LÂM QUANG HÙNG
Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác, người Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) rất coi trọng mùa vụ, vì vậy để mùa màng được tốt tươi, trong quá trình sản xuất đồng bào đã tiến hành nhiều nghi thức, lễ nghi nông nghiệp liên quan đến việc sử dụng và quản lý tài nguyên đất, đặc biệt là đất canh tác:
1. Lễ cầu mùa
Đối với bất cứ loại cây lương thực nào, yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ mùa vụ. Trong nhận thức của đồng bào Cao Lan, phía sau các hiện tượng tự nhiên mà họ nhìn thấy được như mưa, nắng, sấm, chớp... còn có một thế lực thần linh, siêu nhiên chi phối, có thể giúp đỡ hoặc phá hoại mùa màng của họ. Vì vậy, trong đời sống tâm linh của đồng bào Cao Lan tất yếu nảy sinh tín ngưỡng cầu xin Thần Đất và các vị thần cai quản tự nhiên khác phù hộ để có mùa màng bội thu. Đó là mục đích của việc cầu mùa. Trong tín ngưỡng cầu mùa của đồng bào Cao Lan có lễ hội xuống đồng (lễ hội lôồng tôồng). Lễ hội cổ truyền này thường gắn liền với mùa màng, sự sinh sôi nảy nở của cây lúa.
Lễ hội dân gian của các dân tộc Việt Nam mang bản sắc riêng là mở theo mùa, theo chu kỳ nông vụ, tái hiện lại cuộc sống nông nghiệp, ước mong cho người khang vật thịnh. Đồng bào dân tộc Cao Lan có nhiều cách để xác định thời gian tổ chức lễ hội, nhưng cơ bản là bằng yếu tố tự nhiên, bằng quy luật mùa vụ, bằng lịch thời gian. Khi những mảnh ruộng, vạt nương cuối cùng đã thu hoạch xong, khi ngô lúa đã đầy ắp trong bồ, khi đó đồng bào mới chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ hội.
Lễ hội xuống đồng thường được tổ chức mỗi năm một lần, thời gian tổ chức ở mỗi làng có sự khác nhau. Chẳng hạn, thôn Đồng Dạ tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng, thôn Xóm Mới tổ chức ngày 10 tháng Giêng, thôn Đồng Găng tổ chức ngày 12 tháng Giêng và thôn Đồng Dong do có dân số đông nhất nên năm nào cũng tổ chức trong 2 ngày là 14 và 15 tháng Giêng.
Lễ hội xuống đồng được tổ chức dưới sự chủ trì của các già làng, có sự góp mặt của chính quyền địa phương. Địa điểm tổ chức lễ hội thường ở đình làng và sân đình - nơi có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho những sinh hoạt trong lễ hội.
Lễ hội xuống đồng tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, bởi có sự tham gia của tất cả các thành viên trong bản với tinh thần tự giác, nhiệt tình, hăng say.
Các nghi lễ trong lễ hội xuống đồng thể hiện niềm tin mãnh liệt của đồng bào vào các vị thần nhằm cầu xin mưa thuận gió hoà, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Đồng bào tin rằng: đất, nước, núi rừng và cả con người đều thuộc sự cai quản của thần linh, lễ hội mở ra trước hết là thể hiện sự kính trọng đối với các lực lượng siêu nhiên và cầu mong thần linh tiếp tục ban cho con người cuộc sống an lành, sản xuất thuận lợi, ăn nên làm ra, gia súc khỏe mạnh không dịch bệnh... Lễ hội được tổ chức vào lúc mở đầu một chu kỳ sản xuất nên nó phản ánh ước mong sinh sôi nảy nở, đồng thời là dịp mà dân bản cùng nhau sinh hoạt văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.
Lễ hội được tổ chức ở đình nên thường thờ cúng rất nhiều các vị thần: bên trên thờ cúng Thành hoàng làng (Nữ gia Đại vương), bên dưới thờ cúng 5 đời vua là Trần, Lý, Lê, Nguyễn, Hoàng và ba ông Thần Nông, hai bên thờ hai vị thần gác cổng trông coi trấn giữ của cải - ông Trần Bồ Thần và ông họ Hoàng.
Từ vài ngày trước lễ hội, các bậc cao niên trong làng đã tổ chức họp bàn, phân công những công việc chính chuẩn bị cho ngày hội. Thanh niên trai trẻ thì chuẩn bị trang phục, giày dép; các thiếu nữ thì ngồi khâu còn, đan yến và làm bánh, chuẩn bị thức ăn phục vụ lễ hội.
Nội dung tổ chức gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Ở phần lễ có lễ trình, dâng hương, cúng cầu mùa. Phần hội có chương trình giao lưu văn nghệ hát sình ca (sịnh ca), xuống đồng, ném còn, kéo co, đu quay, bắn nỏ, đánh yến... Mở đầu là phần lễ dâng hương và dâng lễ vật trước đình làng để cầu cho năm mới mưa thuận, gió hoà, cây cối tốt tươi, no ấm đến mọi nhà. Khi bài cúng chấm dứt, thầy cúng dẫn đầu đoàn người xuống đồng, một thanh niên khỏe mạnh cày những đường cày đầu tiên mở đầu cho mùa sản xuất mới trước sự chứng kiến của dân làng và đông đảo người dân ở địa bàn lân cận.
2. Lễ khai nương
Nghi lễ này được tiến hành sau Tết Nguyên đán. Sau những ngày Tết, đồng bào chuẩn bị dọn dẹp nương bãi, đốt nương để chuẩn bị cho một vụ lúa, ngô mới. Lễ khai nương được tiến hành để nhớ ơn tổ tiên đã có công khai khẩn nương cho con cháu trồng trọt và bắt đầu một mùa làm nương mới trong năm. Người dân đến mảnh nương của nhà mình, chọn chỗ gốc cây hoặc hòn đá to nhất làm địa điểm thực hành lễ cúng. Đồ lễ gồm có giấy bản, một chai rượu, một bát gạo, một con gà luộc chín. Cũng có dòng họ dùng đồ lễ là một con dao quắm, cuốc bướm, một quả trứng luộc, một bát cơm, một chai rượu... Chủ nương sẽ là người thực hiện nghi thức cúng. Người chủ nương quỳ xuống, khấn thần cai quản đất nương và thông báo cho thần biết gia đình mình khai nương. Sau đó, chủ nhà gọi tên các cụ ba đời, gọi tên những người bằng vai vế với mình bị chết trẻ, nhờ họ giúp đỡ gia đình đuổi chim, chuột, thú rừng, kiến, sâu bọ... ngăn không cho chúng đến phá hoại mùa màng, cầu mong đi làm nương không bị vấp ngã, không bị đá xô và có một mùa bội thu. Lễ khai nương không bắt buộc phải làm vào một ngày cố định mà chỉ cần chọn một ngày đẹp sau Tết. Trước đây, các gia đình đều phải làm lễ này thật cẩn thận, đúng theo phong tục của dòng họ, sau đó mới được phép đặt dao, đặt cuốc lên mảnh nương. Đồng bào quan niệm nếu gia đình nào không làm lễ này thì cả năm đó làm ăn thất bát, mùa màng thất thu, không thuận lợi... Đến nay, đồng bào không còn thực hành các nghi lễ này do chuyển hết sang canh tác lúa nước, áp dụng các giống mới, được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bón phân nên thu được năng suất lúa cao hơn trước.
3. Lễ cúng cơm mới
Lễ này được tiến hành vào tháng Mười âm lịch sau khi hoàn tất những công việc thu hoạch cuối cùng của mùa vụ. Lễ cúng cơm mới nhằm nhắc nhở con cháu nhớ công ơn của cha ông - những người đã khai hoang đất đai để thế hệ sau có chỗ làm ăn sinh sống. Lễ vật gồm gà, lợn, rượu và cơm mới. Trước khi lễ cúng bắt đầu, người Cao Lan thường dựng một cây nêu trước cửa để người khác không đến nhà mình vào thời gian này. Sở dĩ có tập tục đó là vì trước đây, mỗi nhà có điều kiện kinh tế và quan niệm khác nhau nên người ta không muốn cho người ngoài biết mâm cỗ cúng của gia đình mình. Cúng xong, các thành viên trong gia đình cùng ăn uống thụ lộc. Ngày nay, đồng bào thường mang gà, lợn, xôi nếp ra đình để làng cúng. Khi lễ cúng xong xuôi, các gia đình tổ chức ăn uống ngay tại sân đình rất vui vẻ và đoàn kết.
Những nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đất canh tác của người Cao Lan là di sản quý báu, mang đầy đủ tính nhân văn sâu sắc; do vậy các phong tục tập quán này cần được tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để tri thức dân gian phát huy trong đời sống thực tế. Làm được điều đó thì kinh nghiệm quý báu của đồng bào người Cao Lan trong lao động, giữ gìn môi trường sống, mới phát huy được thế mạnh bền vững và lâu dài.
L.Q.H
Tài liệu tham khảo:
1. Phù Ninh, Nguyễn Thịnh (1999), Văn hoá truyền thống Cao Lan, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
2. Lâm Quý (2004), Văn hoá Cao Lan, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Tám, Tri thức dân gian về tài nguyên thiên nhiên của người Cao Lan ở Vĩnh Phúc, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2019.