm phim... Bởi chúng ta, trong quá khứ và hiện tại, thực sự khan hiếm những tác phẩm văn học thiếu nhi có đời sống vương giả và bất tận như thế - điều mà các nhà văn lớn của thế giới đã làm được, không bằng những quy chuẩn giá trị riêng biệt của từng dân tộc mà bằng sự gặp gỡ tự nhiên của những phẩm tính nghề nghiệp đáng quý. Những điều đề cập sau đây chính là kinh nghiệm dành cho văn học thiếu nhi Việt Nam.
 
1. Yêu thương trẻ em với sự hồn nhiên và cẩn trọng
 
 Astrid Lindgren - nhà văn thiếu nhi nổi tiếng của Thụy Điển từng nói: "Trẻ em là những gì quan trọng nhất của chúng ta! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt đầu từ con em chúng ta!". Không chỉ tôn trọng trẻ, tác giả của Pippi tất dài còn xem việc sáng tác cho các em là hạnh phúc cuộc đời. Tháng 3 năm 1945, trong trang nhật ký của mình, bà viết: “Tôi hạnh phúc nhất khi viết văn”. Vượt lên những đổ vỡ của tình cảm riêng tư, vượt lên nỗi đau đớn dằn vặt ròng rã ba năm vì phải gửi con trai cho người khác, bà đã viết rất nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi. Cũng từ tình yêu dành cho trẻ mà tác giả đã xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật lấp lánh giấc mơ của hàng triệu trẻ em, kiểu như hình tượng Pippi tất dài trong tác phẩm cùng tên. Đây là câu chuyện mà Astrid Lindgren viết tặng cô con gái bị bệnh viêm phổi của mình nhân dịp sinh nhật. Với nhà văn, viết tác phẩm này cũng chính là quay về thời thơ ấu mà bà hằng khao khát trở lại, bởi như bà nói: “Tôi viết cho chính đứa trẻ trong lòng tôi”. Cô bé Pippi trong truyện là nhân vật nữ anh hùng nổi loạn hiếm hoi trong văn học, nơi trẻ em thoả mãn giấc mơ được vượt lên mọi ràng buộc để sống phóng khoáng, mạnh mẽ, hào hiệp, nhân ái, lạc quan. Astrid Lindgren thực sự hồn nhiên đến từng hơi thở khi kể câu chuyện mang tính hoang đường về một cô bé có ngoại hình, hành động, tính cách, giấc mơ kỳ lạ và cũng rất nghiêm túc khi kể về chi tiết Pippi cùng những người bạn của mình đã uống những viên thuốc để mãi mãi không trở thành người lớn. Đấy là sự nhân danh cho tâm lý của trẻ em để phản đối người lớn ở một số phương diện. 
Các nhà văn đến với trẻ thơ như đến với một phần đời đáng yêu đã qua trong họ. Họ đã thực sự sống, thực sự yêu thương phần đời này nên tự nhiên hoà nhịp với những xôn xao rung động giới tính đầu đời; những nhịp đập run rẩy trước cỏ cây, muông thú; những trò nghịch dại; những khát khao khám phá thế giới… Tình yêu trẻ thơ, vì thế mà bộc lộ hồn nhiên, trong trẻo vô ngần trên từng trang viết. Cũng với tình yêu thương ấy, các nhà văn đã viết cho các em bằng tất cả sự nhiệt tâm và nghiêm túc. Nhà văn Yann Martel kể lại quá trình chuẩn bị cho kiệt tác Cuộc đời của Pi như sau: “Tôi đi thăm tất cả những vườn thú mình có thể tìm thấy ở miền Nam Ấn Độ. Tôi phỏng vấn giám đốc sở thú Trivandrum. Tôi dành thời gian lang thang tới các đền, điện thờ đạo Hindu và Hồi giáo. Tôi thăm thú những không gian đô thị khả dĩ làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết của mình. Tôi có để mình ngụp lặn trong cái bầu không khí đầy chất Ấn Độ để chuẩn bị cho nhân vật của mình. Sau 6 tháng, trong tôi đã hình thành nên màu sắc và đường nét Ấn Độ cho tác phẩm. Tôi trở về Canada và dành tiếp một năm rưỡi để đọc thêm tài liệu. Tôi đọc các văn bản đạo Hồi, Thiên chúa và Hindu. Tôi đọc sách sinh vật học và tâm lý động vật nữa…”[1]. Điều đó khẳng định rằng, các nhà văn viết cho thiếu nhi không bằng tâm thế của kẻ bề trên, bất chợt yêu thương mà ngồi xuống bông phèng với trẻ. Ngược lại, họ đã chăm chút kỹ lưỡng cho những cuộc chơi giàu trí tuệ, mỹ cảm và thực sự sống sâu với từng trang viết. Tất yếu, điểm cuối của những “cuộc chơi” được tính toán cẩn trọng ấy, các nhà văn luôn mong muốn mang đến những giọt nước mát lành cho những người đọc nhỏ tuổi.
 
 2. Nhạy bén với những vấn đề của văn chương và cuộc sống
 
  Không ngừng quan sát cuộc sống, nhạy cảm phát hiện ra sự khuyết thiếu của những tác phẩm văn chương mang hơi thở thời đại và lập tức bù lấp cho sự khuyết thiếu ấy, đó là điều mà các nhà văn trên đã làm được. Giữa sự khan hiếm các tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc về đề tài giáo dục, nhà văn Lee Na Young đã rất thành công với tác phẩm Cửa tiệm thời gian - tác phẩm nhận được giải thưởng văn học thiếu nhi Munhakdongne lần thứ 13. Thành công của tác giả là đã phản ánh chân thực rất nhiều vấn đề nổi cộm của trẻ em trong xã hội hiện nay. Lee Na Young tìm đến “hình ảnh những đứa trẻ bị đánh mất tâm hồn trong sáng trong cơn bão thi cử”, hình ảnh nhan nhản ở mọi quốc gia nhưng vắng mặt trong văn chương. Dù câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo nhưng hàng triệu học sinh trên thế giới sẽ nhanh chóng bắt gặp chính mình trong nhân vật Yoon Ah, Young Hoon… với sự đồng hành đau khổ với con phố học thêm. Hệ quả của nó là những tấm thân rã rời vì kiệt sức, bản thân thì cô đơn, hỗn loạn giữa những ký ức xa lạ, đầu óc “trắng xoá kỷ niệm”. Câu chuyện của nhà văn Lee Na Young là một lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh.
Ngay với tác phẩm đậm chất hư cấu như Pippi tất dài thì phẩm tính này của nhà văn cũng không mất đi. Đương nhiên, không phải người đọc nào cũng nhận ra điều này, thậm chí, khá nhiều người hoài nghi về khả năng lan toả mạnh mẽ của tác phẩm. Mãi sau khi nhà văn qua đời, những trang nhật ký của bà mới vén bức rèm bí mật xung quanh tác phẩm. Hiện diện trên những trang nhật ký là một người phụ nữ yêu chuộng tự do, hoà bình đến tận tụy: “Quá tồi tệ khi không có ai bắn chết Hitler”, “Cuộc chiến tranh vừa bước sang năm thứ ba nhưng tôi đã không kỷ niệm ngày sinh của nó”. Với Pippi tất dài, tác phẩm xuất bản đúng vào thời điểm vừa kết thúc thế chiến thứ hai, nhà văn Astrid Lingren đã khôn ngoan “dùng tiếng cười để chống lại bạo lực”. Sự hiện diện của nhân vật nữ mang tính cách mạng thể hiện sự nhạy cảm của tác giả trước những vấn đề chính trị.
 
3. Dũng cảm bước đi trên hành trình sáng tạo
 
Trước hết là dũng cảm đương đầu với định kiến xã hội để bước vào hành trình nghệ thuật chông gai. Tác phẩm Giết con chim nhại ra đời vào năm 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ đang diễn ra rất gay gắt. Trong bối cảnh ấy, Harper Lee đã dũng cảm đứng về phía người da màu, chỉ rõ định kiến sắc tộc khắc nghiệt của những người da trắng luôn tự cho là thượng đẳng. Harper Lee đã tình nguyện chiến đấu cho những “con chim nhại”, những con chim “chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe” nhưng lại bị lịch sử kết tội. Hành trình này gắn với niềm tin son sắt về lẽ phải, cái thiện và nó hoàn toàn trùng khớp với quan niệm của nhà văn: “Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người”. Nhà văn đã lan toả thành công bài học về sự cố gắng, lòng dũng cảm: “Bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố gắng”. Xét ở thời điểm ra đời, tác phẩm này là cuộc chiến có phần đơn độc của nhà văn, bị sự phản đối của nhiều người, nhưng muôn phần ý nghĩa.
Dũng cảm là chủ động làm mờ ranh giới giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn, làm cho văn học thiếu nhi không dừng lại ở câu chuyện của trẻ con mà luôn ấm nóng nhịp đập thời đại, kể cả những nhịp lỗi. Sáng tác cho thiếu nhi không có nghĩa là luẩn quẩn trong những câu chuyện vặt vãnh, bé mọn, không có nghĩa là tìm cách làm cho tác phẩm trở nên mỏng mảnh cho vừa vặn với tiếp nhận của trẻ. Những tác phẩm trên hầu hết đều tìm đến tiểu thuyết. Hình thức thể loại này có khả năng tổ chức câu chuyện thành nhiều câu chuyện, không ngừng mở rộng phạm vi phản ánh với sự đông đảo của nhân vật, thậm chí là sự rậm rịt của chi tiết. Người đọc cũng thích thú trước những cú rẽ ngoạn mục của tác phẩm, kiểu như Hòn đảo quá xa. Sau những ám ảnh về thân phận của người Do Thái với những vụ thảm sát, với những cuộc ly hương, về nỗi cô đơn như ở tận cùng thế giới, tác phẩm đã bừng lên trong bước chuyển tâm lý, thân phận, vì nhân vật chính đã tìm được tình yêu thương, điểm tựa mới. Bứt phá khỏi khung lý luận chật hẹp về văn học thiếu nhi theo những cách đó làm cho các tác phẩm giàu tiềm năng sân khấu hoá, điện ảnh hoá. Chúng ta không có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi làm được điều đó. Sức vẫy gọi của văn học thiếu nhi Việt Nam vì thế cũng giảm đi đáng kể.
Dũng cảm còn là mạnh dạn làm mới quá trình sáng tạo nghệ thuật, tự tin khắc chạm tên mình trên những hành trình mình đi qua. Làm mới về đề tài, tư tưởng, kết cấu, hình tượng, ngôn từ, giọng điệu, cách kể chuyện… để định vị những phong cách nghệ thuật đặc thù. Bên kia đường có đứa dở hơi là minh chứng đẹp cho vấn đề này. Trao quyền kể chuyện cho cả Bryce và Juli Baker, tiểu thuyết gia người Mỹ Wendelin Van Draanen chính thức đặt dấu ấn của mình trong con đường bắt “đúng sáng”. Đây cũng là triết lý sâu xa của tác phẩm về cách nhìn đời, nhìn người để không làm tổn thương nhau, và quan trọng là không nhìn cuộc sống và con người qua vẻ bề ngoài mà phải nhìn ở tâm hồn. Có như thế chúng ta mới phát hiện ra được những cây vi huyền - người, kiểu như cô bé Juli Baker. Câu chuyện của Wendelin Van Draanen thoạt đầu ngỡ là câu chuyện tình hài hước của hai kẻ “ngốc xít”, nhưng lại thực sự lắng đọng, sâu xa. Những nhân vật trong truyện không được gọt sẵn mà liên tục biến hoá với những ẩn số người thú vị. Đấy là lý do khiến tác phẩm không ngừng mở rộng đối tượng người đọc.
4. Coi trọng tính đa dạng của văn chương
“Hãy để trẻ em nhìn thấy muôn màu của cuộc sống” là phát biểu của nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi nhằm hướng đến khẳng định tính đa chiều của văn học thiếu nhi. Thực tế, nếu sắp xếp những tác phẩm văn học thiếu nhi kể tên ở trên cạnh nhau sẽ thấy sự quyến rũ của đa dạng văn chương trong việc lựa chọn, sắp xếp các phương tiện thẩm mỹ để làm nổi bật chủ đề tư tưởng. Giết con chim nhại của Harper Lee ngoài vấn đề sắc tộc còn đề cập đến một vấn đề được xem là nhạy cảm của văn chương, đó là bạo lực tình dục. Tôi là Coriander là “câu chuyện về sự trưởng thành sớm, bi kịch về những nỗi đau và sự sợ hãi, lòng trung thành và tình yêu đầu tiên, tất cả diễn ra trên nền tảng của một thời kỳ lịch sử đầy biến động“ (Nicolette Jones). Jody và con hươu non của M. K. Rawlingskhai nói mối quan hệ giữa con người với sinh thái bằng giọng văn mềm mại nhưng day dứt. Trong Cuộc đời của Pi, Yann Martel kết nối câu chuyện của kẻ đắm tàu phải vật lộn với cuộc chiến sinh tồn kéo dài hơn 200 ngày giữa Thái Bình Dương với những câu chuyện không có hồi kết: câu chuyện về đức tin, tôn giáo, chính trị, sinh thái… Và vượt lên tất cả, đấy là tình yêu dành cho con người và cuộc đời, khi mà trong những ngày tháng hãi hùng và khốc liệt, cậu bé Pi vẫn hát Happy Birthday rất to để mừng sinh nhật mẹ, vẫn dành hàng giờ để nhìn ngắm biển cả và ngỡ ngàng phát hiện ra những vẻ đẹp mới của tự nhiên. Chiến binh cầu vồng thì tập trung vào đề tài giáo dục. Dù rằng câu chuyện này kết thúc không có hậu, khi mà những chiến binh quả cảm chưa thể xoay đổi số phận như những giấc mơ riêng chung, nhưng tác phẩm đã gieo những nụ mầm bé nhỏ về phép màu của giáo dục.
  Sự đa dạng về thị hiếu của người đọc đã được thoả mãn trước những tác phẩm văn học thiếu nhi như thế. Một Sally Gardner sang trọng và lãng mạn. Một Astrid Ligren hài hước giễu nhại. Một Andrea Hirata xúc động lòng người. Một Kuroyanagi Tetsuko giản dị không ngờ. Một Antoine de Saint-Exupéry mơ mộng và sâu xa… Kể cả hình tượng, cũng không có sự lặp lại nào, ngay cả những tác phẩm cùng chung đề tài. Trong nội tại một tác phẩm, tính riêng biệt của nhân vật cũng thể hiện rất rõ. Đi qua những trang truyện ấy, trái tim người đọc chẳng thể nào yên tĩnh. Rộn ràng với những cái kết có hậu (Tôi là Coriander, Hòn đảo quá xa). Hụt hẫng khi trang sách khép lại mà ước mơ nhân vật vẫn dang dở (Chiến binh cầu vồng). Có tác phẩm phảng phất phong vị ngụ ngôn (Hoàng tử bé). Có tác phẩm thuộc khuynh hướng văn học giả tưởng (Harry Potter, Cô gà mái xổng chuồng). Có truyện là sự pha trộn giữa lịch sử và cổ tích (Tôi là Coriander). Nhưng cũng có tác phẩm là sự tuôn chảy tự nhiên, chân thật của hồi ức, điển hình là Totto-chan, cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi.
Những điều này gợi nhớ đến phong trào We Need Diverse Books (chúng ta cần những cuốn sách đa dạng), phong trào được khởi xướng vào năm 2014, xuất phát từ cuộc thảo luận giữa các tác giả viết cho trẻ em là Ellen Oh và Malinda Lo. Mục đích của phong trào là tạo ra những cuốn sách đa dạng hơn, thực sự dành cho trẻ em. Sự đa dạng của sách sẽ khai sáng cho trẻ những sự thật lớn nhỏ mà họ đã hoặc chưa được sống; qua đó giúp trẻ cảm nhận nhiều hơn về bản thân và người khác. Trong thực tế, nhiều đứa trẻ còn vật lộn, bối rối với danh tính của mình. Văn học theo khuynh hướng đa dạng sẽ trao quyền được nhìn thấy mình trong trang sách cho trẻ. Nó cũng sẽ làm cho trẻ con tự tin hơn vì nó thấy mình được xuất hiện trong văn học, được thừa nhận trong văn học, chứ không phải là kẻ ngoài lề. “Một khi trẻ em nhìn thấy bản thân được thể hiện trong sách, sự tồn tại của chúng được xác nhận và chúng cảm thấy rằng chúng là một phần của thế giới” (Eric Velasquez). Sự ra đời của phong trào này dựa trên kết quả khảo sát tình hình sách cho thiếu nhi. “Một nghiên cứu trên gần 6.000 cuốn sách dành cho trẻ em từ thế kỷ XX cho thấy các nhân vật nam, bao gồm cả người nam và đặc biệt là động vật giống đực, đông hơn các nhân vật nữ và động vật giống cái, và vai trò giới tính thường bị rập khuôn trong sách… Rất ít sách dành cho trẻ khuyết tật và khi chúng được giới thiệu, khuyết tật thường hoạt động như một thứ gì đó cần được “chữa lành” bằng hành vi tốt”[2]. Những người đi theo phong trào này cam kết cung cấp cho trẻ nhiều cuốn sách đa bản sắc để khắc phục tình trạng văn học dành cho thiếu nhi bị mất cân bằng giới tính, sắc tộc và nhiều vấn đề khác.
  Những lời cam kết như thế rất cần cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Trong thời điểm văn học thiếu nhi đã có những chuyển động tích cực với những tác giả và tác phẩm tạo được sức hút không nhỏ cho bạn đọc trong nước nhưng tầm ảnh hưởng với thế giới còn rất khiêm tốn thì những lời cam kết tự nguyện sẽ là sợi dây ràng buộc mềm mại, phóng khoáng, ấm áp, hứa hẹn những mùa hoa trái ngọt ngào cho văn chương. Dĩ nhiên, để thực hiện được những cam kết ấy, mỗi nhà văn cần phải hội tụ những phẩm tính nghề nghiệp mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Bắt đầu từ việc thật sự sống và yêu thương trẻ em; dũng cảm vượt lên định kiến xã hội và giới hạn lý luận văn chương để khẳng định lối đi riêng, tiếng nói riêng của mình mà không quên mở lòng tiếp nhận những tiếng vọng của đời sống; nỗ lực đa dạng văn chương để nhiều trẻ em nhìn thấy mình qua trang sách… Chúng ta còn đòi hỏi gì hơn thế?
 
T.T.N

[1] Theo Yann Martel và danh tiếng từ ‘Cuộc đời của Pi”, https://vnexpress.net.
[2] Theo https://rxreading.org/research-on-literacy/diversity-in-childrens-literature

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc