Nghề làm đồ đá ở Hải Lựu
Ngày đăng: 20/09/2024; 65
DƯƠNG VĂN LÃM
 
     Thời kì đồ đá đã lùi xa vào quá khứ hàng vạn năm rồi. Hiện chúng ta đang sống trong thời kì công nghệ 4.0, nhưng mỗi gia đình ngày nay, nhất là ở nông thôn vẫn còn không ít các vật dụng bằng đá. Từ cái cối xay bột, hòn đá mài dao, cối giã cua đến cái máng cho lợn ăn... đều làm từ đá. Trước những ngôi nhà cổ, từ bao đời nay vẫn khiêm nhường có hai con chó đá ngồi canh cổng với sự trung thành đến vĩnh cửu.
      Trên quê hương ta, ai cũng biết những tấm bánh ngon nhất thường được làm từ bột gạo xay bằng cối đá, khoanh giò lụa hảo hạng cũng phải được giã bằng chày gỗ nhãn trong chiếc cối đá xanh. Trong dân gian, những nơi như đình, chùa, đền, miếu không thể thiếu những đồ thờ bằng đá. “Nồi đồng cối đá” luôn là tiêu chuẩn chất lượng bền vững để so sánh cho các vật dụng trong thời đại hiện nay.
       Từ lâu người dân miền Bắc đã rất quen dùng đồ đá, nhưng lại ít ai biết đến một trong những nơi đã sản sinh ra chúng, đó là vùng Thiết Sơn, trong dân gian vẫn gọi là núi Thiết, thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây, có khu đồng Trăm với bạt ngàn đá nổi vân màu ngũ sắc, dùng làm vật liệu trang trí trong xây dựng. Khu đồng Trổ đầy rẫy đá xanh, đá xám với nhiều màu sắc từ trắng ngà, gan gà, da cóc... phù hợp với tiêu chuẩn lý hoá để cho những bàn tay vàng của người thợ đá từ bao đời nay đến trổ tài, làm ra vô vàn sản phẩm bền đẹp, tồn tại song hành cùng thời gian.
      Người dân xã Hải Lựu ở dưới chân núi Thiết đa phần lấy công việc đục đẽo đá làm nghề phụ. Hằng năm, sau hai vụ chiêm mùa mọi người lại cơm đùm, cơm nắm vác đòn ống, dây thừng toòng teng túi đựng dụng cụ đồ nghề. Sáng leo lên ngang sườn núi, ngắm nghía chọn lựa từng vỉa đá, rồi đục đẽo gọt giũa từng tảng đá gồ ghề muôn hình vạn trạng trở thành các vật dụng như ý, để rồi khi mặt trời khuất núi lại cùng nhau khuân vác các đồ đá nặng trịch đó về nhà. Những khi thời tiết thuận lợi, có thể dựng lều lán nghỉ lại qua đêm để rồi sau đó phải huy động cả nhà dành ra hàng buổi mới khuân hết sản phẩm xuống núi. Rồi lại xuống thuyền hàng tuần, hàng tháng rong ruổi ngược sông Lô, xuôi sông Hồng hoặc theo xe lăn bánh gập ghềnh qua miền sơn cước... mang đồ đá đi khắp nơi tiêu thụ. Bán hết hàng lại quay về làm lại từ đầu.
     Người thợ đá lấy đó làm niềm vui trong lao động giữa rừng núi cao lộng gió, cho dù có những lúc, mảnh đá văng ra làm xây xát chân tay, bụi đá làm mắt đau, họng rát. Chỉ với cái búa, vài cái đục, cái choòng bằng sắt cộng thêm cái vồ nhỏ bằng gỗ lim, gỗ sến với chiếc compa tự tạo, đoạn dây rọi đơn sơ, người thợ đá ở Hải Lựu từ bao đời nay đã cung cấp đồ đá cho khắp nơi. Những sản phẩm lớn như voi đá, ngựa đá, toà sen tượng Phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương tháp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá,... khách hàng phải vẽ mẫu và đặt trước để bố trí cả hiệp thợ cùng làm, cùng di chuyển tác phẩm đã hoàn thành xuống núi an toàn về nơi quy định. Có điều lạ là nghề đục đẽo đá ở đây, tuy cũng dùng đục bằng thép cứng nhưng lại đập bằng vồ gỗ, nên trong lúc làm việc dù rất đông thợ cùng làm nhưng cũng chỉ phát ra những tiếng trầm đục khiêm nhường chứ không có âm thanh chát chúa như những nghề đục đẽo khác. Đó cũng là đặc tính của người dân Hải Lựu.
     Mặc dù làm cật lực, mỗi ngày công của người làm đá cũng rất bèo bọt. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn rất quý trọng nghề truyền thống của làng. Càng yêu nghề, người thợ càng yêu ngọn núi đá của quê hương đã cho nguyên liệu để hành nghề. Nhiều như đá núi nhưng cũng không ai sử dụng bừa bãi lãng phí cả. Dù khai thác được hòn đá to hay viên đá nhỏ, người thợ đều phải tính toán chi li, xem từng thớ đá để tạo ra những sản phẩm thích hợp. Cũng như người thợ mộc, thợ đá cũng phải ba lần đo mới có một lần quyết định vạch lỗ cắm choòng để tách từng tảng đá ra mà đục đẽo. Nhiều người thợ ở đây đã được tôn vinh có bàn tay vàng với trình độ nghệ nhân.
     Hiện nay, chính quyền địa phương đã cho thành lập các doanh nghiệp khai thác đá xẻ, với hàng trăm công nhân có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, mỗi năm xuất khẩu hàng ngàn mét khối đá ở dạng nguyên liệu. Cuộc sống hiện đại với nhiều nguyên vật liệu dễ tiêu thụ, dễ sản xuất, nhưng vẫn không thể thay thế chất liệu đá trong việc chế tác các đồ dùng mang đậm nét truyền thống văn hoá. Những người thợ đá ở xã Hải Lựu với nghề truyền thống của làng mình vẫn cần cù đục đẽo để cho ra đời mỗi năm hàng vạn sản phẩm đồ đá cho Nhân dân khắp vùng tiêu thụ. Nhiều khách nước ngoài qua đây đã mua các món đồ đá về làm quà kỷ niệm, bởi họ hiểu rõ giá trị của các sản phẩm mang tính chất vĩnh cửu này.
 
D.V.L
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc