Vườn quê
Ngày đăng: 06/05/2022; 131
 
TẠ THU YÊN
 
Bà nội Hai mắt kém một mình ở quê nên mọi việc giao phó cho cô con gái lấy chồng làng “điều hành”. Vườn khoai đao trồng xuống chả ai chăm sóc, một năm sau thu hoạch kiểu ăn đâu đào đấy, khoai và cỏ dại chen lấn, cùng vươn cao trong khu vườn. Có lẽ trước khi anh em tôi về quê ở, chả có ai chui vào đó ngoài lũ gà và đám lợn con nhà hàng xóm. Như thế thật là phí vì vườn đao có rất nhiều điều thú vị. Tôi khởi đầu cho việc lủi vào vườn đao. Thứ nhất: vườn đao rất nhiều lá khô có thể cắt về đun bếp. Lá đao phơi khô đun nỏ và sạch sẽ, dễ kiếm hơn đi vơ lá tre nhiều. Thứ hai: vườn đao rất nhiều hoa, tôi và lũ bạn len lỏi đi bẻ hoa về chơi, trước khi thái nhỏ ra giả vờ chơi trò nấu nấu nướng nướng, bọn tôi đưa bông hoa lên miệng, hút nhẹ đằng cuống, một dòng mật ngọt ngào tứa ra nơi đầu lưỡi, tuyệt! Thứ ba: Do cả năm không có người vào nên chim sâu và chim sẻ đồng xây tổ rất nhiều trong đó. Chúng khéo léo khâu hai chiếc lá đao to như hai tàu lá dong (loại lá dùng để gói bánh chưng ngày tết) vào và lót tổ bằng những sợi cỏ khô mềm mại (hình như toàn là những bông hoa cỏ mật, thơm thơm). Hằng ngày tôi chui ra chui vào theo dõi những chiếc tổ xinh xắn ấy xem bao giờ thì chúng nở con. Thật thú vị vì được nhìn những chú chim non há những chiếc mỏ viền vàng ra chờ mẹ bón mồi. Mình các chú thì bé tí, đỏ hon hỏn vì chưa có lông (chúng tôi gọi là chim chưa vỡ bọng phân) nhưng mỏ bọn chúng há to không thể tưởng được. Chúng đòi ăn suốt ngày, kêu suốt ngày, khiến cho chim bố mẹ bay đi bay lại kiếm mồi rất vất vả. Chim sâu chỉ đẻ hai trứng, còn sẻ đồng đẻ nhiều lắm, mỗi tổ ít nhất có từ bốn đến sáu con, chim bố mẹ thì chả biết con nào với con nào vì chúng có cả một đàn, thi nhau loách choách, với lại chúng giống nhau kinh khủng, thế mà lũ chim con vẫn nhận ra bố mẹ, tài thật!
Bao quanh khu vườn trồng khoai đao nhà tôi là những cây ăn quả lưu niên, được trồng hoặc mọc một cách tự phát từ thuở ngôi nhà được các cụ tôi xây dựng nên nhiều cây gốc rất hoành tráng. Tôi thường len lỏi quanh khu vườn, khi thì kiểm tra quả mít xem chín chưa; khi thì đi hái bưởi, hái ổi, hái na... bởi chúng mọc khắp nơi, đặc biệt gần với bờ rào (chắc cho khỏi tốn đất nhà mình vì tán cây cao lên thì xòe sang nhà hàng xóm nên được để lại). Giữa vườn nhà tôi có một cây táo rất to, dưới gốc ít cây nào mọc được vì tán táo che mất ánh sáng. Cây táo có một thân chính  hai người ôm mới hết, bên cạnh là một gốc phụ to bằng bắp đùi người lớn, cả hai đều vươn cao bốn, năm mét mới chia cành, thế của nó nếu bây giờ mà còn sẽ được những “đại gia” chơi cây cảnh tán dương là “phu thê” hoặc “mẫu tử”... Ngày ấy tôi chỉ thấy thật tiện vì không cần bắc thang, cứ ôm lấy thân bé, đạp vào thân to, tôi leo một thôi là đã vắt vẻo trên cây rồi. Cây táo bao nhiêu tuổi tôi không biết, bà nội Hai cũng không biết, bà chỉ biết khi về làm dâu cụ tôi, bà đã được ăn táo và bán táo rồi. Cách hái táo bà dạy chúng tôi rất đơn giản: Trèo lên cây, bám cho chắc rồi rung thật lực cho những quả táo chín thi nhau rơi xuống như mưa rào. Quả nào không chịu rơi thì lấy gậy nạng mà phang vào cành nó khắc phải rơi. Đương nhiên, cách thu hoạch ấy vô cùng tổn thất vì rơi từ độ cao gần chục mét xuống rất ít quả còn lành lặn. Những quả rơi vào vườn đao thì lành, không dập. Bọn tôi chọn những quả lành lặn, to và chín chén thật đã. Thu dọn quả cho vào rổ xảo, chúng tôi bắt đầu kinh doanh, người mua toàn bọn trẻ con trong xóm, tiền toàn đồng 5 xu, một hào. Tôi cứ nhìn mặt mà bán, toàn bạn chơi đồ hàng với nhau cả nên ngoài một, hai bát táo mang về báo cáo bố mẹ, bọn chúng được chén no vì có công thu hoạch cùng tôi. Quả nào nát quá không bán được thì cho vào rổ dập ra, đãi sạch phơi hạt bán cho cửa hàng thuốc bắc, bao nhiêu họ cũng mua bằng hết. Nhà tôi bán táo bằng bát chứ không xiên vào que tre như những nhà khác nên rất đông bọn trẻ đến gọi mua. Đôi khi kênh kiệu, tôi không trèo lên rung táo để bán, lúc ấy, bọn chúng được phép vào mót dưới gốc cây, nhặt những quả táo lành bị dơi dơi làm rụng trong đêm. Cây táo to thế nên quả sai và dơi dơi hồi đó đông lắm, nhiều hôm nhặt được mấy đấu táo rụng nên bọn chúng chả lấy việc tôi không bán táo làm lòng! Ngoài cây táo, vườn nhà tôi còn có một cây cũng vào loại khủng, đó là cây sấu. Cây sấu có thân to vật vã, bọn trẻ chúng tôi phải ba đứa nắm tay nhau mới quây kín gốc. Muốn trèo lên cây sấu nhất thiết phải dùng thang. Nhà tôi lúc nào cũng có thang, nhưng vác đi vác lại rất nhiêu khê, chính vì vậy tôi không hay trèo cây sấu. Tuy nhiên, nếu đã trèo lên thì không muốn xuống nữa, bởi cây sấu rất cao, đứng trên ngọn có thể nhìn xuống tận chợ Thạch Đà, phóng tầm mắt ra tận bờ đê sông Hồng, rất thích. Cây sấu ngay đầu cổng, bên dưới gốc là một khoảng đất bằng phẳng, được bọn trẻ chúng tôi quần đảo nhẵn thin thín. Mùa sấu ra hoa, đầu tóc bọn tôi vương đầy hoa sấu be bé có mùi thơm hăng hắc. Công nhận cây sấu ra nhiều hoa thật, mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua, hoa sấu rụng như mưa, khoảnh đất dưới gốc rải toàn những bông hoa nhỏ hình sao trăng trắng. Khi sấu còn xanh, chưa cứng hạt, thỉnh thoảng tôi cũng vác thang ra trèo lên ngọn, nằm vắt vẻo trên chạc ba của một cành cao nhất, đưa tay kéo về phía mình một chùm quả lẫn trong tán lá xanh um của cây sấu, ghé mồm cắn lấy nửa quả sấu non, liếm thêm tí muối gói trong lá chuối khô, nhắm mắt lại thưởng thức vị chua chua, ngòn ngọt của thịt sấu lẫn hột sấu tan vào vị giác. Cứ như thế, mỗi quả sấu tôi chỉ cắn một nửa, một nửa buông ra cho cành sấu trở về vị trí của nó trong tán lá. Đến bây giờ tôi cũng không thể giải thích tại sao mình lại ăn như vậy, nhưng có lẽ đấy là cách ăn sấu ngon nhất mà tôi cảm thấy. Khi quả sấu đã to, ngoài việc dùng để kho búp khoai, đánh dấm nước rau muống ra, tôi không thèm ăn sấu nữa cho đến khi sấu chín. Khi tiếng ve bớt rinh ran trên ngọn sấu là lúc quả sấu bắt đầu hung hung chín. Tôi lại được mọi người tín nhiệm giao cho trèo lên thu hoạch sấu. Chiếc gậy nạng bằng ngọn tre tôi đã gác sẵn trên ngọn cây từ đởi nảo đời nào, bây giờ chỉ việc dùng nó ngoéo các chùm sấu sai xúc xỉu vào và từ từ vặn đầu gậy cho gãy cả cành, thả xuống cho khỏi dập quả. Đương nhiên, những quả chín quá sẽ rời khỏi cuống trước khi chùm quả đáp xuống đến đất. Nhiều khi mải chơi, tôi cũng vận dụng cách thu hoạch táo (rung cây), mặc cho mọi người bên dưới ôm đầu chạy tán loạn vì mưa quả sấu. Sấu chín ăn rất ngon, ngày ấy chỉ dùng để ăn chơi chứ chả ai biết đến làm nước giải khát bằng sấu. Sau này, cây sấu bị bão nhiều lần làm gãy cành, nhà tôi bán được 60.000 đồng cho người ta xẻ ván làm hậu sự. Bố tôi trồng một cây cóc gần đó, loại cây này lớn rất nhanh nhưng cành rất giòn, tôi không bao giờ trèo lên cây đó, mặc dù quả cóc dầm mắm ăn rất ngon.
                                                                    T.T.Y
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc