Tấm lòng bồ tát
Ngày đăng: 05/05/2022; 108
                          Truyện ngắn
 
XUÂN MAI

Hắn ngồi trên chiếc ghế đá ở cuối vườn hoa thành phố không biết bao lâu rồi. Nơi đây là ngã ba, người đi lại nhiều, nhưng hiện tại là giờ hành chính, trẻ con thì vào trường học, người lớn đã vào công sở hay nhà máy… Đường phố vắng vẻ, thi thoảng có chiếc xe máy, ô tô lướt qua mặt hắn. Cơ hội, cơ may đến với hắn xem ra không còn nữa. Tuy vậy, hắn vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Chờ gì? Chờ ai? Có lẽ chỉ hắn mới biết.

Hình như lòng kiên nhẫn với hắn xem ra đã lung lay. Hắn nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống, vẻ như sốt ruột. Hắn kéo chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu sụp xuống che kín trán. Cặp kính đen, to bằng hai cái trôn bát úp trên khuôn mặt hốc hác, xanh như tàu lá trễ xuống như muốn tụt khỏi sống mũi nhô cao. Nhìn hắn vừa như anh chàng nhà quê mới mất việc làm, vừa giống như một kẻ du thủ du thực rình rập kiếm ăn bất chính… Hắn vươn vai, ngáp dài lộ vẻ chán nản, thất vọng. Đúng lúc chẳng còn gì để hy vọng nữa thì hắn thấy từ xa có một bà cụ đang bước đi chầm chậm về phía hắn. Hắn lại ngồi im, dõi theo.

Đó là một cụ bà chừng bảy mươi tuổi, tóc trắng, gương mặt phúc hậu. Trên cổ cụ không đeo vàng bạc gì mà chỉ có chuỗi tràng hạt màu đen. Tay cụ xách chiếc làn nhựa, bước đi khệ nệ, lệch hẳn người về một bên. Chắc cụ đi chợ về, vì, nhìn thoáng qua, hắn cũng biết bên trong làn chứa đầy thịt, rau, củ, quả… Nhưng, cái hắn quan tâm là chiếc ví da màu nâu được bà cụ để bên trên chiếc làn nhìn hớ hênh như mời gọi, xui khiến hắn. Cơ may đã đến với hắn. Hắn nghĩ vậy. Đợi bà cụ đi qua mấy mét, hắn bật phắt dậy, nhẹ như con mèo chạy theo con mồi, hắn thò tay chộp lấy chiếc ví. Vì động tác quá nhanh và mạnh, lại thiếu tính “chuyên nghiệp” của kẻ chôm chỉa nên hắn làm chiếc làn của bà cụ rơi xuống đất. Cụ chưa kịp kêu “cướp” thì hắn làm như mình là người vô ý đi đường va phải bà cụ. Hắn vội cúi xuống nhặt những thứ trong làn rơi ra, vừa làm hắn vừa lắp bắp xin lỗi vì mình vô ý. Biết bà cụ sợ mất chiếc ví, hắn đưa chiếc ví cho cụ, giả vờ lễ phép: “Ví của cụ đây ạ!”. - “Cảm ơn chú!”. - “Nhà cụ có ở gần đây không?”. - “Nhà tôi ở cách đây năm mươi mét!”. - “Vậy cụ để con mang hộ chiếc làn. Khổ, già rồi mà còn phải mang nặng thế này, vất cụ quá!”. - “Cám ơn chú! Không cần đâu.”. Mặc bà cụ từ chối, miệng nói tay làm, hắn vẫn sốt sắng xách chiếc làn và đi theo bà cụ mà không hề để ý xem thái độ chủ của nó có đồng ý hay không?

Dọc đường hắn xởi lởi tỏ vẻ thân mật làm quen với mục đích khai thác gia cảnh của bà cụ. Thì ra bà già này là một người nhà quê mới được con đón lên thành phố vài năm. “Con trai, con dâu cụ đều đi công tác cả. Bố cháu làm giám đốc công ty gì đấy bà không nhớ tên. Đi họp hành công tác suốt ngày. Mẹ cháu làm giáo viên, cũng bận lắm. Hai cháu còn nhỏ thì đang đi học… thành thử mình còn chắc chân khỏe tay, giúp được con cháu việc gì thì cố mà làm.”. Bà cụ thật thà khoe với hắn như vậy. Miệng hắn “Vâng! Dạ…” làm như chăm chú lắng nghe nhưng kỳ thực trong đầu lại đang rối lên vì những ý nghĩ... “Bà thấy chú là người lam lũ lại tử tế nên bà mới tin, mới đồng ý để chú đem giúp mấy thứ này. Chú là người nhà quê mới ra phố đúng không?”. - “Dạ đúng! Nhưng sao bà biết ạ?”. - “Nhìn là biết thôi! Bà tin chú nên mới mời vào nhà, chứ người khác thì không bao giờ đâu.” Bà cụ nói vậy và mở cổng, rồi mở cửa…

Bà cụ bảo hắn ngồi tại phòng khách của ngôi nhà ba tầng tọa lạc trong khuôn viên với rất nhiều hoa và cây cảnh. Người hắn lọt thỏm trên chiếc ghế Đồng Kỵ được làm từ gỗ mít vàng óng với những đường nét chạm khắc cầu kỳ. Hắn đưa mắt nhìn thoáng qua cũng đủ biết gia chủ là một người giàu có, sang trọng… Phải là người như vậy mới biết cách trang trí căn phòng như thế này. Trong khi hắn mải mê nhìn ngắm không chán mắt đàn ngựa tung vó trong bức tranh thêu treo trên tường và bức Quán Thế Âm bồ tát, cũng là tranh thêu, ở cuối gian phòng thì bà cụ vẫn lúi húi xúc ấm pha trà mời hắn.

Đợi bà cụ pha trà xong, hắn chủ động đón lấy chiếc ấm: “Cụ để con rót ạ!”. - “Thế chú rót uống nước đi. Bà cất mấy thứ này xuống bếp đã nhé!”. - “Vâng. Con cám ơn cụ. Cụ cứ cho con được tự nhiên ạ!”. Theo thói quen, bà cụ khép cửa phòng khách và xách chiếc làn bước xuống bếp.

Chớp thời cơ, hắn liền bật dậy, nhanh tay mở hết ngăn kéo này đến ngăn kéo khác của chiếc tủ tường đặt ở phía cuối phòng khách. Hắn hối hả, cuống quýt lục tìm. Không thấy tiền hay thứ gì đáng giá ngoài chiếc túi vải chả biết bên trong có những gì mà lỉnh kỉnh, nằng nặng? Đem vội vào phòng vệ sinh, giở ra xem thì, trời ơi, chỉ có đinh, ốc vít, hộp xi đánh giày, bóng đèn cháy… Thất vọng trở ra, thật may, khi hắn vừa đặt chiếc túi vào vị trí cũ thì bà cụ cũng từ dưới bếp đẩy cánh cửa phòng khách bước vào.

Hình như bà cụ đã nhìn thấy việc làm khuất tất hay nhận ra sự hoảng sợ hiện trên khuôn mặt hắn nên hỏi: “Chú đang tìm cái gì thế?”. - “Không! Con tìm cái… cái giẻ lau… lau bàn ạ!”. - “Thì nó nằm ngay trước mặt chú đấy chứ đâu mà phải tìm!”. Hẳn là bà cụ đã biết chuyện nhưng vì không muốn hắn phải xấu hổ nên cụ tế nhị làm như không biết chuyện gì. Không nói thêm về chuyện kia nữa, bà cụ mở tủ lạnh lấy một quả táo, gọt vỏ, bổ, mời hắn: “Chú uống nước, ăn táo đi. Nhìn chú có vẻ đang rất đói. Hay là chú ăn mì tôm nhé!”. - “Thôi ạ. Con cám ơn cụ. Con chỉ xin cụ cốc nước rồi con đi.”. - “Thế chú đi đâu bây giờ?”. - “Con cũng chưa biết ạ!”. - “Nói thật với chú, hồi trẻ bà cũng vất vả đủ bề nên bây giờ thấy ai khó khăn bà thương lắm. Nhìn chú bà biết, hoàn cảnh chắc cũng chả khá giả gì. Đúng không?”.

***

Hắn sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, nghèo đến nỗi người ta gọi đó là nơi mà “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Tuổi thơ của hắn lớn lên bằng củ sắn trên đồi, bằng con tôm, con tép ở dưới đồng chiêm trũng. Học hết cấp III, hắn ở nhà làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Rồi hắn lấy vợ, sinh được hai con. Gia đình hắn sống trên một quả đồi toàn cỏ dại và sim mua còi cọc. Cuộc sống hằng dù ngày phải “vặt mũi, đút miệng” nhưng vợ chồng hắn vẫn tần tảo làm lụng đủ nuôi con. Của ăn của để thì chưa có nhưng hắn không bị rơi vào hộ đói nghèo. Đời sống đang đà đi lên thì đùng một cái, quê hắn bị thu hồi ruộng đất dành cho dự án các khu công nghiệp. Gia đình nào cũng được đền bù, còn riêng vợ chồng hắn chả được đồng nào vì không có ruộng. Bất đắc dĩ vợ chồng hắn trở thành công nhân hợp đồng thời vụ cho mấy doanh nghiệp trên địa bàn. Một thời gian sau, theo sự “phân công” của hắn, vợ hắn đi làm công nhân, còn hắn đi học lái xe - trước mắt kiếm cái bằng, rồi đi lái xe thuê…

Có bằng lái xe tải trong tay, được người quen giới thiệu, hắn vào Sài Gòn lập nghiệp. “Trong này vừa dễ kiếm việc làm, tiền công lại cao, chịu khó chạy tăng ca, tăng chuyến, tao tin mày sẽ “phất” lên rất nhanh…”. - Bạn hắn bảo hắn vậy.

Vào Sài Gòn đường sá chằng chịt như mạng nhện, người - xe đi lại như mắc cửi… làm sao hắn dám cầm vô-lăng. Để kiếm miếng cơm, hắn nhận làm “chân” bảo vệ cho một doanh nghiệp. Công việc đang suôn sẻ thì bỗng một hôm…

Sáng hôm ấy vì hắn đang mải “đánh” hộ khách hàng chiếc xe tải đậu vào đúng nơi quy định thì không may quệt phải “con” Mazda CX-5 của một khách hàng khác. Bước ra từ chiếc xe sang trọng ấy là một phụ nữ trung niên nhìn quý phái, vòng vàng, trang sức đeo khắp cổ, tay… Bà ta vẫy tay, ra hiệu bảo hắn xuống xe. Sau khi xác nhận là hắn làm xước một mảng nhỏ ở sườn xe của bà, hắn gãi đầu, gãi tai, hai tay xoa vào nhau xin lỗi, hứa sẽ rút kinh nghiệm nhưng bà ta kiên quyết bắt hắn đi cùng tới chỗ sửa xe, hết bao tiền hắn phải trả. Đang giờ làm việc hắn đi sao được! “Nếu vậy, anh đưa tôi hai triệu. Thiếu tôi tự bù. “Xử” thế là tôi quá thông cảm với anh rồi đó nha!”. - Bà ta bảo hắn thế.

Trời ơi! Làm sao hắn có ngay hai triệu để đưa cho bà ta? Mà không đưa bà ta sẽ mời công an đến làm việc. Hắn thực sự không muốn gặp công an. Và, cách giải quyết nhanh nhất là hắn đưa chiếc bằng lái xe của mình cho bà ta giữ. Bà ta hẹn tháng sau sẽ quay lại trả hắn bằng và nhận tiền bồi thường.

Hắn đợi một tháng, rồi hai tháng vẫn không thấy bà ta trở lại. Với ai hắn không biết, chứ với riêng hắn, chiếc bằng lái xe chính là “cần câu cơm” mà hắn phải mất hơn mười triệu đồng mới có… Vậy mà bỗng chốc biến mất! Giờ biết bà ta ở đâu giữa đất Sài Gòn mênh mông này mà tìm, mà lấy lại! Chán nản, hắn trở ra Bắc với hy vọng: Vay mượn tiền, đi học, thi lại để kiếm chiếc bằng lái xe khác.

Học sắp đến ngày thi thì vợ hắn bị tai nạn giao thông phải điều trị ở bệnh viện. Giữa lúc các con cần tiền đóng học phí, đóng tiền học thêm, vợ lại nằm viện điều trị… hắn đang rất cần tiền mà không biết “đào” đâu ra? Ăn cắp, hắn không dám. Ăn cướp, lại càng không. Vả lại, từ nhỏ bố hắn đã dạy rằng “đói cho sạch, rách cho thơm”. Thấm nhuần lời bố, từ trước tới nay hắn chưa hề tơ hào của ai một thứ gì. Hắn vẫn tự nhủ: Thà chết đói, chết rách chứ không thèm những thứ mà không phải của mình làm ra. Ấy vậy mà từ nửa đêm qua hắn để vợ nằm một mình trong bệnh viện, còn hắn ra ngồi trên chiếc ghế đá ngoài vườn hoa. Ngồi để làm gì? Chính hắn cũng không biết.

Cho đến khi thấy bà cụ đi chợ về qua trước mặt hắn, không hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà đúng lúc ấy trong đầu hắn lại lóe lên ý nghĩ: Phải lấy chiếc ví của cụ. Việc không thành, hắn thoắt trở lại đúng bản chất con người của mình. Rồi khi vào nhà bà cụ, một lần nữa cái thằng “con” trong người hắn lại xui hắn nảy lòng tham, nên… “Con xin lỗi cụ! Chỉ thiếu một chút nữa thì con thành kẻ xấu, chứ thực tình con không muốn vậy đâu cụ ạ!”. Nói xong, hắn bưng mặt khóc như một đứa trẻ…

***

Nghe hắn kể về hoàn cảnh, rồi hắn xin lỗi và bật khóc… khiến cụ mủi lòng, rưng rưng cảm động. “Vậy bây giờ chú tính thế nào?”. - Bà cụ hỏi hắn. “Con cũng chưa biết. Thôi, con cám ơn cụ, con đi ạ!”. - “Đi đâu? Cứ ngồi đây, chờ bà một lát!”. Bà cụ bảo hắn, giọng nhỏ nhẹ nhưng nghe lại dứt khoát như ra lệnh. Hắn lại ngồi xuống ghế, chờ.

Một lúc sau bà cụ từ trong buồng bước ra với cái túi vải nhỏ màu gụ. Bà vừa mở túi, vừa nói với hắn: “Cùng là người nhà quê ra phố nên bà hiểu nỗi khổ của người nghèo khi không có tiền. Biết hoàn cảnh của chú, bà thương lắm! Bà cho chú hai triệu để lo thuốc men, chạy chữa cho cô ấy. Đây là tiền con cháu cho bà tiêu vặt, nhưng bà tiết kiệm không dùng đến…”. Cụ đưa cho hắn một tệp tiền, mệnh giá 50 ngàn đồng có, 100 ngàn đồng có, 200 ngàn đồng cũng có. Mắt hắn hoa lên. Tai hắn ù đi ngỡ mình nghe nhầm. Không để hắn nói lời cám ơn hay từ chối, bà cụ ấn tiền vào tay hắn. “Bà gửi cô ấy chục gói mì tôm. Gọi là của ít lòng nhiều, chú không được chối từ. Cầm lấy cho bà vui!”. Bà cụ nói rồi mở tủ lấy mì tôm bỏ vào một cái túi ni-lon, đưa cho hắn.

Đến lúc này hắn mới ú ớ: “Con xin cụ. Cụ thương con như mẹ đẻ. Con cám… cám ơn mẹ ạ!”. - “Không ơn huệ gì cả. Bà cũng là người đi lên từ nghèo khổ, đói rách đấy con ạ. Còn việc này nữa, nếu chú không kiếm được việc làm thì hôm nào đến đây bà bảo con trai bà nó lo việc cho. Nó đã nhận mấy người cơ nhỡ về làm rồi đấy! Thế nhé! Thôi, chú vào viện đi kẻo vợ nó mong. Bà cầu cho cô ấy mau tai qua nạn khỏi.” - Nói xong, bà cụ đưa tay lần chuỗi tràng hạt màu đen trên cổ và hướng mắt nhìn bức tranh Quán Thế Âm Bồ tát, miệng lẩm nhẩm: Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật…”.

 

Vĩ thanh

Giờ thì hắn là một tay lái xe xúc gạt thực thụ cho công ty Thắng Lợi - một công ty làm đường có uy tín của tỉnh do con trai bà cụ làm giám đốc. Không kể tiền thưởng mỗi khi có năng suất cao, hằng tháng hắn cũng có thu nhập trên mười triệu đồng. Vợ hắn sau những ngày điều trị, không đi làm hợp đồng cho công ty nữa mà ở nhà trồng rau, củ, quả… bán cho công nhân ở khu công nghiệp tại quê. Con trai lớn của hắn đang học trường Đại học Kinh tế quốc dân năm thứ nhất. Cô con gái cũng vừa đỗ vào trường THPT Chuyên của tỉnh. Gia cảnh hắn xem ra đang đi lên, hất lượng cuộc sống mỗi ngày một khá.

Những lúc vui hắn thường kể về quãng đời phải nói là quá cơ cực của mình với bạn bè. Hắn bảo, cuộc đời con người ta, cụ thể là hắn, nếu không gặp được người tốt, mà cụ thể là bà mẹ của giám đốc công ty Thắng Lợi thì không biết sẽ ra sao? Có thể, hắn đang ngồi “bóc lịch” ở một nhà tù nào đó. Cũng có thể còn lang thang phiêu bạt ở xứ người với người vợ què và hai đứa con thất học! Cho nên với bà cụ là ân nhân của hắn, hắn phải “sống tết, chết giỗ”. Nghĩa là khi bà cụ còn sống, hắn sẽ đến thăm, lễ tết cụ mỗi năm vào dịp tết đến xuân về. Mai này khi cụ về với tổ tiên lại theo giỗ như cha mẹ. Bởi bà cụ mà hắn may mắn được gặp vào buổi sáng định mệnh hôm ấy là người có tấm lòng của Quán Thế Âm bồ tát. Như sợ bạn bè không hiểu, hắn giảng giải: “Thế” là đời, “âm” là tiếng kêu. Bồ tát là vị Phật có nhiều phép màu kỳ diệu, luôn thấu hiểu mọi tiếng kêu của chúng sinh; luôn cảm thông với nỗi khổ của chúng sinh ở cõi nhân gian. Dân gian truyền rằng, mỗi khi chúng sinh niệm: Nam mô Quán Thế Âm bồ tát là thế nào Người cũng đến tận nơi cứu giúp… “Hồi bé, tớ thấy bà nội tớ bảo vậy mà!”.

Và, đã mấy năm nay người ta thấy hắn nói sao làm vậy. Quý cái nết ăn, nết ở, nết làm của hắn, tới đây, giám đốc công ty Thắng Lợi sẽ “cất nhắc” hắn làm đội trưởng đội lái xe xúc gạt...

X.M

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc