Vời vợi nhớ thương
Ngày đăng: 09/05/2023; 110
TRẦN QUANG THÀNH
(Giáo viên Trường THCS Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)
 
Căn nhà cấp bốn nhỏ bé nằm ở ven ngoại thành Hà Nội của Hạnh chiều nay đã tươm tất, sạch sẽ. Cả ngày chủ nhật Hạnh cứ luôn chân luôn tay sắp đặt chỗ này chỗ kia từ bộ bàn ghế kê gian giữa tinh tươm đến gian buồng riêng của hai vợ chồng. Quần áo của cả nhà đã được Hạnh giặt sạch sẽ, phơi khô, treo và gấp gọn gàng trong chiếc tủ nhựa. Đang sắp xếp lại mấy thứ đồ chơi cho con, bất chợt Hạnh dừng tay nhìn Long - người chồng xiết bao yêu mến đang bế đứa con bé bỏng ngủ. Hạnh biết những ngày sắp tới với mình sẽ dài dằng dặc, đong đầy nhớ nhung chồng con. Cu Phúc còn nhỏ quá, tội nghiệp thằng bé, mới mười ba tháng tuổi đã phải cai sữa mẹ. Nhưng còn cách nào khác đâu. Vì cuộc sống gia đình, nên dù dịch bệnh bùng phát Hạnh vẫn quyết định: Tiếp tục lên công ty trên Vĩnh Phúc làm việc rồi ở lại luôn đó, khi nào hết giãn cách xã hội mới về với gia đình. Theo chỉ thị 16, các công dân là tỉnh ngoài vào làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải tuyệt đối chấp hành quy định an toàn phòng dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hạnh chỉ thương cu Phúc thiếu hơi ấm tình mẹ.
- Anh đưa con em bế cho! - Hạnh khẽ bảo chồng.
- Phúc ngoan của mẹ, ngủ ngon con yêu nhé, mẹ đi làm khi nào hết dịch sẽ về với con. - Hạnh bế cu Phúc, nựng, âu yếm rồi hôn nhẹ lên trán thằng bé.
- Hay là nghỉ việc đi mẹ nó, ở nhà vật đất trồng rau rồi chợ búa qua ngày...
Long phân vân muốn vợ nghỉ việc để ở nhà chăm con. Hạnh thở dài, nén nỗi buồn:
- Em cũng muốn ở bên cạnh hai bố con nhiều chứ, song em ở nhà thì lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống. Vả lại lãnh đạo địa phương và công ty trên ấy họ tốt lắm, tạo mọi điều kiện cho công nhân được xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng covid và lo chỗ ăn nghỉ để chúng em yên tâm làm việc. Giờ bỏ việc ở nhà chẳng phải mình đã phụ tấm lòng của mọi người sao. Bỏ việc, dây chuyền sẽ vận hành thế nào. Em tin chúng ta sẽ sớm dập dịch thành công bố nó ạ! - Hạnh giãi bày cùng Long rồi ôm chặt con vào lòng.
Long thấy vợ nói có lý đành chấp nhận, ít ra là trong bối cảnh này. Long từng là một đầu bếp giỏi có tiếng đất Hà thành, những mong thay đổi cuộc đời, Long bỏ nội đô về quê mở quán ăn. Những ngày đầu khách nườm nượp, Long tha hồ khoe tài ẩm thực tinh tế của mình. Ai ngờ, sau một thời gian làm ăn thuận lợi thì dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành. Thực hiện lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, nhân viên xin về quê nghỉ tránh dịch, Long phải đóng cửa quán. Giờ Long thất nghiệp, nhìn vợ tảo tần, lòng anh đớn đau và thất vọng.
- Thôi thì theo ý mẹ cu Phúc vậy! Em cứ yên tâm đi làm, ở nhà đã có anh và mẹ. Anh chỉ lo cho em thôi.
Trong gieo neo cuộc sống ngày dịch, Hạnh mới thấm thía tình nghĩa vợ chồng. Giờ chị thấy yêu chồng nhiều hơn cả những ngày hai đứa hẹn hò. Cái tình yêu ấy giờ đây cao cả lắm bởi đó là sự chan hòa của nghĩa phu thê, tình mẫu tử và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Chương trình “Chuyển động 24h” đang phát lúc 18h 30 phút trên kênh VTV1 như thúc giục Hạnh.
- Đưa mẹ bế cu Phúc cho, con vào chuẩn bị mà đi làm cho kịp giờ. Cứ yên tâm, ở nhà mẹ sẽ chăm sóc chu đáo cho cu Phúc. Xưa, vất vả trăm bề, một tay mẹ vẫn nuôi lớn 4 anh em thằng Long đấy. - Mẹ chồng Hạnh nhẹ nhàng nói.
- Con cảm ơn mẹ. Hơn chục ngày ở trên đó, mọi việc trong nhà con trông cậy tất cả vào mẹ và anh Long. Hết dịch con lại đi đi về về để chia sẻ việc nhà và chăm sóc cháu Phúc, đỡ đần mẹ sớm chiều…
Nói rồi, Hạnh đưa con cho mẹ chồng bế. Cu Phúc ngủ ngon trên tay bà nội bởi vừa được uống dòng sữa ngọt ngào. Từ dòng sữa ấy, nay mai thôi, Phúc sẽ khôn lớn, trưởng thành. Hạnh bịn rịn quàng tay ôm con và ôm cả mẹ chồng. Hai người đàn bà cùng thổn thức trong niềm thương thiên thần bé nhỏ.
- Con chào mẹ, con đi làm ạ. Phúc ở nhà với bà và bố Long ngoan nhé…
Long dắt chiếc xe máy ra sân giúp vợ. Đồ đạc đã được anh chất lên xe. Túi quần áo, chiếc quạt điện nhỏ, thùng mì tôm... Cũng như bao buổi Hạnh đi làm ca đêm, nhưng sao hôm nay Long thấy bịn rịn thế, chẳng khác nào cảnh xưa vợ tiễn chồng đi chiến trận. Nay thì ngược lại, chồng thấp thỏm nhìn theo cái bóng dáng bé nhỏ mảnh mai của vợ khuất dần con ngõ. Bóng tối lấp đầy sau lưng Hạnh và giăng đầy ánh nhìn của Long.
Ra khỏi con ngõ nhỏ của làng quê là quốc lộ bề thế nối liền Hà Nội - Vĩnh Phúc. Con đường này Hạnh đã đi lại hơn hai năm rồi, nhưng hôm nay sao chị thấy lạ quá…
Phía trước là chốt kiểm dịch thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Hạnh dừng xe, theo hướng dẫn của một anh cảnh sát giao thông, chị ghé vào khu khai báo y tế. Sau khi test nhanh Covid cho kết quả an toàn, Hạnh bước ra xe, bỗng như có gì níu kéo chị. Quê hương? Gia đình? Hay đôi mắt ngây thơ của cu Phúc đang khao khát vòng tay và dòng sữa mẹ. Ngực Hạnh nóng ran, những tia sữa ùa về căng tức, thấm ướt áo. Hạnh nhìn xa xăm về phía cuối con đường nơi có con ngõ nhỏ dẫn về mái ấm của mình mà như có thêm động lực. Chị gạt chân chống xe, ngồi lên, nổ máy, tiếp tục tiến về phía công ty với niềm tin cháy bỏng. Mười bốn ngày thôi mà, rồi dịch sẽ qua đi, Hạnh lại thong dong ngày hai lượt đi về trên con đường thân thuộc, con đường nối hai mái ấm của chị: Ngôi nhà cấp bốn bình dị và công ty nghĩa tình.
Phía trước, trên bầu trời cao rộng nhìn về hướng huyện Bình Xuyên, lấp lánh những vì sao sáng...
 
T.Q.T

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc