Làng quê ra chốn thị thành - Nhân đọc tập "Chuyện của Phòm" của nhà văn LaHan - Nxb. Hội Nhà văn ấn hành
Ngày đăng: 05/05/2022; 51
TRẦN KHOÁI
 
Được biết năm 2017, bác Phòm - trưởng thôn Cửa Ao cùng nhà văn LaHan (Đỗ Hàn) làm chuyến viễn du ra chốn thị thành. Ngày ấy đã định làm một cái màn chào hỏi nhưng lại thấy ngài ngại. Biết đâu bác ta lại đánh giá mình là kẻ: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, vì thế lại thôi.
Cứ nghĩ Phòm đi một chuyến “dối già”. Ngờ đâu năm 2018, 2019 Phòm tiếp tục đi ra thành phố với bao nhiêu chuyện trên trời, dưới biển. Đúng như các cụ xưa dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Được đi cùng nhà văn, Phòm sáng láng ra nhiều điều. Chả thế cho đến nay, đã có những bậc tiến sĩ, nam có, nữ có... bàn luận về chuyện của Phòm, với toàn những cái được, cái khen thơm nức.
Xem ra cái ông nhà văn LaHan cũng thật tinh đời. Ông mách Phòm cứ dựa vào truyền thống bốn nghìn năm của làng quê đã được gạn lọc, giữ gìn mà bao thiên tai, địch họa không làm nó mất đi, chúng ta sẽ thành công trong công việc. Đấy là cái tình làng, nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Ví như niềm vui sống, lạc quan bất luận trong hoàn cảnh nào: “Đừng có chết mất thì thôi/ Sống cũng có lúc no xôi chán chè” (ca dao). Chính niềm vui được sống đã giúp cho người lao động vượt qua bao cam go trong cuộc đời ở mọi thời đại. Chất hài hước trong các chuyện của Phòm đó chính là tiếng cười đậm sắc quê.
Là người con của quê lúa - đất Phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở cái “mỏm” tam giác châu thổ của nền văn minh lúa nước ấy, LaHan đã đầm mình trong không gian văn hóa làng quê tiêu biểu của Bắc Bộ.
Có thể nói, nhà văn đã biết và gần gũi những người như Phòm trước cả khi biết tới nhà trường và những thầy cô giáo của mình. Ấn tượng tuổi thơ nó có sức sống diệu kỳ. Nó có thể neo giữ suốt cuộc đời của một con người. Nói điều này bởi tôi coi nhà văn LaHan là một minh chứng. Tôi từng biết ông đã có những thành công qua hai tập thơ trước đó: “Thương giọt ca dao” (2007), “Những con đường trong sương” (2009) nhưng phải đợi tới các tập truyện ngắn (Hài hiện đại) “Chuyện của Phòm” - tập 1, 2, 3 vào các năm 2017, 2018, 2019, ông mới có sự kết tinh nghệ thuật ở độ chín của một ngòi bút chuyên nghiệp.
Trở lại tiếng cười trong các truyện ngắn của LaHan ở các tập “Chuyện của Phòm” (1, 2, 3), nhà văn hiểu rất rõ tiếng cười của người Việt thường trực diện. Chả thế người ta từng nói: Cười lăn lộn, cười vỡ bụng, cười ngặt nghẽo, cười đến đứt ruột, cười như nắc nẻ, cười chảy nước mắt...
Cười: Trước hết là vui, là thoải mái, hứng khởi. Trong hoàn cảnh ấy nhắc nhở nhau cái được, cái chưa được để sống tốt hơn, đẹp hơn. Cười để nhắc nhở nhau. Điều ấy có nghĩa không kỳ thị, vứt bỏ. Như hôm nay chúng ta vẫn thường nói: “Giúp nhau cùng tiến bộ!”.
Còn nhớ, có nhà văn phương Tây đã nói đại ý: Trong giao tiếp, điều thông minh, dễ chịu nhất là tính hài hước đan xen... Nếu là vậy có thể thấy, Phòm là nhân vật đã hội tụ được sự thông minh, linh hoạt, giàu màu sắc của nét văn hóa chốn đồng quê. Điều mà thuật ngữ phương Tây gọi là phôn-clo (tạm hiểu: Trí tuệ Nhân dân).
Những “Chuyện của Phòm” mà nhà văn LaHan ghi lại, khi thì chính Phòm kể, khi thì nhà văn kể lại với sự “trung thực” cần thiết đã tạo nhiều ấn tượng vui, hóm hỉnh, bổ ích... đối với người đọc.
“Chuyện của Phòm” bao gồm những truyện ngắn mini mang tính hài hước. Vì thế giữa cốt truyện và tình huống truyện nhà văn đã kết hợp làm một. Khi tình huống truyện được giải quyết cũng là lúc câu chuyện kết thúc. Nhưng sự kết thúc ấy lại mở ra một câu chuyện mới đối với người đọc. Đó là những suy ngẫm về cách cư xử giữa người với người, giữa mỗi cá thể trước mỗi vấn đề xã hội tạo ra, đặt ra...
Dư vị “Chuyện của Phòm” chính là ở đó.
“Chuyện của Phòm” - điều thú vị còn ở chỗ nó giúp cho người đọc cười và biết cười. Đó là thông điệp mà nhà văn cùng nhân vật của mình gửi tới bạn đọc.
Diễn xướng trong “Chuyện của Phòm” như đã nói - cười đấy, vui đấy xong nó “kích hoạt” chúng ta suy ngẫm về những điều bất cập ngay trong đời sống thường nhật, thậm chí có những điều cười xong rồi lại cảm thấy xót xa, cay đắng...
Ở vào thời @, 4.0, Phòm lại dùng đặc ngôn ngữ, khẩu ngữ chốn làng quê cũ khi giao tiếp, kể chuyện. Đây là ngôn ngữ mà người phường phố có lúc gọi là “bờ tre, bụi chuối”. Không rõ Phòm có ý thức được điều đó hay không mà lúc nào bác cũng “oang oang” giữa chốn thị thành. Lạ cái là người “tân tiến” khi nghe chuyện của Phòm lại tỏ ra thích thú, hấp dẫn... nhất là cách bác ta kể chuyện, bác ta lý sự...
Người viết bài này vốn sống ở nhà quê nên hiểu khá rõ thứ ngôn ngữ Phòm sử dụng khi giao tiếp, kể chuyện. Mới nghe thấy nó bỗ bã, xuề xòa, dân dã. Nhưng thực ra đây là thứ ngôn ngữ rất linh hoạt, biến hóa, đa tầng.
Cứ tưởng nó ngô nghê, xong sự ỡm ờ của nó như một cái bẫy. Bởi nhiều khi cứ tưởng người kia khen ta, hóa ra họ chê ta. Tưởng họ tán thành ủng hộ đó xong hóa ra họ phản đối, phê phán. Họ nhận xét nhiều sự việc rất hồn nhiên, tưởng như chưa hiểu hết sự việc ấy; nhưng khi ta nghĩ lại, thấy họ rất am tường sự việc.
Cũng có người phàn nàn Phòm hay văng tục khi giao tiếp, hay kể chuyện... thực ra sự chêm đệm ấy nó tạo nên sự “đậm đà”, tính “hòa đồng, gần gũi” miễn là dùng đúng lúc, đúng chỗ. Tuy nhiên cũng nên đề phòng sự phản cảm của nó đối với cộng đồng. Mà chả phải ở đâu xa. Chính Phòm cũng đã có lúc “gậy ông đập lưng ông” về bệnh hay văng tục, khi bị cu Bòn - cháu của Phòm phản ứng đúng cách nói của ông: “- Éo chơi với ông nữa” (Ăn dép). Hơn thế, bây giờ là thời đại 4.0, nông thôn mới, trưởng thôn mà không đạt gia đình văn hóa là mệt lắm đấy.
Đọc 3 tập truyện ngắn “Chuyện của Phòm” của nhà văn LaHan với những thành công nhất định của nó, bất chợt nhớ tới lý thuyết “Tảng băng trôi” của Mỹ Hemingway khi ông cho rằng: Một tác phẩm văn học nó như tảng băng trôi, một phần nổi, hai phần chìm. Tất nhiêu phần nào cũng quan trọng đối với một tác phẩm. Khi người đọc nắm bắt và thẩm thấu được lúc đó ta mới thấy đầy đủ giá trị của tác phẩm.
Ý kiến của nhà văn Mỹ Hemingway (1899 - 1961) cho tác phẩm văn học, thực tế cuộc sống cũng có nét tương đồng.
Cuộc sống đang diễn ra, ai chẳng thấy; nhưng nhìn nhận được những giá trị chìm sâu, hồn cốt, bản chất của nó đâu dễ gì ai cũng có được. Về phương diện này, LaHan đã hiểu và nắm bắt khá sâu sắc cái phần “chìm” cũng như phần “nổi” của làng quê hiện tại.
Những khám phá của ông không phải một sớm, một chiều. Không phải cứ ngồi trước bàn phím ấn nút google là có, mà nó đòi hỏi phải đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ mới có được.
Ngẫm về nhà văn, ngẫm về bác Phòm, tự nhiên có nhận xét: Nếu không có Phòm liệu có sự thành công của LaHan - nếu không có nhà văn LaHan tôi tin bác Phòm vẫn đang đi mò cua bắt ốc ở nơi đồng sâu nước trũng.
Quả thật nhà văn LaHan và Phòm là một cặp khá hoàn hảo, cùng nhau “song kiếm hợp bích” chốn thị thành.
T.K
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc