NGÔ VĂN GIÁ
Kết cấu là cách tổ chức bài viết để tạo nên tính chỉnh thể của một bài phê bình văn học (PBVH). Cho nên, nói đến kết cấu là nói kết hai cấp độ: kết cấu bề mặt và kết cấu chiều sâu. Trước tiên, cần nhận diện các thành phần chính trong kết cấu bề mặt của bài PBVH. Theo đó, một bài PBVH thông thường bao gồm các đơn vị sau:
Nhan đề bài viết (titre): Đây là thành phần bắt buộc giúp gọi tên, phân biệt và lưu trữ bài phê bình. Mỗi nhà phê bình sẽ có cách đặt tên riêng tùy theo đối tượng phê bình, cách thức phê bình và tạng của mỗi nhà phê bình. Nếu thống kê một tập hợp tên các bài phê bình của một cây bút nào đó cũng sẽ đọc ra ở đó ít nhiều cá tính, phong cách riêng.
Dưới đây là hai ví dụ cho cách đặt nhan đề bài viết tít PBVH:
1) Nhà NCPB Vương Trí Nhàn, một cây bút phê bình khá nhạy bén, năng động đối
với đời sống văn học, thể hiện trong nhiều tập phê bình của ông. Thử thống kê một tập hợp ngẫu nhiên về tít trong một loạt bài phê bình mà ông thực hiện: Thơ ca là để chống lại sự quên lãng, Những lời rao hàng sáng giá, Một trăm thứ rượu một ngàn kiểu say, Cái lăng nhăng thứ hai; Người kỹ nữ, một phép thử độc địa; Ca tụng ả đào, Độc thoại về Bút Tre, Họ không phải những người phụ bạc, Đã có bao nhiêu cách nói…?; Những chuyện lỗi hẹn; Sa đà, trót dại, hối hận; Người bạn đường một thuở, Nguyễn Tuân và sự độc đáo…(Câu chuyện văn chương, Nxb Văn học, 2001). Tất cả những nhan đề này cho thấy phần nào nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã quan sát kỹ và quan tâm mật thiết tới đời sống văn học, giới văn nghệ sĩ; theo đó hình thành một lối viết phê bình pha chất thông tấn, bao gồm nhiều chuyện cả lớn lao cả vặt vãnh, với một giọng điệu linh hoạt, biến hóa, có tính khẩu ngữ. Lối viết của ông chiếm được cảm tình của số đông công chúng trong cộng đồng văn học.
2) Nhà NCPB Lại Nguyên Ân lại có một lối đặt tít khác hẳn. Phê bình của ông mạnh
về khảo cứu tư liệu, đưa ra những bằng cứ cụ thể, xác đáng với một lối viết điềm tĩnh. Vì thế, trong các bài viết của ông, việc đặt tít có phần nghiêm trang, bài bản, bộc lộ rõ chất nghiên cứu trong phê bình: Cuộc cải cách thơ của Phong trào thơ mới (1932 - 1945) và tiến trình thơ Việt, Khí chất miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử, Sự có mặt của Nguyễn Bính, Khả năng điều hòa về khuynh hướng xã hội trong văn xuôi Thạch Lam, Đôi điều biết thêm về Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và cuộc canh tân văn học nửa đầu thế kỷ XX, Nửa thế kỷ một công trình văn học sử (1)… DIỄN ĐÀNVNVP - 1+2/2024 91
Từ hai trường hợp trên để thấy rằng việc đặt tít cho bài phê bình phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn đối tượng phê bình, cách tiếp cận, lối viết, cái tạng văn của mỗi người. Ngay trong một nhà phê bình, có khi đặt nhan đề bài viết cũng rất biến hóa. Có khi tít chính là cái tứ được biểu đạt ngay tức thì, trực tiếp. Thí dụ, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đặt tít bằng cái tứ của bài phê bình: “Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ”, “Tô Hoài với quan niệm “con người là con người”. Nhưng cũng chính ông, ở chỗ khác, việc đặt tít lại rất giản dị, như tít của một bài báo văn học: “Mấy kỷ niệm với nhà văn Kim Lân”, “Hoàng Ngọc Hiến – bạn tôi”… Nhìn chung việc đặt nhan đề cho bài phê bình thường phải ngắn gọn, sắc sảo, xác đáng, gây ấn tượng, có sức gợi, thu hút sự chú ý của bạn đọc ngay từ đầu. Dòng đề từ/đề tặng: Có một số cây bút phê bình thích sử dụng một số câu đề từ được trích dẫn dưới dạng các danh ngôn, ngạn ngữ, hoặc lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn học của một ai đó. Hầu hết các bài viết của nhà NCPB Đỗ Lai Thúy đều làm theo cách này. Còn lời đề tặng ai đó cũng có một số người sử dụng. Đối tượng mà lời đề tặng hướng đến có khi là người thân trong gia đình, có khi là bạn bè, bạn văn, hoặc cũng có khi là chính tác giả có tác phẩm được phê bình…Đây là thành phần không bắt buộc. Chức năng của nó có thể là một điểm tựa tinh thần của bài viết; một gợi ý, hỗ trợ cho cách đọc của độc giả; hoặc đơn giản hơn, tạo nên vẻ duyên dáng cho bài viết.
Tít (titre) phụ: Thành phần này cũng không bắt buộc, chỉ là yếu tố thứ yếu. Tuy nhiên, nếu bài viết với dung lượng lớn, trải dài nhiều trang, rất nên có tít phụ (tít xen) để người đọc dễ theo dõi, đặc biệt có tác dụng tạo khoảng nghỉ cho thị giác. Tít phụ thường mang chức năng phân đoạn, mỗi đoạn đảm đương một ý chính. Việc đặt tên cho tít phụ cũng công phu không kém tít chính. Chúng vừa phải tùy thuộc lẫn nhau và hợp lực cùng nhau để góp phần tạo thông điệp chính, lại vừa tạo ra và nuôi dưỡng sự hứng thú cho người đọc, kéo người đọc đi hết toàn bài. Hầu hết các bài phê bình của nhà NCPB Lã Nguyên đều sử dụng tít phụ như một cách tạo ra sự mạch lạc thông suốt toàn bài. Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy cũng thích cách làm này. Sa-pô (chapau, tiếng Pháp: cái mũ): Thành phần này khá giống với các tác phẩm báo chí. Tuy nhiên nó cũng không bắt buộc. Sự có mặt của nó thường là 5-7 dòng, nhằm đưa ra một nhận định tổng quát nào đó về đối tượng của bài phê bình. Cũng có thể nó đưa ra một phản đề để gây chú ý đối với bạn đọc. Trong cuốn phê bình văn học, sách tập hợp các bài viết của nhà NCPB Vương Trí Nhàn mang tên “Câu chuyện văn chương” như đã nói đến, hầu hết ở các bài viết, tác giả sử dụng thành phần sa-pô như một cách tạo nên sức hấp dẫn ngay từ đầu cho bạn đọc.
Đoạn mở đầu: Trong báo chí, phần này được gọi là phần “Khởi”, tức là đoạn có nhiệm
vụ khởi đầu cho toàn bài. Đoạn này thường có tính chất giáo đầu, trình bày lý do của bài viết, lý do chọn vấn đề, thuyết minh ý đồ của người viết đối với bạn đọc…Tất cả cũng toát lên tinh thần gây hứng thú cho người đọc để bước vào bài viết.92 VNVP - 1+2/2024
Phần thân: Đây là phần chính văn của một bài PBVH, nơi các ý tưởng chính của bài
viết được triển khai cụ thể, lớp lang, mạch lạc, liền mạch. Ở đây rất cần sự dụng công nhiều mặt của nhà phê bình: từ việc đặt tít phụ (nếu cần), phân đoạn, lập luận, ngôn ngữ, chọn trích dẫn, chú thích, phân tích, tổng hợp, khái quát…Các công đoạn cần thực hiện ở phần thân này sẽ được triển khai tiếp ở chương sau.
Phần kết: Đoạn kết thúc một văn bản PBVH có thể nhằm kết luận và nâng cao vấn đề
đã được giải quyết ở các phần trên. Tuy nhiên, nó cũng có thể mở ra, gợi ra những suy ngẫm tiếp tục về vấn đề mà nhà phê bình mong muốn, đề xuất…Cho dù thế nào, phần kết cũng rất cần thể thiện thái độ dân chủ, tôn trọng bạn đọc, và nhất là tạo ra được dư vị cho bài viết. Câu chữ của bài viết kết thúc, nhưng những đối thoại mới có thể sẽ mở ra giữa tác giả và bạn đọc, giữa bạn đọc với nhà văn, giữa bạn đọc với nhau, và rộng ra là với cộng đồng xã hội. Ghi chú ngày, tháng, năm và địa chỉ khi viết/ hoàn thành tác phẩm ở cuối bài: Thành phần này cũng không bắt buộc. Nếu có, nó cũng có ý nghĩa chỉ dẫn ít nhiều nào đó đối với bạn đọc về mối liên hệ giữa chủ thể phê bình, diễn ngôn phê bình với lịch sử, xã hội và văn hóa mà nó thuộc về. Đặc biệt, khi thời gian trôi đi, ngoái lại các tác phẩm phê bình đã qua, nếu có những dòng ghi chú này sẽ giúp cho người tiếp nhận một hình dung về thời gian tính, về mối quan hệ giữa bài viết với cái không gian xã hội - văn hóa mà tác giả và bài phê bình thuộc về. Nhờ vậy, sự tiếp nhận của người đọc càng thấu đáo hơn.
Chú thích: Khi diễn giải, lập luận trong suốt toàn bài, nhà phê bình thường phải sử dụng các dữ liệu thuộc về tác phẩm văn học, hoặc các nghiên cứu, lý luận, phê bình trước đó có liên quan. Trích dẫn làm cho các diễn giải và phân tích có chứng cứ, thực chứng, đảm bảo độ tin cậy cần thiết và có sức thuyết phục đối với bạn đọc. Nó cũng thể hiện công phu lao động, sự trung thực của người cầm bút. Cũng có những chú thích là các trích dẫn có tính gợi ý, chỉ chỗ cho người đọc tìm tư liệu, khuyến khích đọc thêm để mở rộng vấn đề đang bàn. Đến đây, cần bàn thêm về mối liên kết nội dung ý tưởng trong bài viết PBVH. Với bài viết chuyên sâu, thường dung lượng dài hơn bài phê bình báo chí truyền thông. Điều này cũng dễ giải thích. Khi viết về một vấn đề, một trường hợp nào đó theo tinh thần khoa học, với một khát vọng bày tỏ tư tưởng và chinh phục người đọc, bao giờ người viết cũng cố gắng tìm hiểu cho đến “ngọn nguồn lạch sông”. Vì thế, bài viết phải đảm bảo một độ dài cần thiết mới có khả năng triển khai hết các ý. Cũng vì trong một độ dài như vậy, nên bài viết lại càng phải có một kết cấu mạch lạc. Với lối trình bày truyền thống, bài viết được phân đoạn theo cách dứt ý rồi xuống dòng, mỗi phân đoạn đảm đương một ý lớn trong khung ý tưởng của toàn bài. Hiện nay, khá nhiều người chia phần thân của bài PBVH thành các đoạn khác nhau, và mỗi đoạn có các tít phụ đảm nhận. Cách bố trí kiểu này đem lại cho bài viết một sự mạch lạc cần thiết, và dễ theo dõi. Trong bài viết “Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc”, nhà phê bình Chu Văn Sơn chia bài theo 5 tít phụ, mỗi tít đảm đương một luận điểm: Tự họa - Tự liếm lànhVNVP -1+2/2024 93 vết nội thương - Một Liêu Trai trầm cảm - Thi pháp “thực” gợi thế giới “siêu” - Một kết tinh. Cho dù bố trí kết cấu, phân đoạn theo cách nào, có tít phụ hay viết liền mạch, cái quan trọng là phải mang tính hướng đích, bộc lộ rõ tư tưởng khoa học và cá tính của người phê bình.
Dĩ nhiên, hiểu kết cấu không nên dừng ở bố cục bên ngoài, mặc dù cần thiết, mà đòi
hỏi phải đảm bảo tính logic chiều sâu bên trong. Đó là quan hệ có tính nhân quả của hệ thống ý, và cả sự thông suốt, mạch lạc. Các phân đoạn lớp lang hay việc rút tít phụ bên ngoài cần phải phản ánh đúng cái logic bên trong. Điều này làm nên phẩm tính khoa học của bài viết. Nó ngăn ngừa sự bình tán miên man, hoặc sự diêm dúa lòe loẹt của chữ. Hệ thống ý tưởng liền lạc, logic làm nên xương sống của bài viết, khiến bài viết chắc khỏe, đứng vững.
Thí dụ, nếu đi theo tinh thần phê bình thi pháp học, thường đã có sẵn một khung ý tưởng chung, các ý tưởng quan hệ tùy thuộc lẫn nhau khá chặt chẽ. Bắt đầu đi từ quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, từ đó quy định cái thế giới nghệ thuật mà nhà văn kiến tạo; trong thế giới nghệ thuật này phải có hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới, có cả không gian và thời gian nghệ thuật - nơi thế giới nghệ thuật tồn tại; và cuối cùng là một hệ thống các phương thức và phương tiện biểu đạt cái thế giới nghệ thuật trên kia. Từ cái khung chung có tính logic này, có thể sẽ ứng dụng linh hoạt đối với từng trường hợp khác nhau. Đối với mỗi tác giả, sẽ có cách vận dụng mỗi khác. Đặc biệt, đối với mỗi thể loại, thời kỳ, giai đoạn, trào lưu cũng lại có sự vận dụng mỗi khác. Không nên và không thể máy móc đem cái khung tiếp cận trên để áp vào cho tất cả mọi đối tượng được. Đây chính là cái lỗi tồn tại trong nhiều năm qua ở một số nghiên cứu, phê bình này khác, khiến không ít người định kiến đối với lối phê bình thi pháp học. Tình trạng này cho thấy việc “tiêu hóa” lý thuyết cần phải hiểu đúng và vận dụng linh hoạt, phù hợp, không nên máy móc, áp đặt gượng gạo.
Kết cấu được hình dung như một ngôi nhà, vừa có kiểu dáng bề mặt và vừa có cấu
kiện bên trong, cả hai hòa hợp với nhau để làm nên một chỉnh thể cân đối, hài hòa, hợp lý.
Kết cấu cũng là một phương diện góp phần làm nên vẻ đẹp của một bài PBVH.
N.V.G
(1) Xem “Đọc lại người trước, đọc lại người xưa”, Nxb Hội Nhà văn, 1998