Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Ngày đăng: 22/01/2024; 371
ĐỖ MẠNH HÀ
 
Huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tươi đẹp, giàu trầm tích văn hóa còn lưu giữ được một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, trong đó có lễ hội chọi trâu Hải Lựu.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một lễ hội nông nghiệp dân gian truyền thống có sức lan tỏa mạnh mẽ (lễ hội vùng) được diễn ra thường niên tại Kẻ Nội, tức xã Bạch Lưu Hạ, thuộc tổng Bạch Lưu, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây xưa, nay là xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu cũng như các cổ tục sát sinh hiến tế của người Việt, bản chất là lễ hiến sinh của tục cầu mùa -­ một nghi lễ truyền thống phổ biến của cư dân trồng lúa nước. Lấy trục không gian là núi Nghĩa Lĩnh, xã Hải Lựu cùng các vùng bên tả là thuộc khu vực bên Đông (Núi Tam Đảo), bên Tây là núi Ba Vì; trong xã Hải Lựu còn lưu truyền câu nói “Đông lân sát ngưu, Tây lân thuộc tề” (Bên Đông phải giết bò nước (trâu) để tế lễ, bên Tây tế lễ đơn giản hơn). Tuy nhiên chỉ có Bạch Lưu Hạ - Hải Lựu mới có cổ tục chọi trâu, cùng là sát sinh, sát ngưu hiến tế, nhưng đấu xong mới sát.
Theo những ghi chép trong thư tịch cổ và các bản ngọc phả đời Lê Trung hưng, mục “Phong tục” trong sách Đạo Nam nhất thống chí đời Nguyễn, sách Đồng Khánh dư địa chí và gần nhất là Địa chí tỉnh Vĩnh Yên cùng với truyền thuyết dân gian lưu truyền thì lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu xuất hiện từ thế kỷ II trước Công nguyên (TCN) nghĩa là cách ngày nay khoảng 2.200 năm, vào đầu thời kỳ Bắc thuộc. Khi đó, tướng Lộ Bác Đức nhà Hán đem quân xâm lược nước Nam Việt của Triệu An Dương Vương. Thừa tướng Lữ Gia (? - 111 TCN) quê gốc xứ Nghệ An, là một tướng tài của triều đình đã rút khỏi kinh đô Phiên Ngung (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) về xây dựng căn cứ kháng chiến ở núi Long Động (nay thuộc huyện Sông Lô) chống lại quân Hán xâm lăng trong hơn 10 năm trời, từ 124 - 111 TCN). Suốt thời gian này, thừa tướng Lữ Gia đã lãnh đạo các thổ hào và Nhân dân đánh cho quân Hán nhiều trận thất điên bát đảo. Tiêu biểu nhất, lớn nhất là trận đánh trên sông Lô năm 111 TCN. Sau khi mất, ông được dân các làng Bạch Lưu Hạ, Hải Lựu tôn làm thành hoàng làng, đời vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong tặng ông mỹ tự “Áp quốc bảo thiên chiêu, ứng chí dũng đại vương”.
Chuyện xưa kể rằng, để động viên tinh thần binh sĩ và Nhân dân khi thắng trận, thừa tướng Lữ Gia đã mở ra trò đấu ngưu rồi cho mổ trâu khao quân sĩ. Từ đó dần trở thành tục hội truyền thống của địa phương.
Nói về xuất xứ lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, truyền thuyết dân gian còn kể rằng: Vào một buổi sáng tinh sương, trên bến sông Lô, người dân bỗng thấy xuất hiện hai con trâu trắng khổng lồ đánh nhau rất dữ dội không phân thắng bại làm náo động cả một vùng. Dân làng gọi nhau ra xem rất đông. Hai con trâu trắng đánh nhau quyết liệt rồi cùng nhảy xuống sông biến mất. Nơi diễn ra trận đánh của hai con trâu trắng dân gian gọi là bến Ảnh, còn làng được gọi tên là “Bạch Ngưu” (để nhắc nhớ về tích truyện trâu trắng xa xưa). Về sau, để kiêng húy, dân làng gọi chệch, nói trại đi thành Bạch Lưu.
Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu có lịch sử phát triển chia thành ba giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất là thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến năm 1947. Đây là giai đoạn hình thành và phát triển lâu dài của lễ hội.
- Giai đoạn thứ hai tính từ năm 1947 đến năm 2002, đây là giai đoạn lễ hội tạm dừng do yếu tố lịch sử.
- Giai đoạn thứ ba là từ năm 2002 đến nay, là giai đoạn lễ hội được phục dựng và phát triển với quy mô ngày càng hoàn chỉnh.
Ngày xưa lễ hội chọi trâu làng Bạch Lưu Hạ được tổ chức làm hai đợt với số lượng từ 16 đến 20 trâu. Đợt 1 tổ chức chọi trâu vào ngày 28 tháng Chạp năm trước, đợt hai vào ngày 17 tháng Giêng năm sau tại sân đình Kiêng ở thôn Gò Dùng. Nơi đây có bãi đất rộng, bằng phẳng, cũng là nơi diễn ra lễ Hạ điền cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi vào dịp đầu xuân của dân trong làng ngoài xã Hải Lựu.
Để chuẩn bị cho ngày hội, từ trước đó, làng quy định mỗi suất đinh trong làng phải đóng góp 10 chiếc cọc gỗ hoặc cọc tre, gọi là cọc thạc, để dựng hàng rào bao quanh sới chọi trâu, đảm bảo an toàn cho người xem hội. Mỗi chiếc cọc thạc dài khoảng 2,5m, đường kính từ 8 - 10cm. Cọc được chôn sâu từ 40 đến 60cm, khoảng cách giữa cọc nọ với cọc kia được áng sao cho vừa phải, liên kết giữa các cọc với nhau bằng hai hàng sáo nẹp trên và dưới, phía ngoài bờ rào còn gia cố thêm những chiếc cọc chống để rào chắn thêm vững chắc. Sới chọi trâu được bố trí hai cửa, đưa trâu chọi vào sới ở hướng Tây và hướng Đông gọi là cửa Tây và cửa Đông. Nhân dân đứng xem phía ngoài rào chắn. Do biến cố lịch sử, đặc biệt là ảnh hưởng chiến tranh, đến nay ngôi đình Kiêng không còn nữa.
Phần lễ và phần hội trong hội chọi trâu ngày xưa đan xen lẫn nhau và trải dài từ tháng Tám âm lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau.
Để có trâu chọi, khoảng từ giữa năm trước, người nuôi trâu phải chọn tìm trâu, đưa về nuôi nấng, chăm sóc, huấn luyện... Tìm được trâu đạt chuẩn rồi, phải làm lễ trình trâu. Người nuôi trâu sắm lễ vật gồm ván xôi, con gà trống thiến, trầu cau, rượu trắng, nước. Các giáp chọn cử ra 16 bô lão gọi là “Bốn bàn các cụ” cùng chủ trâu đưa lễ vật và trâu ra đình làm lễ trình thánh. Khi làm lễ trình thánh, chủ trâu dắt trâu vào trước bàn thờ thánh làm động tác nâng mũi trâu lên, hạ mũi trâu xuống đủ 4 lần, tương đương 4 lễ rồi đưa trâu về nhà cho ăn bánh, uống rượu. Từ đấy trở đi, chú trâu sẽ được mọi người gọi là “ông Cầu”, theo nghĩa cầu mưa mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu, cầu thắng trận, cầu bình an… hay còn được gọi là “trâu cà thờ”.
Trâu được chọn làm trâu chọi phải hội được các tiêu chuẩn sau: phải là trâu đực (trâu cà), lông đen tuyền, không trắng lưỡi, mắt tựa ốc loa, chân to móng khép, đuôi dài chấm khoeo. “Bốn bàn các cụ” sẽ thay làng giám sát việc nuôi trâu chọi. Trâu chọi phải nuôi hãm, dùng dây thừng bện bằng tre cật vòng qua hai bên sừng trâu, rồi cố định vào văng chuồng, chạc sẹo cũng được go (buộc) chặt vào văng chuồng để cố định sao cho mõm trâu hếch lên tiện cho việc bón thức ăn. Chuồng nuôi trâu chọi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, mỗi ngày hai lần đưa trâu ra sông tắm. Tới tháng 11, làng tiến hành lễ xem trâu. “Bốn bàn các cụ” trực tiếp đo trâu. Chủ trâu cho trâu đứng ở sân có địa hình bằng phẳng, điều khiển trâu đứng yên, hai chân trước bằng nhau, hai chân sau bằng nhau rồi lấy số đo vanh ngực trâu nhân với số đo đường chéo từ cổ đến khấu đuôi trâu quy ra trọng lượng trâu. Tiếp đó, các cụ kiểm tra móng, gối, sừng, mắt, khoang khoáy, lông mi và đuôi trâu...
Ngày nay, để bảo tồn và phát huy ý nghĩa lễ hội chọi trâu trong giai đoạn phát triển mới, Đảng ủy, chính quyền xã Hải Lựu đã xây dựng và trình duyệt các cấp có thẩm quyền Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu, xây dựng kịch bản lễ hội chọi trâu, ra chỉ định quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội và ra kế hoạch tổ chức lễ hội. Ban chỉ đạo lễ hội xã chỉ đạo thành lập các Ban chỉ đạo lễ hội cấp thôn. Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn làm trưởng ban tổ chức triệu tập Nhân dân trong thôn bầu ra nhóm hộ đại diện, cùng góp tiền mua và nuôi trâu. Nhóm hộ này bầu chọn ra một hộ là gia đình văn hóa, có kinh nghiệm chọn mua, chăm sóc, huấn luyện trâu chọi. Khi mua trâu về, Ban tổ chức lễ hội ở các thôn cùng với gia chủ có trâu tham gia lễ hội phải báo cáo Ban tổ chức lễ hội xã Hải Lựu vào sổ theo dõi, chọn ngày tốt rước trâu lên đền thờ thành hoàng làng (Đền thờ Thừa tướng Lữ Gia) tại xứ Mả Đàm, thôn Gò Dùng làm lễ trình báo thánh (lễ trình thánh). Từ đây, trâu được gọi là “ông Cầu”.
Công việc nuôi nấng, chăm sóc và huấn luyện trâu chọi rất công phu, tỉ mỉ; vất vả hơn rất nhiều lần so với nuôi trâu cày, trâu lấy thịt. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, mỗi ngày cho trâu tắm hai lần, đảm bảo cho trâu không bị lạnh về mùa đông, không bị nóng vào mùa hè. Thức ăn cho trâu phải đầy đủ về chất lượng, số lượng như khoai, sắn, ngô, cám, gạo, mía, cỏ mật, cỏ voi,… trâu được ăn no, ăn nhiều lần trong ngày. Ban đêm, chủ nuôi phải dạy cho trâu ăn uống, đi vệ sinh. Trong quá trình nuôi dưỡng trâu chọi, các chủ trâu phải huấn luyện, tập cho trâu những miếng đánh và làm quen với chốn đông người, với không khí cờ hoa, trống chiêng của lễ hội; lại phải tìm gò, bãi đất cao để làm chỗ cho trâu tập húc, luyện sừng. Gần đến ngày hội, chủ trâu cùng nhóm hộ tổ chức dắt trâu ra sới chọi để trâu làm quen sân, bãi, trống chiêng… nhằm tránh cho trâu không bị hoảng hốt khi vào sới chọi ngày hội.
Ngày xưa việc nuôi trâu giao cho các giáp đảm nhiệm, vì có sự chênh lệch về nhân đinh giữa các giáp nên số trâu chọi từng giáp được giao nuôi khác nhau. Giáp Đông và giáp Nam có số nhân đinh nhiều nên mỗi giáp nuôi 6 con; Giáp Bắc và giáp Tây mỗi giáp nuôi 2 con. Mỗi giáp lại căn cứ vào ngày, giờ sinh của các nhân đinh trong giáp mà phân bổ nuôi trâu theo thứ tự: Ai sinh trước nuôi trâu trước, sinh sau nuôi trâu sau. Trước khi đưa trâu đến bãi chọi, người nuôi trâu tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ. Trâu được đánh vòng bằng thừng tre ở mũi để thay sẹo. Người dắt trâu mặc lễ phục áo dài thắt lưng đai, ngoài ra còn có vài người đi hộ tống, mỗi người cầm một chiếc ngoặc dài làm bằng tre để ngoặc vào vòng ở mũi trâu, điều khiển trâu. Khi đưa trâu đến sới chọi ai có trâu người đó giữ, có khi phải dùng vải đỏ bịt mắt trâu để chúng không nhìn thấy nhau.
Sau khi ông xã Đoàn phát loa tuyên bố: “Đông - Tây - Nam - Bắc” ai có trâu vào chọi thì trống, kèn, cồng, chiêng, thanh la, tù và nổi lên rộn ràng cùng tiếng hò reo của khán giả vang động cả vùng trời, xung quanh sới chọi và trước cửa đình Kiêng cờ ngũ sắc bay phấp phới. Theo thể lệ. Đầu tiên trâu giáp Đông chọi với trâu giáp Tây, trâu nào thắng thì chọi với trâu giáp Bắc giáp Nam.
Vào hội, từ ngày 15 tháng Giêng, làng thực hiện nghi thức tế lễ tại đền thờ thành hoàng làng (Thừa tướng Lữ Gia). Từ trước đó, Ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, đồ thờ, gồm đẳng tế, cây quán tẩy, chấp kích, bảng chúc văn, chiếu tế, âm nhạc... Thành phần đoàn tế có 15 người: Chủ tế, đông xướng, tây xướng, chấp sự, bồi tế, nội tán, thủ kiệu. Cũng trong ngày, Ban tổ chức lễ hội cử một đoàn đại diện cho dân xã tới dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương tại đền Hùng, dâng hương Quốc Mẫu Âu Cơ tại đền Quốc Mẫu để kính cáo tổ tiên, ôn nhớ lịch sử nguồn cội, và trình xin được mở hội chọi trâu. Buổi tối cùng ngày, làng, xã tổ chức liên hoan, giao lưu văn nghệ ở nhà văn hóa xã. Nhiều đội văn nghệ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, không chuyên trong tỉnh ngoài huyện cùng về tham dự rất náo nhiệt, vui vẻ.
Từ mờ sớm ngày 16 tháng Giêng, hàng ngàn vạn du khách từ các nơi đã nô nức đổ về sới chọi tại gò Mả Đàm, thôn Gò Dùng, xã Hải Lựu. Sới chọi ngày nay đã được xây dựng kiên cố với 4 khán đài, xếp bậc từ thấp đến cao, giúp du khách tiện việc theo dõi, cổ vũ, thưởng lãm. Giờ tốt đã đến, đoàn rước lễ tập trung trước khán đài A của sới chọi, khởi hành rước lễ vòng quanh sới chọi rồi đi thẳng đến đền thờ thành hoàng Lữ Gia làm lễ tế. Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử với nhiệm vụ dẹp đường, xua đuổi các thú dữ hung ác. Tiếp theo là đội rước cờ Tổ quốc, đội rước cờ hội, đội rước hồng kỳ do các em học sinh trường THCS Hải Lựu thực hiện. Tiếp đến là kiệu bát cống rước hoa quả, bánh chưng, bánh giầy. Ngay sau kiệu rước là ông Cầu (đại diện cho các ông cầu tham gia lễ hội) mình choàng tấm vải đỏ, to lớn, oai phong lẫm liệt được gia chủ dẫn đi. Tiếp theo là đoàn đại biểu đại diện Đảng ủy, chính quyền địa phương và các cụ cao tuổi… Tất cả cùng tiến vào đền thờ làm lễ dâng hương, đọc chúc văn tế thành hoàng làng. Xong xuôi, đoàn rước trở về sới chọi. Tại đây, ban tổ chức điều hành nghi thức chào cờ, tuyên lời khai mạc lễ hội, trao cờ lưu niệm cho các chủ trâu. Tiếng trống khai hội vang lên. Tiếp đến là dàn trống chiêng hội hoành tráng với hàng chục chiếc to nhỏ do các tay trống khỏe mạnh, vạm vỡ, trong trang phục quần áo lễ hội với màu sắc rất bắt mắt cùng đồng loạt vung dùi khiến tiếng trống rền vang, thúc giục giờ mở màn cho các kháp (trận) đấu quyết liệt, hấp dẫn bắt đầu. Trong tiếng chiêng trống vang rền cả một vùng trời cùng tiếng reo hò cổ vũ dậy đất của khán giả, các ông Cầu thi đấu hết sức bình sinh. Mỗi ông lại có lối đánh riêng, hấp dẫn người xem. Mỗi kháp đấu đều khiến khán giả được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc: hồi hộp, hưng phấn, xuýt xoa tiếc nuối hay hỉ hả thỏa mãn... Các trận đấu mang đến tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, các ông Cầu mặt đối mặt luôn dùng sức khỏe đẩy nhau, sử dụng cặp sừng to chắc đánh các miếng hổ lao, cáng, lắc sừng, móc sừng… Khi hai ông Cầu thi đấu, chủ trâu không được phép lại gần, trọng tài là người quyết định điều khiển trận đấu. Khi một trong hai ông Cầu bỏ chạy thì trọng tài mới ra hiệu cho chủ trâu được phép bắt trâu.
Các trận đấu khép lại vào ngày 17 tháng Giêng, Ban tổ chức trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các chủ trâu đoạt giải. Các trâu thắng và trâu thua đều được sát sinh để bán lộc cho du khách và chia lộc cho các hộ trong nhóm nuôi trâu. Du khách thập phương, người dân trong vùng khi ra về ít nhiều đều mua thịt trâu chọi, xem đó là món lộc đặc biệt đầu xuân năm mới để làm quà. Ai cũng háo hức, vui vẻ, cũng hy vọng vào một năm mới với vạn sự tốt đẹp, may mắn, ăn nên làm ra, khỏe mạnh, sung túc.
Chiều ngày 17 tháng Giêng, làng tiến hành nghi thức tế sủ trâu đoạt giải Nhất ở đền thờ thành hoàng, khép lại một mùa lễ hội văn minh, đảm bảo an toàn an ninh trật tự, an toàn thông tin, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra các tệ nạn xã hội.
Lễ hội tan rồi nhưng không khí rộn ràng, phấn khởi cùng hương sắc mùa xuân mới thì như còn đọng mãi trên những gương mặt hồn hậu của người dân Hải Lựu.
 
Đ.M.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc