NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG
Tháng 7 năm 2021, Hội VHNT Vĩnh Phúc thực hiện chương trình “Đầu tư chuyên sâu tác phẩm Văn học, Nghệ thuật” cho hội viên đăng ký tác phẩm vào sáng tác ở Nhà Sáng tác Vũng Tàu, gồm có: Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, hoạ sĩ Ngô Dũng và tôi.
Theo sự phân công, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung làm trại trưởng, họa sĩ Ngô Dũng và tôi là trại viên. Với tôi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung là gương mặt quen thuộc, vì ông nguyên là Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc và đang cùng tôi sinh hoạt trong chi hội “Nhà văn Việt Nam tại Vĩnh Phúc”. Riêng họa sĩ Ngô Dũng là khuôn mặt tôi biết mà không quen. Quả thực vậy, nếu không có chuyến đi này thì Ngô Dũng và tôi chỉ là hội viên cùng Hội. Phần vì chuyên ngành của tôi và Ngô Dũng hoạt động không cùng “mảng miếng’; phần nữa, không biết có phải do đặc thù nghề nghiệp, vẻ mặt mô phạm vì nhiều năm giảng dạy chuyên ngành họa ở Trường Văn hoá Nghệ thuật Vĩnh Phúc, mà mỗi khi nhìn ai, đôi “đồng tử con ngươi vàng” của Ngô Dũng phát ra luồng tinh chiếu chòng chọc, tìm tòi, vạch vòi… tưởng chừng như đang cố “đào bới”, “moi móc” bật ra thứ thần thái khuất lấp trong tâm hồn “người mẫu” để rồi vung cọ… vẽ.
Quả thật ban đầu tiếp xúc với Ngô Dũng, tôi chờn chợn mặc dù chẳng có nguyên cớ gì. Nhưng sau đôi, ba ngày ở cùng một nhà, bữa bữa ngồi chung mâm, chén tạc, chén thù nâng lên, hạ xuống, ôn cố tri tân rồi cũng quen. Ánh mắt của Ngô Dũng vẫn vậy, nhưng các bức phác họa kéo tôi lại gần anh. Thú thật, tôi rất dốt môn thủ công, điều đó kiểm chứng từ hồi còn học phổ thông, chưa bao giờ giáo viên chấm “tác phẩm” nào của tôi vượt quá điểm 3 thang 10. Cô giáo ra đề bài vẽ con chó, thì tôi vẽ con thú tổng hợp bao gồm chân ngựa, lưng bò, mắt lợn, tai lừa… Còn nặn quả đu đủ tôi hì hụi nhào đất sét, nặn, đắp, vỗ… mà đến khi nộp, cô giáo cũng chẳng biết đó là quả gì… Vậy mà khi đứng trước những phác thảo của Ngô Dũng, tự nhiên tôi lại thấy tò mò thinh thích. Tuy rằng những bức phác họa ấy còn sơ khai nhưng cứ nhìn cách làm việc đến độ “quên cả trời, cả đất và thời gian” của họa sĩ khiến tôi bị lôi cuốn. Vì vậy cứ khi nào gõ bàn phím mỏi tay, nghĩ ngợi mệt óc, tôi lại mò sang “xưởng vẽ” của họa sĩ để ngắm.
Gọi “xưởng” cho tiện, chứ thực ra đó là phòng ngủ. Để dễ bề làm việc, Ngô Dũng đẩy giường vào một mé, thu dọn mọi thứ vào một góc rồi “bày biện“ đồ vẽ của mình ra. Tôi nhớ hôm khai mạc, trại viên báo cáo đề cương, họa sĩ Ngô Dũng đăng ký khai thác 10 phác họa chủ đề biển, đảo vào tháng 7, tháng có sự kiện “Đền ơn, đáp nghĩa”. Một khối lượng đồ sộ so với thời gian 30 ngày tiêu chuẩn chưa trừ những hôm còn phải đi thực tế. Tôi và nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung thì tạm ổn, vì bản thảo sẵn, chỉ sửa ngữ pháp, câu cú và hoàn thiện. Nhưng họa sĩ Ngô Dũng thì khác. Ngoài giá vẽ, vải, giấy, toan, bút, cọ, màu mè và một tập nháp họa bằng chì thì chưa có bức phác thảo nào. Mà lạ, chẳng có bức nào Ngô Dũng phác một mạch. Cái nào cũng dở dang, thậm chí có nhiều bức với tôi thấy đẹp, vậy mà anh lại bỏ, vo viên ném vào sọt rác, vẻ mặt thẫn thờ... Những lúc như thế, tôi thấy Ngô Dũng lại lang thang ra biển, ngắm nghía, dùng điện thoại chụp núi non, biển, đảo, con người, tàu thuyền, phong cảnh để rồi đêm đêm lại xoay trần ra “đánh vật” với… vẽ. Cứ thế… cứ thế… rồi những bức phác họa hình thành dần, trộn với trăm ngàn giọt mồ hôi rịn ra trên tấm lưng trần của họa sĩ, mà thoạt nhìn không khác chi với làn da đen bóng của những người thợ đánh cá trên biển Vũng Tàu.
Thoạt tiên, gợi cho tôi là bức phác thảo “Biển”. Một đề tài không mới dành cho tất cả các loại hình nghệ thuật… Nhưng điều đáng nói ở đây là Ngô Dũng đã dụng công có ý dùng chất liệu sơn khắc để thể hiện. Theo như tôi được biết, loại hình sơn khắc có truyền thống xuất xứ từ lâu, nhưng ngày càng bị mai một, ngại làm, bởi khi thực hành không dễ vì vừa mang tính đồ họa, vừa khổ công chạm, khắc tỉ mỉ, đầu tư lâu thời gian, chứ không theo kiểu “mì ăn liền” như các chất liệu khác. Đã khó thế, vậy mà còn phải làm sao cùng với những tiểu tiết biểu trưng nhằm lột tả được chủ đề tư tưởng, nêu bật tầm vóc vĩ mô và mĩ cảm, cũng như sự hoành tráng của thiên nhiên; cộng hưởng lại như một thứ thanh âm đặc hữu thông qua thị giác làm rung động trái tim người xem, qua đó thẩm hiểu được dụng tâm sáng tạo và khả năng tinh lọc giàu cảm xúc của tác giả mà vẫn chan hòa với phong vị quê hương, dân dã.
Rất vui, họa sĩ Ngô Dũng đã thể hiện được những nét cơ bản chủ đề tư tưởng của mình trong phác thảo “Biển” (tất nhiên đó là thị thấu riêng của người viết bài này cùng với tính chất của tác phẩm ở thời kỳ còn thai nghén). Nhưng dù vậy, “Biển” khiêm nhường trong khuôn khổ bức vẽ khổ 120 x 180 cm với những nét phác thảo đa diện, đa sắc ban đầu đã cho tôi thấy tâm thế bao la, rộng lớn không chỉ ở thiên nhiên mà còn là sức vóc mạnh mẽ, cuồn cuộn của trí lực con người… không chỉ là con người đơn nguyên, mà là nhiều thế hệ kế tiếp, trùng trùng, lớp lớp tựa từng đợt sóng thủy triều đại diện cho sức mạnh mênh mông, bao la rộng khắp của biển cả, vừa tự nhiên vừa nhân bản.
Vốn không am hiểu hội họa, song từ bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và cảm nhận tinh tế của Ngô Dũng đến những họa tiết biểu đạt độ nhấn nhá trên bức vẽ, cho tôi nhận biết ngoài tính nghệ thuật, thì chân lý cuộc sống cũng được họa sĩ dụng tâm lồng ghép vào những chi tiết. Đó là thứ chân lý truyền thống, tồn tại nối dài theo năm tháng, chất chứa theo từng nấc thang suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước. Phác họa “Biển”, xen đan những gam màu trầm, ấm vàng, nâu… tạo thành mối liên hoàn hòa hợp giữa trời cao - đất rộng - biển cả bao la - núi non hùng vĩ - rừng xanh bát ngát và con người cùng những lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió trên những mũi thuyền nhọn hoắt, hiên ngang, bất khuất, trùng trùng, điệp điệp như cọc gỗ Bạch Đằng giang một thuở.
Khác với bối cảnh của “Biển”, phác thảo “Mặt trời Côn Đảo” lại lấy tông huyết dụ làm nền. Ban đầu, tôi nghĩ Ngô Dũng muốn đặc tả cảnh hoàng hôn. Nhưng khi ngắm kỹ và nghĩ sâu, tôi chợt hiểu ra ý ẩn của anh. Vệt mây tượng hình thiên long vùng vẫy trên bầu trời lóng lánh sắc vàng, lồ lộ khoảng sáng dìu dịu màu thiên thanh vươn dài lên phía đầu rồng và “nhãn long” được hình tượng hoá thành mặt trời tròn vạnh, quang chiếu xuống vùng biển đảo ngập tràn trong huyết sắc… chất chứa bao câu chuyện tâm linh huyền kỳ, bi hùng về những người cộng sản theo suốt chiều dài lịch sử.
Viết đến đây tôi chợt nhớ buổi vào Vũng Tàu được một ngày, mấy anh em rủ nhau đi tàu ra Côn Đảo vào nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ các Anh hùng liệt sĩ. (Hôm ấy Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung chưa vào vì còn bận công việc ở Đà Nẵng). Theo như người dân ngụ cư trên đảo, thì dường như suốt 365 ngày trong năm chưa bao giờ nghĩa trang Hàng Dương một ngày vắng người. Quả vậy, hơn 6 giờ sáng xe chở chúng tôi đến đã có nhiều đoàn người đến trước; khói nhang bảng lảng trong màn sương sớm, quấn quýt vào rừng cây trầm ảo, tạo sự linh thiêng huyền bí. Phần mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu rực rỡ sắc hoa, nghi ngút khói hương, từng làn khói màu lam quyện vào nhau chảy dài mượt suôn như mái tóc người thiếu nữ.
Chúng tôi đặt hoa tưởng niệm, bày lễ, thắp nhang trên hương đài chung của nghĩa trang rồi đi viếng mộ. Trong lúc tôi cùng nhà thơ Hải Thanh đi cắm hương thì họa sĩ Ngô Dũng lại “tách đoàn” loay hoay tìm cảnh chụp ảnh. Nhà thơ Hải Thanh nói với tôi: Cánh “thợ vẽ” thế đấy, đến đâu cũng chỉ lần mò tìm mẫu. “Hắn” còn hẹn 12 giờ đêm nay sẽ ra chụp cận cảnh làm lễ cầu siêu ở mộ Cô Sáu. Và đúng như vậy, hơn 10 giờ đêm tôi đau chân, nhà thơ Hải Thanh bận duyệt bài nên ở nhà; một mình Ngô Dũng hì hụi xách đồ đi bộ ra nghĩa trang. Khoảng 3 giờ sáng anh về cho chúng tôi xem cờ-líp và ảnh. Quả thực, sự huyền diệu và thiêng liêng trong đêm ở nghĩa trang Hàng Dương rực rỡ trang nghiêm mang màu sắc tâm linh vô cùng vi diệu. Hàng trăm ngọn nến, hàng ngàn đốm lửa tàn nhang lập loè như những con mắt thao thức lung linh lấp lánh cả một vùng linh địa.
Qua đó tôi hiểu vì sao những bức phác họa ở Côn Đảo của Ngô Dũng mang đặc trưng màu lửa. Dường như ánh lửa thiêng đêm ấy đã hòa nhập vào tâm khảm người họa sĩ, khơi nguồn, tạo hứng cho những phác họa tìm về lớp trầm tích một thời đau khổ vì tù đày, tra tấn, nước mắt buồn thương của sinh ly tử biệt… Trong thương đau quằn quại mà vẫn hừng nên sức sống mãnh liệt hào hùng của bao linh hồn dù chết vẫn không buông rời lý tưởng… Và chính lý tưởng ấy đã khơi nguồn sáng tạo cho các văn nghệ sỹ thể hiện vào văn chương, thơ ca, nhạc, họa… Và mừng sao, vào tháng 7 lễ trọng này, đoàn chúng tôi có họa sỹ Ngô Dũng đã tham góp thêm một chút lòng thành qua những nét phác thảo ươm mầm cho những tác phẩm tương lai.
Tôi không phải là nhà phê bình hội họa. Tôi chỉ là “người trần mắt thịt” chiêm ngưỡng cái đẹp và nhận biết theo cảm tính, vì vậy sẽ không “ngượng” khi mạnh dạn viết lại những ý nghĩ của mình. Và mong bài viết này là món quà vào dịp sinh nhật lần thứ 64 của họa sỹ Ngô Dũng. 64 tuổi - “Lục thập an lão chi” (thơ Đỗ Phủ). Nhưng với sự nghiệp của những người được thiên phú cho chức năng sáng tạo có bao giờ yên chí ngồi hưởng tuổi già đâu. Họa sĩ Ngô Dũng cũng không là ngoại lệ. Được lao động, được hoạt động không chỉ là nhu cầu, mà là sự giải toả. Chả thế khi tôi đến thăm “nông trường” của anh nằm trên đường đi Yên Lạc. Mô hình “vườn - ao - chuồng” đủ các loài cây. Từ cây ăn quả như: bưởi, cam, chuối, đu đủ, khế, na… đến các loại rau sạch: muống, bầu, bí, mướp, cà, thiên lý, su su… Thậm chí còn có dăm mẫu ruộng lúa đang xanh mướt trổ đòng… Đặc biệt, nằm dọc trên bờ 3 khu đầm thả cá, Ngô Dũng trồng 207 cây mít tố nữ đến thì trĩu quả… Ngoài ra, còn có lều chăn nuôi gia súc (lợn, gà, ngan, vịt, ngỗng…) đông đàn dài lũ, hễ thấy người vào là nghển cổ kêu râm ran…
Chỉ lược kể như thế đã thấy công việc đồng áng, vườn tược, chăn nuôi bận bịu thế nào rồi. Vậy mà Ngô Dũng vẫn không buông hội họa. Trong 3 ngôi nhà ở vườn Ngô Dũng dành hẳn một ngôi nhà để làm xưởng vẽ. Đấy là chưa kể xưởng vẽ ở số 9, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên là nơi thứ bảy, chủ nhật thầy Dũng bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn hội họa cho các em học sinh chuẩn bị thi môn năng khiếu vào các trường chuyên nghiệp.
Qua chuyến đi Vũng Tàu, may mắn tôi được quen với họa sĩ Ngô Dũng. Và còn may cho tôi hơn, sau một tháng về, Ngô Dũng đã gửi tặng bức vẽ chân dung tôi. Họa sĩ còn đóng khung, lồng kính, cẩn thận ký và đề tặng kỷ niệm rất trân trọng. Chi tiết ấy phần nào đã nói lên tình cảm chân thành của họa sĩ với nhà văn. Và đó cũng là cảm hứng cho tôi viết bài viết này, xem đây là món quà tinh thần, mừng sinh nhật lần thứ 64 của họa sĩ Ngô Dũng với tình cảm tâm thành, chân ái.
N.N.H.P