Bệnh nhân cùng phòng
Ngày đăng: 29/05/2023; 113
Truyện ngắn
LÃ THẾ KHANH
 
Chỉ mắc bệnh xoàng của tuổi già nhưng mấy đứa con ông Khảo vẫn bắt ông đi viện bằng được. Chúng nài nỉ:
- Bố lạ thật đấy! Đi viện như bố thì có gì phải ngại. Vừa có tiêu chuẩn “vip”1, vừa thoát ly được công việc ở nhà, mà rồi bảo hiểm y tế lo cho tất tần tật, thế mà cứ nói tới đi viện là bố giãy nảy như bị đi đày không bằng.
 Ngúc ngắc đầu, ông Khảo thật thà:
- Chu đáo đến mấy thì cũng chẳng ai muốn đi viện. Chẳng qua là cùng bất đắc dĩ! Mà vào đấy rồi không khéo lại lây chéo bệnh. Vả lại… vào viện chứng kiến nhiều cảnh ngộ éo le lắm các con ạ. Không chứng kiến thì còn đỡ đau đầu, nhưng khi đã mục sở thị thì có là gỗ đá cũng phải suy nghĩ. Đấy rồi các anh các chị xem bố nói có đúng không nhé!
Nằm chung phòng với 12 người cùng trà, cùng bệnh được chưa trọn nửa ngày các con ông Khảo đã bắt ông phải chuyển sang phòng vip. Nhìn căn phòng chỉ vẻn vẹn 20 mét vuông mà ních những 12 bệnh nhân, trong khi nhà vệ sinh lại chỉ có một cái, các con ông lắc đầu quầy quậy. Chúng lập luận:
- Bố già cả, lại khó ngủ, nằm ở cái phòng bằng lỗ mũi thế này thì bệnh chỉ nặng thêm. Bệnh bố nặng thêm thì chúng con càng vất vả. Mà nếu hạch toán chi li ra thì còn tốn tiền hơn nhiều so với việc thuê phòng riêng cho bố nằm.
Chỉ về phía một bệnh nhân nằm giường đối diện, ông Khảo thầm thào:
- Chúng mày nhìn xem! Ông cụ kia còn già hơn bố nhiều. Bệnh cũng nặng hơn bố. Mà cụ ấy thuộc diện đặc biệt đấy. Thừa tiêu chuẩn nằm ở Việt - Xô. 2 Con cháu nghe đâu toàn người làm to. Tiền cụ ấy chắc cũng rủng rỉnh, nhưng dứt khoát chỉ nằm ở cái phòng này. Con cháu cũng mấy lần bắt cụ nằm ở phòng theo yêu cầu nhưng cụ dứt khoát không chịu. Biết bố lúc còn công tác cũng làm cán bộ quản lý, nên cụ ấy tâm sự rất thật. Cụ ấy bảo, mình lúc làm việc quen có người phục vụ rồi. Hiểu đời sống Nhân dân ít quá. Bây giờ đã làm dân vạn đại rồi thì phải tranh thủ mà hiểu cho đầy đủ cuộc sống của dân chứ, kẻo sau này ra đi lại hối tiếc. Hơn nữa ở cái phòng này bố thấy cũng vui lắm. Có cộng đồng. Lại còn nắm bắt được rất nhiều thông tin bổ ích. Lúc chưa đi viện, bố cứ nghĩ mình là người đọc nhiều biết lắm. Đến đây, nghe mọi người nói chuyện xã hội mới biết mình chưa là gì cả. Còn mù tịt thông tin lắm. Nhất là thông tin về công nghệ, về bốn chấm không (4.0). Mới lại nằm phòng tự chọn thì chỉ có mỗi mình. Đã ốm lại ốm thêm. Người già cả như bố, lúc bệnh tật rất cần có bạn để hàn huyên các con ạ! Chúng mày thì bận tối ngày, có phải lúc nào cũng vào thăm bố được đâu, thế nên cứ để bố ở phòng này cho thêm bạn thêm bè.
Vào viện chưa đầy một tuần, ngày nào khách cũng tới thăm ông Khảo nườm nượp. Họ đều là cấp dưới của ông và của con ông. Nhiều lúc khách tới đông đến nỗi bệnh nhân cùng phòng phải ra ngoài hành lang để nhường chỗ ngồi cho họ. Khi khách ra về, cái tủ kê đầu giường chật cứng quà bánh, nhưng nhiều nhất vẫn là phong bì. Nhìn đống phong bì và bánh kẹo, ông Khảo thở dài: “Lúc ăn được thì chẳng có mà ăn. Còn bây giờ chẳng ăn được bao nhiêu thì lại ê hề”. Vốn là người từng trải, ông tự chất vấn: “Chẳng biết trong số phong bì kia cái nào là đích thị thăm mình, còn cái nào là “thăm” thằng con của mình”. Nghĩ vậy, ông nhét tất cả đống phong bì vào cặp, định bụng giao hết cho con cháu mang về để hạ hồi phân giải. Riêng quà bánh, ông nài nỉ các bệnh nhân nằm cùng phòng ăn giúp, không cần biết họ có thích hay không.
Trong số 12 bệnh nhân chung phòng với ông Khảo có cụ Nhân là cao tuổi nhất. Chẳng hiểu gia cảnh thế nào mà ông cụ nằm viện hơn một tuần vẫn chẳng có ai thăm nom. Tới bữa ăn, cụ lọ mọ xuống căng-tin của bệnh viện gọi một suất ăn đạm bạc nhất. Nhìn ông lão ngoại tám mươi một mình rờ rẫm xuống cầu thang, ông Khảo thấy lòng mình quặn thắt. Hình ảnh người mẹ già đã về nơi thiên cổ của ông lại hiện về trong tâm ông mồn một.
Ngày ấy mẹ ông bị viêm phúc mạc ruột thừa, một căn bệnh tuy không hiểm nghèo nhưng nếu không được chạy chữa kịp thời thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Nhà vốn rất nghèo, con cái đi làm ăn xa, mẹ ông phải nhờ sáu, bảy người hàng xóm đưa đi viện. Đường từ nhà ông tới bệnh viện tỉnh gần 30km, xe cộ lúc đó chẳng lần đâu ra (mà nếu có thì cũng chẳng có tiền để thuê). Sáu, bảy người hàng xóm phải luân phiên khênh mẹ ông trên võng tới viện. May mà họ đều là những nông dân khỏe mạnh, tốt bụng, nên cuối cùng mẹ ông vẫn tới viện kịp thời. Sau lần ấy bà sống được hơn chục năm nữa mới về cõi vĩnh hằng. Từ bấy trở đi, hễ mỗi lần nhìn thấy những bệnh nhân già cả, cô đơn, dù rất vô thức trong lòng ông Khảo lại cuồn cuộn hiện về một suy tưởng. Sự suy tưởng ấy đeo bám tâm trí ông không thể nguôi ngoai. Bây giờ khi tận mắt chứng kiến một số phận éo le như cụ Nhân, ông Khảo lại càng trăn trở. Đã đôi lần ông gạn hỏi cụ Nhân về gia cảnh nhưng ông lão luôn lảng tránh. Biết cụ Nhân có điều uẩn khúc, ông Khảo không hỏi nữa, kín đáo bàn với mọi người tìm cách giúp cụ. Có điều cụ Nhân rất khái tính. Biết mọi người quan tâm đến mình, cụ tìm mọi cách chối từ. Một lần thấy mọi người quan tâm thái quá, cụ gắt lên:
- Ơ hay! Các vị cứ làm như tôi khốn khổ lắm không bằng. Tôi đã đến đận nào đâu mà các vị phải thương hại thế.
Và sau mỗi lần như vậy, cụ Nhân càng co mình lại. Đặc biệt khi bệnh nhân cùng phòng có khách, cụ ý tứ ra ngoài. Đợi khi khách thăm về hết, cụ mới lặng lẽ trở về giường của mình rồi kéo chăn trùm kín mặt, như thể muốn giấu nỗi cô đơn vào màn đêm vô tận…
Lặng lẽ để tâm đến từng trạng huống tâm lý của người bạn già mới quen, ông Khảo xa xót lắm. Làm cách nào để giúp cụ Nhân, trong khi tính cụ như vậy? Vốn thuở thiếu thời cũng cùng cảnh ngộ, hơn ai hết ông Khảo hiểu thấu nỗi lòng của những người sa cơ lỡ vận nhưng lại quá giàu lòng tự trọng. Với những người này, họ thà chấp nhận sự bần hàn nhưng thanh thản, hơn là phải lụy bất kể ai, nhất là lụy về cơm áo. Vậy làm cách nào để giúp được người bạn già này bây giờ? Giúp mà không được để cụ biết mình được giúp. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu ông Khảo. Đúng rồi, chỉ có cách ấy thì may ra cụ Nhân mới tiếp nhận.
                                                         
***
         
Trở về từ quán cơm của căng-tin bệnh viện, cụ Nhân hớn hở khoe với các bệnh nhân cùng phòng:
- Xăng dầu vừa xuống giá mọi thứ đã dễ chịu hẳn. Mọi ngày tôi gọi suất cơm mười lăm nghìn thì chỉ được vài miếng đậu phụ rán dối với một hai miếng thịt gió cấp một thổi cũng bay, vậy mà hôm nay cũng ngần ấy tiền thì ngoài đậu phụ sốt cà chua cùng thịt còn thêm cả đĩa trứng tráng đầy ơi là đầy, tôi ăn mãi chả hết. Thế mấy biết cái anh xăng dầu nó chi phối giá cả ghê gớm thật. Cung cách này ngày mai khéo tôi chỉ gọi suất cơm mười nghìn đồng là ăn cũng chả hết.
Thấy cụ Nhân cởi mở, ông Khảo hùa vào:
- Cụ ơi, anh em mình cứ phải ăn nhiều vào thì bệnh tật nó mới chịu lùi. Mà trên ti-vi họ vừa thông báo rồi đấy, ngày mai, ngày kia giá xăng dầu còn xuống nữa, bữa ăn của anh em mình chắc sẽ còn được cải thiện nhiều! 
- Ờ thì cũng chỉ mong được vậy. Bệnh của tôi còn phải ở viện dài ngày, mọi thứ cứ đắt đỏ mãi thì cũng đành phải ra viện sớm. Rồi nó ra sao thì ra. Còn cứ dễ chịu như thế này thì cũng cố mà nằm thêm ít ngày nữa. Nói các ông thông cảm, tôi có nhõn thằng cháu họ. Nó lại làm ăn ở xa. Bận mải lắm nên chẳng thể về chăm nom tôi được. Nó có hẹn tôi mấy hôm tới thì gửi cho tôi ít tiền để thanh toán viện phí. Số tôi nó vất vả thế đấy nhưng được cái thằng cháu nó cũng tử tế. Cũng chả ruột thịt gì đâu, họ bắn đại bác ấy mà, nhưng nó thương tôi còn hơn ruột thịt. - Cụ Nhân hỉ hả.
Vừa nói cụ Nhân vừa lấy trong túi quần một cái túi vải nhỏ rồi dốc ngược xuống giường. Một nắm tiền lẻ mệnh giá hai nghìn, năm nghìn đồng rơi ra. Cặm cụi vuốt từng tờ bạc cho phẳng phiu, cụ Nhân nhẩm tính trong đầu số tiền này sẽ đủ ăn được trong bao ngày tới. Liếc nhanh nắm tiền lẻ cụ Nhân chẹn dưới đùi, ông Khảo đoán cùng lắm cũng chỉ được sáu, bảy mươi nghìn đồng.
                                                         
***
 
Ba ngày sau ông Khảo ra viện. Trước khi từ giã mọi người, ông lấy ra một chiếc phong bì khá dày đưa cho cụ Nhân, bảo:
- Cụ ơi! Lúc cụ xuống căng-tin ăn cơm có một người tới đưa cho cụ chiếc phong bì này. Anh ta nói là bạn của cháu cụ gửi. Vì rất vội nên anh ấy không thể chờ cụ về để giao tận tay. Lúc ấy trong phòng chỉ có mỗi em nên em nhận hộ cụ. Đây, phong bì vẫn nguyên đai nguyên kiện, cụ nhận giúp em để em còn xuống làm thủ tục ra viện kẻo các cháu nó chờ.
Cầm chiếc phong bì ông Khảo đưa, không ghi tên người gửi, cụ Nhân lật đi lật lại, nét mặt lộ rõ vẻ mãn nguyện:
- Chắc là của thằng cháu họ mà tôi vẫn kể với ông đây mà. Phong bì dày thế này hẳn phải dăm, bảy triệu chứ ít à! Thằng bé cù lần thế mà chu đáo đáo để.
Ngoái nhìn lần cuối người bạn già mới quen sau những ngày cùng nằm viện, ông Khảo cố kìm sự xúc động đang tức tưởi trong lồng ngực. Một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu ông: “Phải rời phòng bệnh thật nhanh trước khi cụ Nhân phát hiện ra mình là chủ nhân của chiếc phong bì. Rồi lại còn phải qua căng-tin, nơi cụ Nhân thường báo cơm, để thanh toán số tiền mình đã phụ thêm vào mỗi bữa ăn hằng ngày cho cụ nữa. Nếu rõ chuyện, ai chứ ông cụ này sẽ không châm chước cho mình”. 
Không kịp bắt tay tạm biệt từng bệnh nhân cùng phòng, ông Khảo giơ cao tay lên đầu như cáo lỗi mọi người rồi vội vã xách túi đồ ra khỏi phòng như trốn chạy…
                                                                                                                                       L.T.K
 
  1. Tiếng Anh, có nghĩa là “cao cấp”;
  2. Cách nói tắt thông dụng tên bệnh viên Hữu nghị Việt - Xô, nay là Bệnh viện Hữu Nghị
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc