Truyện ngắn
HƯƠNG NGHĨA
Mấy hôm nay trở trời, ông Ất thấy lạnh, toàn thân như bị ai dần, đầu thì ong ong, đau nhức. Lũ trẻ đi học hết, một mình ở nhà mà lúc nào ông Ất cũng bận rộn, hết tắm cho chó, chải lông cho mèo rồi lại quét dọn nhà cửa, vườn tược. Khoảnh vườn nhà ông không rộng nhưng được trồng đủ thứ cây ăn quả: vải, nhãn, xoài... Nghĩ lại cũng thấy buồn cười, khi ông mới cải tạo mảnh vườn rồi quyết định mua các giống cây ăn quả về trồng thì bà Lài - bạn hàng xóm của ông ra sức can ngăn. Bà Lài bảo ông có vấn đề về đầu óc, sướng không biết đằng sướng lại chuốc khổ vào thân, thế nhưng, khi ông “lôi” các loại cây về thì bà Lài lại xăng xái trồng giúp. Nhiều lúc ngại con cháu hiểu lầm, chòm xóm dị nghị, ông Ất không cho bà Lài đỡ đần, nhưng vợ chồng thằng con trai cả của ông thấy vậy, bảo:
- Sao bố phải ngại, cứ để bà Lài sang giúp.
Hai đứa con gái cũng hún vào:
- Đúng đấy bố ạ! Việc gì bố phải ngại. Mẹ con mất đã lâu, bố ở vậy nuôi chúng con khôn lớn trưởng thành, cải táng cho mẹ xong, chúng con giục mãi, bố cũng không tục huyền, giờ, có người bạn già để bầu bạn, sẻ chia thì vui quá còn gì.
Bực mình ông Ất hắt đi:
- Trẻ còn chẳng ăn ai nữa là già. Bạn bè gì thì bạn bè chứ, để thiên hạ người ta nói chỉ tổ khổ cho con cho cháu.
- Khổ gì mà khổ, chúng con có vợ có chồng, có bạn bè, có cả công việc nữa mà nhiều lúc còn thấy buồn, bố thì chỉ thui thủi một mình. Mà chẳng có gì bố phải ngại với thiên hạ. Thiên hạ họ làm sao hiểu được gia cảnh nhà mình, họ nói, chúng con cũng chẳng ngại, bố với bà Lài chỉ là hai người bạn già, thi thoảng qua lại thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống, thế mà chúng con không rõ bố nói những gì để bà Lài giận cả tháng nay không thấy qua nhà mình.
Nghe các con nói vậy, ông Ất cãi ngay:
- Tao chẳng nói gì với bà ấy cả.
Trả lời với các con như vậy nhưng trong thâm tâm ông Ất hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà bà Lài lại giận ông.
***
- Mẹ nghĩ gì mà thần người ra thế?
- Mẹ không nghĩ gì, chỉ thấy nhớ nhà thôi. Mẹ ở với chúng mày vài hôm rồi lại về quê. Ở dưới đó còn nhiều việc phải làm lắm.
- Việc gì thì việc cũng cứ để đấy, mẹ ở đây thêm vài tháng nữa để chúng con tiện chăm sóc, phụng dưỡng. Con không cho mẹ về đâu - Đứa con gái của bà Lài vừa nói, vừa dắt chiếc xe máy ra khỏi cổng rồi vội đề ga lao đi.
Bà Lài nhìn theo, chép miệng:
- Khổ! Chả biết bận nải gì mà lúc nào cũng thấy vội vàng, hấp tấp.
Mà không phải chỉ con gái bà mới như vậy. Từ lúc xuống đây với nó, bà Lài mới thấy cuộc sống, sinh hoạt của người thành phố như thế nào. Khi các con đi làm, mình bà ở nhà, bà thường bắc chiếc ghế ngồi nhìn ra đường thấy cuộc sống ở đây vội vàng, gấp gáp chứ không như thôn quê đầm ấm, thanh thản. Thế mà chẳng hiểu sao hai đứa con của bà, đứa nào đứa nấy cũng cố cho bằng được. Lập gia đình xong, chúng kéo nhau ra tất thành phố, chẳng đứa nào chịu ở với bà, mặc dù nhà bà cửa cao nhà rộng, vườn tược những mấy sào chứ có ít ỏi gì đâu. Nhiều lần, hết con gái lại tới con trai về đón bà ra ở với chúng, nhưng bà chỉ tới hôm trước, hôm sau đã nằng nặc đòi về. Chưa khi nào bà ở với các con được một tuần cả. Phần lo việc nhà, phần lo việc của chi hội người cao tuổi, việc ruộng vườn, rồi còn phải thắp hương cho bố chúng nó nữa… nhưng lần này, có lẽ bà phải ở lại chơi với chúng nó một thời gian lâu lâu mới được. Việc nhà, bà đã nhờ dì Thơm - em gái bà lo rồi, bà chẳng tội mà về. Đấy, không nghĩ thì thôi, chứ cứ nghĩ đến bà lại buồn, lại giận cái nhà ông Ất lắm. Ai đời, là bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ, cho đến bây giờ, già hết một lượt rồi, còn gì nữa mà ông ấy lại nói với bà câu ấy chứ. Bà chỉ suy nghĩ một điều: Cùng cảnh già với nhau, lại là bạn, ông ấy giờ còn một mình, chồng bà cũng đã đi theo các cụ rồi. Hai nhà gần nhau, ông Ất với bà sinh hoạt cùng chi hội người cao tuổi. Ông Ất là chi hội trưởng, còn bà là chi hội phó nên thỉnh thoảng bà sang đỡ đần và trao đổi những công việc cần thiết. Bà cũng biết là ông Ất ngại, nhưng không bao giờ bà nghĩ, ông ấy lại có thể nói với bà những lời như thế. Bà giận lắm. Không lẽ, ông Ất nghĩ là bà đang muốn “rổ rá cạp lại” với ông ấy chắc. Rõ thật là. Già sắp rụng hết răng rồi, thân còn không lê nổi xác, huống hồ… Đã thế, bà cứ ở đây xem sao. Gớm, tưởng oai lắm đấy, bao nhiêu công việc bà giúp đỡ, chẳng phải kể công gì, ngay như nói đến cái việc của chi hội người cao tuổi ở thôn thôi, để xem không có bà, ông ta có xoay xoả được không. Dịp này, chi hội đang phải tập văn nghệ để tham gia cuộc thi tiếng hát người cao tuổi do huyện tổ chức, lại ra mắt câu lạc bộ dưỡng sinh, còn bao việc khác, chưa kể việc phải lo cho mấy đứa cháu của ông ấy nữa, cứ ra vẻ thế thôi chứ không có bà thì có mà… Thế mà ông ý lại nói với bà: “Bà thông cảm, tôi không ghét bỏ gì nhưng bà sang bên này nhiều tôi ngại lắm…”.
Câu nói ấy của ông Ất có khác gì đuổi bà. Càng nghĩ bà càng tức…
Thấy con gái vừa dắt xe vào nhà, bà Lài đã vội nói như chỉ sợ mình quên:
- Lần này mẹ sẽ ở với vợ chồng nhà mày vài tháng…
***
Ông Ất ngồi thừ người. Ông thấy mệt quá, công việc bù đầu, mấy thằng cháu thì nghịch như quỷ, ông hò hét khản cổ mà chúng nó chẳng nghe.
Mà kể cũng lạ, chúng nghịch là vậy, thế nhưng lại nghe lời bà Lài lắm. Chẳng biết bà ấy có “bí quyết” gì mà mỗi lần sang là lũ trẻ cứ răm rắp. Đứa thì ngoan ngoãn ngồi vào bàn làm bài tập, đứa xách nước tưới cây, đứa tự tắm gội. Mỗi lần bà Lài sang, ông nhàn hẳn đi. Những khi trái gió trở trời, ông Ất bị cảm cúm, bà Lài tất tả đi tìm lá, nấu nồi nước xông cho ông. Mà tài thật, ông chỉ xông một nồi nước lá của bà nấu là người nhẹ nhõm, đỡ hẳn, chẳng phải thuốc men gì. Từ hôm nói với bà Lài câu nói đó, ông Ất biết bà giận ông lắm. Lâu không thấy bà Lài sang nhà ông cũng thấy ân hận. Thực ra, ông Ất cũng muốn bà Lài sang chơi và đỡ đần việc nọ việc kia. Ông cũng rất quý bà vì cái tính chịu thương chịu khó lại cùng cảnh già với nhau… nhưng khốn nỗi, giá như bà ấy là đàn ông thì không sao, đằng này bà ấy lại là đàn bà, ông thấy…
- Bố lại thấy đau nhức trong người phải không? Mệt mỏi thế này giá mà bà Lài ở nhà thì chắc chắn đã nấu cho bố một nồi nước lá xông rồi. Tất cả chỉ tại bố. Bố nói gì để bà ấy giận, bỏ lên thành phố ở với con gái rồi. - Cô con dâu cả vừa nói vừa như trách khiến ông Ất càng thấy ân hận, ngồi thẫn thờ.
Thương bố chồng, con dâu với tay lấy chiếc điện thoại trong túi xách rồi bấm máy…
***
- Tưởng ông tự làm được tất cả mọi việc mà không cần đến tôi nữa.
Ông Ất ngượng nghịu chống chế:
- Tôi nói vậy hồi nào. Bà thì…
- Dào ôi, con dâu ông gọi điện, nói là có việc của chi hội người cao tuổi phải làm gấp mà ông lại ốm nên tôi mới về đấy, nếu không, còn lâu tôi đã về, ở nhà, ông tự mà giải quyết.
Ông Ất vội vàng:
- Một mình tôi thì giải quyết thế nào được, phải có bà nữa chứ.
Hai ông bà đang câu nọ xọ câu kia thì các con ông Ất kéo về, nhìn thấy bà Lài, chúng mừng rỡ:
- May quá, bà đã về, bà không về thì bố con không có ai giúp đỡ đây này.
Bà Lài giận lẫy:
- Bố các anh các chị cần gì tôi, chẳng phải ông ấy đuổi tôi đấy thôi, tôi sang đây lại chẳng mang tai, mang tiếng cho ông ấy à.
- Bố con cứ nghĩ lẩn thẩn thế chứ, ai làm gì mà mang tai mang tiếng. Giờ, các cụ già rồi, sống chẳng được bao nhiêu, có bạn bè, giúp đỡ nhau về mặt tinh thần để sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho đời; cùng động viên, giúp đỡ cho con cháu vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội thì chẳng có gì xấu cả. Chúng con nghĩ, người ta đến với nhau bởi mục đích và mưu cầu trái với đạo đức, nhân cách con người thì mới là điều xấu thôi ông bà ạ.
Nghe các con nói vậy, ông Ất vội vàng:
- Thì vẫn biết thế, nhưng miệng lưỡi thế gian, mình ngần này tuổi đầu, họ lại hiểu lầm thì khốn.
Con dâu cả ông Ất tiếp lời luôn:
- Họ hiểu thế nào là quyền họ, chúng con hiểu ông bà là được.
Bà Lài thấy vậy cũng nói luôn:
- Tôi thấy con mẹ cả nó nói đúng đấy, tôi với ông chỉ nên xấu hổ khi mình thực sự làm những điều không tốt mà thôi. Còn dân làng mình vốn nhân hậu, bao dung và đầy tình nhân ái, họ cũng đủ nhận biết thế nào là xấu xa, thế nào là tốt đẹp. Tôi là đàn bà tôi còn không ngại, thế mà ông…
- Đúng rồi đấy bố ạ! - Các con ông Ất hùa theo.
- À mà bà ơi, bố con đang ốm đấy, bà giúp chúng con hái ít lá rồi nấu cho ông con nồi nước xông bà nhé.
Bà Lài ngúng nguẩy:
- Kệ bố các anh chị, ai hơi đâu.
Nói thì nói vậy nhưng bà Lài te te cắp nón đi ngay. Nhìn dáng vẻ của bà, mấy người con ông Ất bật cười, còn ông Ất ngẩn người ra một lúc rồi lẩm bẩm: “Rõ thật, người đâu mà động tí là giận…”.
H.N