Tất cả đều cần
Ngày đăng: 20/05/2025; 30
Truyện ngắn
LÃ THẾ KHANH
 
        Khi Ngọc về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Huy Hoàng thì lão Ổn đã giữ “chân” bảo vệ ở đây được mười năm có lẻ. Mười năm với ba nghìn sáu trăm ngày đủ để lão thuộc từng thân phận, cá tính, khẩu vị… của 45 con người trong hội đồng giáo dục nhà trường. Với trí nhớ hơn người, lão còn thuộc tên, nắm rõ gia cảnh của khá nhiều học trò, nhất là những trò con nhà đại gia hay được đưa đón bằng ô tô xịn đến trường…
          Cậy là bảo vệ có thâm niên, lại có tí “ô dù” che chắn nên lão Ổn rất hách dịch và cứng nhắc. Đa phần phụ huynh khi có việc phải tiếp xúc với lão đều khó chịu. Giáo viên trong trường cũng không ít người phàn nàn về cách nói năng, ứng xử của lão, song họ đều “mũ ni che tai” cho lành, chẳng ai muốn dây vào lão. Phần vì lão không cùng nghiệp, phần họ lo xa hơn là nhỡ đến tai người nhà lão (cái người giữ chức kha khá trong ngành giáo dục - như lão thường khoe) thì không sứt đầu cũng mẻ trán… Thành ra dư luận chỉ bâng quơ: “Sao ban giám hiệu lại nhận người như thế làm bảo vệ nhỉ! Người này mà có tí chức thì không biết sẽ như thế nào”.
          Một hôm, có bà phụ huynh nhờ lão chuyển giúp bộ quần áo đồng phục vào cho cháu đang học ở trường thì lão Ổn kiên quyết từ chối. Chả biết hai bên lời qua tiếng lại thế nào, vừa đẩy bà phụ huynh ra khỏi khu vực cổng trường, lão Ổn vừa ráy rỉa:
           - Có mỗi bộ quần áo của con mà cũng quên. Chắc là sáng bảnh mắt mà các vị vẫn còn hú hí chứ gì? Tôi có phải ô sin nhà bà đâu? Trách với móc, vớ vẩn! Nhỡ lúc tôi giúp cháu bà có thằng trộm nào nó lẻn vào nhà trường thì ai chịu trách nhiệm. Thôi biến! Biến! Nơi cổng trường là cấm có tụ tập tranh cãi.
          Đúng lúc hai người đang giằng co thì một chiếc Lexus màu đen mới cứng trờ tới, dừng lại trước mặt lão Ổn. Bỏ mặc người đàn bà vừa đôi co, lão Ổn nhào đến bên phía lái xe rồi cong gập người xuống:
        - Anh! Anh có việc gì cần em ạ?
        - Chuyển cho con bé nhà tôi bộ quần áo tập thể dục này, sáng nay bà giúp việc đưa nó đi học để quên. - Người đàn ông lái chiếc Lexus tuổi chỉ trạc con đầu lão Ổn, mặt lạnh tanh, vừa nói vừa ấn cái túi vải về phía lão.
           Gập người xuống thấp hơn lần đầu, lão Ổn rối rít:
           - Anh yên tâm, em sẽ đưa cháu ngay bây giờ. Mà lần sau cháu nó có quên thì anh cứ bảo ô sin cầm ra đưa em là được, sao anh phải đích thân tới làm gì cho mất thời giờ.
           - Cho ô sin ra để ông lại đuổi họ ồi ồi à! Lần trước bà ấy chả bị ông mắng mất mặt đấy thây!
            - À… tại vì cô ta không giới thiệu, chứ nói là người ở của nhà anh thì có ăn gan giời em cũng không dám. Anh tính, một ngày mà có dăm bảy phụ huynh bắt em phải leo lên nhà tầng đưa cho con cháu họ thứ này thứ khác thì em có mà còn bộ xương. Anh cũng phải thông cảm cho công việc của em chứ!
          - Thì đấy là tôi nói thế thôi chứ can thiệp gì vào công việc của ông - Người lái xe Lexus gằn giọng - Mà này, ông đừng xưng em với tôi như thế. Tuổi ông đáng bậc cha chú tôi, họ hàng lại chả phải, ông xưng hô thế ai nghe được người ta lại đánh giá bảo tôi là kẻ hợm tiền.
           - Dạ, dạ! Anh nói thế thì em tiếp thu. Nhưng… quả thật gặp những người như anh mà cứ xưng hô tôi, tôi… thì em thấy nó không phải phép lắm ạ, thành ra… quen mất rồi!
          Chiếc Lexus rời đi từ lúc nào. Bà phụ huynh hơn lão Ổn đến chục tuổi cũng đã bậm bục cầm bộ đồng phục của cháu gái ra về, lão Ổn chẳng còn ai để cãi vã bèn quay vào bốt gác châm thuốc hút, phả khói lên trời mù mịt, vẻ mặt rất mãn nguyện. Chừng mươi phút sau, lại một chiếc ô tô Vios trờ tới, dừng sát mé đường cạnh cổng trường. Liếc nhìn chiếc xe màu bạch kim và biển số, lão Ổn nhận ra đây là xe của Hoàng Hồng Ngọc - người vừa kế nhiệm hiệu trưởng cũ nghỉ chế độ. Vứt vội điếu thuốc lá đang hút dở vào góc nhà, lão lao ra mở cổng trường. Nhưng đúng lúc đó người phụ nữ trên xe bước xuống đưa cho lão một cái túi gì đó, rồi nhỏ nhẹ:
- Bác không phải mở cổng, cháu để xe chỗ khác được mà. Hiện đang là giờ học, xe vào trường sẽ làm các lớp bị ảnh hưởng. 
          - Nhưng cô là hiệu trưởng sao phải ý tứ thế. Bà hiệu trưởng trước cô thì bất kể lúc nào bà ấy đi về là em đều phải mở cổng ngay! - Lão Ổn sốt sắng phân trần.
          Nở một nụ cười thông cảm, Hồng Ngọc nói đủ để lão Ổn nghe:
          - Theo bác thì cháu có nên hành xử như thế không? Chắc là không nên chứ gì. Những quy định cũ mà giờ thấy không còn hợp lý nữa thì bác cháu mình phải nghiên cứu để sửa đổi chứ ạ.
           Nói rồi Hồng Ngọc đánh xe về phía một bãi đất trống cách xa trường. Trước khi đi, cô không quên vẫy tay chào lão Ổn với một thái độ rất thiện chí và gần gũi.
          Trở về bốt bảo vệ, lão Ổn bặm môi nghĩ ngợi: “Có mỗi chuyện ra vào cổng trường mà cũng mỗi thời mỗi khác. Đúng là người đời nói cấm có sai, tân quan tân chế độ. Cái bà Bân (hiệu trưởng vừa nghỉ chế độ) ấy à, bất biết là giờ học hay giờ nghỉ, xe bà ấy mà vào trường là phải mở ngay, chậm một phút là chết với bà ấy. Còn cái cô Hồng Ngọc này, nếu không giới thiệu thì chắc không ai biết cô ấy là hiệu trưởng. Ăn nói thì nhỏ nhẹ, khiêm tốn lại còn rất ân cần, làm mình đến phát ngại”. Nhưng rồi lão lại tự phán đoán: “Cũng phải thôi! Mới chân ướt chân ráo nên chắc phải giữ gìn “thương hiệu”. Rồi đấy mà xem, khéo được ba bảy hai mốt ngày thì lại quá cái bà Bân ý chứ”.
          Nhưng lão Ổn chưa kịp đợi tới hai mươi ngày thì hội đồng giáo dục của nhà trường đã họp để bàn về kế hoạch triển khai năm học mới, trong đó có một nội dung cần bàn, đó là, có nên tìm người khác để thay lão Ổn làm bảo vệ nhà trường không.
         Sau khi nghe một số giáo viên nhận xét về thái độ, kết quả làm việc của lão Ổn, Hồng Ngọc kết luận:
         - Các đồng chí có nhất trí với tôi rằng ở nhà trường thì từ hiệu trưởng tới người lao công, bảo vệ đều quan trọng như nhau. Xã hội phân công mỗi người một việc, nếu hoàn thành tốt trách nhiệm thì ai cũng được tôn vinh. Tôi không giáo điều đến mức đòi hỏi người làm bảo vệ cũng phải có bằng cấp như người dạy học, song về nhân cách, ứng xử văn hoá với cộng đồng thì cũng cần như một người thầy. Môi trường của chúng ta là môi trường sư phạm, môi trường văn hoá, mọi hành vi, lời nói, một dòng chữ viết lên bảng, thậm chí cả cái biển chỉ dẫn cho học sinh, phụ huynh ngoài cổng trường… đều phải rất mô phạm. Những điều đó sẽ tác động không nhỏ tới việc hình thành nhân cách của học trò. Còn với phụ huynh thì khi họ mục sở thị những điều đó, họ sẽ có thiện cảm, có lòng tin vào một nơi mà họ gửi gắm để dạy dỗ con cái họ thành người tử tế. Do vậy, xét ở một phạm trù nào đó, người làm công tác bảo vệ nhà trường cũng có vị trí như một thầy giáo, đặc biệt là cũng cần, thậm chí rất cần những tiêu chuẩn đạo đức của người đứng trên bục giảng. Bởi họ là người đầu tiên tiếp xúc với học trò, để lại cho học trò ấn tượng mới trong ngày khi các em tới trường, đúng không các đồng chí. Mặc dù mới về nhận công tác trường mình chưa lâu, nhưng tôi thừa nhận ở góc độ giữ gìn trật tự thì bác Ổn làm được, thậm chí làm tốt, song về tác phong, đặc biệt là thái độ ứng xử với học trò, với các bậc phụ huynh khi họ có việc cần giao tiếp với nhà trường thì bác Ổn phải rút kinh nghiệm nhiều. Ai đời làm bảo vệ ở trường học mà toàn gọi các cháu học trò là thằng này, con kia… Đáng ngại hơn là khi tiếp xúc với phụ huynh thì bác ấy hay phát ngôn kiểu cá mè một lứa. Một số phụ huynh đã phản ánh trực tiếp với tôi như thế và chính tôi cũng đôi lần thấy như vậy. Các đồng chí đều biết rằng trong số phụ huynh có nhiều người đáng tuổi anh, tuổi chú của bác Ổn, của chúng ta đang ngồi ở đây, đó là chưa kể có nhiều vị đã từng giữ những chức vụ rất cao của nhà nước, vậy mà nhiều khi bác ấy cứ gọi trống không tất cả. Rồi còn một số chuyện khác nữa, ví như bác ấy không công bằng trong cách đối xử với phụ huynh mỗi khi họ có việc cần giúp đỡ. Làm bảo vệ nhưng lại phân biệt đối xử giữa những phụ huynh có điều kiện với những phụ huynh yếu thế… Nhưng thôi, tôi không nói sâu về chuyện này của bác Ổn thì các đồng chí cũng đều biết cả rồi… Chuyện về bác Ổn ta tạm dừng ở đây.
              Một nam giáo viên xen lời Hồng Ngọc: 
              - Đúng là hiệu trưởng! Vừa về trường đã nắm rõ mọi chuyện. Ai chứ cái ông bảo vệ này thì tai tiếng lắm hiệu trưởng ạ! Đến mấy bà bán rau ở ngoài chợ họ cũng biết. Họ còn rõ là nhờ vào bóng ai nên ông ấy mới tồn tại được ở cái trường này lâu như thế, chứ đằng thẳng ra thì ông ta phải bán xới khỏi trường từ lâu rồi.
              Khẽ mỉm cười, Hồng Ngọc kết luận:
             - Chuyện sắp xếp lại nhân sự bảo vệ xin phép các đồng chí để ban giám hiệu chúng tôi suy nghĩ thêm, giờ chúng ta giành thời gian để bàn về kế hoạch triển khai trong năm học này…
 
                                                                      ***
         
Không rõ thông tin từ đâu mà lão Ổn biết được hiệu trưởng mới có ý định xem xét lại nhân sự bảo vệ nhà trường. Chuẩn bị phong bì và một túi hoa quả, ngay tối đó lão Ổn đến nhà Hồng Ngọc. Vừa đi lão Ổn vừa ngẫm nghĩ trong đầu: “Chưa ngồi nóng chỗ mà đã đòi cấp dưới phải lễ bái. Muốn ăn oản thì cũng phải bình tĩnh mà chờ tới ngày rằm, mùng một chứ. Nhìn mặt mũi hiền lành, dễ gần thế, ai ngờ cũng khiếp ra phết. Thật là… Nhưng cứ đợi đấy, xem cô ta có dám đụng đến mình không”.
          Nhưng rồi lão Ổn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Không cần đợi lão trình bày, Hồng Ngọc đã nói ngay:
      - Cháu biết là thế nào bác cũng tới nhà. Song ban giám hiệu đã bàn về việc của bác đâu, nhưng thôi, bác đã tới rồi thì cháu trao đổi luôn. Nếu muốn tiếp tục làm việc ở trường thì bác phải thay đổi cách giao tiếp, ứng xử với phụ huynh và với cả học trò. Cháu hiểu công việc của bác rất vất vả, nhiều áp lực trong khi thu nhập thì chưa thật thoả đáng, nhưng không thể vì thế mà trút lên đầu học trò và các phụ huynh những lời lẽ khó nghe được. Đặt cương vị bác là phụ huynh có việc cần đến nhà trường mà lại bị bảo vệ xua đuổi như xua đuổi kẻ xấu thì bác nghĩ thế nào. Ai trong đời cũng ít nhất một đôi lần phải nhờ vả người khác. Phụ huynh học sinh bất đắc dĩ họ mới phải tới nhà trường để thăm nắm những việc liên quan tới con cháu họ. Mà khi tới trường, bác là người đầu tiên họ tiếp xúc, họ cần gặp, vậy mà bác lại từ chối với những lời lẽ, lý do rất khó cảm thông… Bác Ổn ạ, ngoài giờ hành chính cháu chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu của bác, song trong giờ hành chính thì cháu đại diện cho một cơ quan giáo dục, do vậy cháu không thể bỏ qua những hành vi, lời nói chưa được phù hợp với môi trường sư phạm. Quan điểm của cháu, đã làm việc trong nhà trường thì dù người đó là ai, hiệu trưởng hay cấp dưỡng, bảo vệ… cũng đều phải ứng xử chuẩn mực. Nói nôm na là rất cần có tình yêu thương học trò và tận tình giúp đỡ phụ huynh của các em mỗi khi họ cần tới mình giúp. Nói thật với bác nhé, phụ huynh khi lần đầu tới nhà trường, họ đâu có biết ai là giáo viên, ai là bảo vệ đúng không ạ! Do đó về bằng cấp, ban giám hiệu không yêu cầu bác phải có như giáo viên, song về giao tiếp, ứng xử thì bác cũng là một người thầy đấy! Bác đồng ý với cháu như thế chứ.
           Tuy chữ nghĩa không nhiều nhặn gì nhưng lão Ổn thấm thía những điều Hồng Ngọc vừa khuyên giải. Vốn là người nóng tính nhưng cũng cầu thị, lão Ổn liên tục gật đầu nhận lỗi. Ngập ngừng đặt túi quà về phía Hồng Ngọc, lão nói như van vỉ:
          - Sếp thông cảm! Em ít học nhưng những điều sếp vừa căn dặn em thấy chí lí lắm. Em xin hứa là ngay ngày mai sẽ thay đổi liền, miễn là sếp đừng đuổi việc em. Em có tí quà. Gọi là…
           Chưa kịp để lão Ổn nói hết câu, Hồng Ngọc đã cắt lời:
          - Bác làm thế này thì ngay ngày mai cháu sẽ cho bác nghỉ việc. Chứng tỏ những điều cháu vừa nói không nhập tâm bác tí nào. Bác Ổn ơi là bác Ổn! Điều cháu cần nhất ở bác là bác hoàn thành tốt công việc bảo vệ, bác được phụ huynh và các cháu học trò khen ngợi, thế là bác đã giúp cháu nhiều lắm rồi. Cũng chưa dám hứa với bác trước, song cháu sẽ bàn với ban giám hiệu và công đoàn nhà trường xem có cách nào để hỗ trợ thêm kinh phí cho bác. Làm bảo vệ 12 giờ trong ngày như bác mà hưởng mức thù lao như thế thì cũng thấp thật, trong khi bác gái lại đau yếu triền miên, ba em con nhà bác thì hai em vẫn đang đi học, chưa giúp bác được gì nhiều phải không ạ?
          Trố mắt nhìn Hồng Ngọc, lão Ổn vừa ngạc nhiên vừa xúc động:
- Sếp… sếp mới về trường mà sao đã rõ hoàn cảnh nhà em thế.
- Cháu còn biết rõ cả mối quan hệ của bác với sếp của cháu nữa cơ đấy - người đã xin cho bác vào làm bảo vệ ở trường này ấy mà. Chả giấu gì bác, anh ấy cũng là bạn thân của cháu đấy, nhưng với cháu thì chuyện nào ra chuyện đó, nhất là trong công việc. Bác thông cảm cho cháu nhé!
          Nhìn cô hiệu trưởng tuổi chỉ hơn đứa con đầu của mình chút đỉnh, lão Ổn tâm phục khẩu phục lắm: “Thảo nào mới ít tuổi thế mà đã được làm hiệu trưởng! Thảo nào mà cấp trên lại chọn mặt gửi vàng, cho cô ấy về làm lãnh đạo một cơ sở giáo dục khó nhằn như cái trường này. Lớp trẻ bây giờ nhiều người giỏi thật, nhất là những người được xã hội tôn vinh gọi là THẦY”.
          Trở về nhà, lão Ổn thấy phấn chấn lạ thường. Chợt nhớ ra chiều nay có mấy phụ huynh đến trường khi gặp lão đều chào là thầy giáo, lão thấy rất hãnh diện. Ừ, cứ cho là họ nhầm nhỡ đi nhưng sự nhầm nhỡ ấy chỉ có thể xảy ra ở địa phận nhà trường thôi chứ. Rồi liên tưởng đến những điều cô hiệu trưởng vừa trao đổi tại nhà riêng, lão Ổn lại càng thấy chí lí: Trong nhà trường, dù cương vị, công việc của mỗi người có khác nhau, hoàn cảnh sống thậm chí rất cách biệt… thì có một mẫu số chung cần cho mọi người, đó là nhân cách THẦY GIÁO!
                                                                                          L.T.K
                                                 
                                       
 
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc