(Kỷ niệm 90 năm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên
của tỉnh Vĩnh Phúc 1933 - 2023)
ĐỖ HÀ
Nếu Bình Xuyên là nơi có chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc thì Hương Sơn được xem là “cái nôi” cách mạng của huyện Bình Xuyên. 90 năm qua, kể từ khi thành lập chi bộ đồn điền Tam Lộng vào tháng 10 năm 1933, Hương Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngọn lửa cách mạng nơi đây vẫn sáng mãi và tiếp nối không ngừng.
Mảnh đất kiên trung
Về Hương Sơn hôm nay, nhiều người vẫn có thể dễ dàng tìm thấy những dấu tích của phong trào cách mạng sôi nổi tại miền quê này. Ông Nguyễn Đức Sinh - năm nay đã ngoài tuổi 90, một trong những gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng nhớ lại: Trong những năm tháng địch lùng sục gắt gao, xã Hương Sơn vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn để các chiến sĩ cách mạng đến lưu trú, xây dựng phong trào cách mạng.
“Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây không quản ngại, bất chấp hiểm nguy để nuôi giấu, chở che cho các cán bộ Trung ương, xứ uỷ, khu uỷ, tỉnh uỷ về đây hoạt động cách mạng; đóng góp lương thực, thực phẩm, động viên thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc...” - Ông Sinh nói.
Trên mảnh đất lịch sử này, tháng 10 năm 1933, chi bộ đồn điền Tam Lộng - chi bộ đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Yên, nay là tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập, gồm 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Nhiên làm Bí thư chi bộ. Từ đây, những hạt giống được nảy mầm, tiếp nhận ánh sáng của Đảng đã trở thành những hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách
mạng toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hương Sơn bước vào thời kỳ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các tầng lớp Nhân dân tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giai đoạn 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, Hương Sơn là địa bàn địch càn quét nhiều lần. Nhiều thôn làng bị đốt phá, nhiều gia đình bị giết hại bởi bàn tay đẫm máu của kẻ thù. Nhưng Hương Sơn vẫn đứng vững, chiến đấu dũng cảm, đánh địch nhiều trận, lập công xuất sắc. Đồng thời tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bằng sự bền bỉ đấu tranh, suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với tập trung phát triển kinh tế, Hương Sơn đã tiễn đưa 314 thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, 10 nam nữ thanh niên hoả tuyến, trong đó có 75 người con ưu tú đã hy sinh trên các chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, 32 người đã cống hiến một phần xương máu của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Diện mạo quê hương đổi thay
Tinh thần truyền thống cách mạng năm xưa tiếp tục được phát huy trong thời đại mới. Trên quê hương nơi ghi dấu ngày đầu tiên có Đảng đã và đang đổi thay từng ngày. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, những con đường nhựa, bê tông trải rộng, kéo dài về đến tận xóm, thôn thay thế những con đường mấp mô, sỏi đá, bùn lầy; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng các công trình phúc lợi xây dựng khang trang, bề thế.
Chia sẻ về những thay đổi tích cực của Hương Sơn, ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, phấn khởi cho biết: Người dân Hương Sơn trước kia cuộc sống rất nghèo khó, cơ cực. Vùng quê thuần nông ấy chỉ có kinh nghiệm về thâm canh cây lúa, cây ngô, không có nghề phụ. Bước vào công cuộc đổi mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Hương Sơn đã năng động, sáng tạo khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đến nay, hệ thống điện, trường, trạm, nhà ở của người dân đều
được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá và phát triển các ngành nghề dịch vụ thương mại đã làm cho kinh tế của xã có nhiều thay đổi. Nông dân được vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thanh niên được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm trong các khu công nghiệp có thu nhập ổn định. Trẻ em được quan tâm toàn diện cả thể chất và tinh thần. Đời sống văn hoá ngày càng phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... những thành tựu ấy là minh chứng rõ nét, sinh động cho sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong xã càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Phạm Văn Thọ nhấn mạnh: Xuyên suốt quá trình hoạt động trong 90 năm qua, đảng bộ xã Hương Sơn luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ xã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng đảng viên đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Hiện đảng bộ xã có 369 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ. Năm 2022, 12/12 chi bộ của đảng bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, ông Nguyễn Văn Toán (76 tuổi) nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hương Sơn - một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, cho biết: Lịch sử vẻ vang của mảnh đất Hương Sơn luôn được cán bộ, đảng viên, Nhân dân trân trọng và kế thừa. Trách nhiệm của mỗi đảng viên là phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng và truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tiếp tục xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, tham gia xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, để Hương Sơn xứng đáng là “cái nôi” cách mạng của đảng bộ tỉnh.
90 năm đã trôi qua, Hương Sơn đã lột xác, hoá thân và làm nên nhiều kỳ tích. Những xóm làng trù phú, những nụ cười rạng rỡ của những người tôi đã gặp trong chuyến đi về Hương Sơn để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tin tưởng rằng, trong tương lai, vùng quê này sẽ tiếp tục chuyển mình, viết tiếp những trang đáng tự hào cho con cháu mai sau.
Đ.H