Đồng tiền rách
Ngày đăng: 06/05/2022; 239
Truyện ngắn 
 XUÂN MAI
 
“Này chị kia, ra chỗ khác mà ngồi, mùng một đầu tháng sao ám ngay trước cổng nhà người ta thế hả?”. 
Người vừa nói như quát với giọng gay gắt ấy là bà Lê. Bà Lê có dáng người to béo, phốp pháp, cổ, tay và các ngón tay đeo rất nhiều vàng. Bà Lê mở khóa, đẩy cánh cổng sắt nặng nề, bước ra. Trời mới mơ mơ sáng. Chiếc loa phường trên cột điện đang phát bản nhạc thể dục buổi sáng. Đường phố lác đác có người qua lại. Đèn cao áp đang nhòe dần trước ánh ban mai…
 
Minh họa: Kim Ngọc
 
Không thấy người ngồi phía trước cổng nhà mình nói gì, bà Lê bực bội bước tới nhìn săm soi. Thì ra, là người phụ nữ bán rau với đôi quang gánh toòng teng một rổ có mươi mớ rau muống, rổ kia là mấy thứ củ, quả... Cái nón lá cũ kĩ, tuột vành không che nổi khuôn mặt còn khá trẻ nhưng hốc hác của chị ta. Hình như chị ta mù? Bà Lê đoán thế, bởi thấy chị đeo kính râm. 
Thoáng một chút thương hại, bà Lê hạ giọng: “Mời chị ra chỗ khác mà ngồi. Đây không phải chỗ để chị bán hàng nhé!”. “Bà làm ơn cho cháu ngồi nghỉ một lát. Đang đi thì cháu thấy chóng mặt quá!”. - “Chị bán bao nhiêu tiền một mớ rau? Mà này, rau sạch hay là luống trồng để ăn, luống trồng để bán như đài với ti-vi vẫn nói đấy?”. - “Thề với bà, nếu làm ăn thất đức thế, cháu chết bỏ con, bỏ cháu luôn ạ!”. - “Thôi, không phải thề thốt, tôi tin chị. Bao nhiêu tiền một mớ?”. - “Mười ngàn ba mớ bà ạ!”. - “Mười ngàn ba mớ kia à? Đắt thế! Mười ngàn bốn mớ nhé!”. Mặc cả xong, nâng lên đặt xuống một lúc, bà Lê mới chọn được mấy mớ rau, đoạn bà lại hỏi: “Còn thứ gì để trong túi này đây?”. - “Trứng gà bà ạ!”. “Chị có trứng gà ta không?”. - “Dạ có ạ! Trứng gà quê cháu tự nuôi, bà lấy bao nhiêu quả ạ!”. “Gà chị nuôi cho ăn ngô, ăn thóc hay là cho ăn cám tăng trọng vậy?”. - “Cháu người nhà quê không biết ăn gian nói dối đâu ạ!”. - “Gớm, người nhà quê bây giờ cũng tinh quái lắm, nhưng với chị thì tôi tin! Tôi tin! Thế bao nhiêu tiền một chục?”. - “Thưa bà bốn mươi ngàn một chục ạ!”. - “Những bốn mươi ngàn kia á? Thôi, ba lăm ngàn nhé. Đồng ý thì tôi lấy hai chục quả.”. Sau giây lát ngần ngừ, chị bán rau miễn cưỡng: “Vâng, cháu bán mở hàng lấy lộc của bà.”. Bà Lê lại ngồi chọn trứng. Biết người bán hàng không nhìn thấy, bà tỉ mẩn tự chọn những quả trứng to trong số trứng cho vào chiếc túi nilon vừa đếm to lên từng quả một. Đếm xong, bà cầm túi trứng và bốn mớ rau đứng lên, bảo: “Chị đợi đây, tôi vào nhà lấy tiền ra trả.”
Bà Lê bước vào nhà, lấy cái ví để trong ngăn tủ ra, tìm mãi nhưng chỉ thấy toàn những tờ tiền có mệnh giá hai trăm, năm trăm ngàn đồng mới cứng. Mua mấy thứ lặt vặt lại là ngày đầu tháng mà phải “xuất” những đồng tiền này thì tiếc quá. Hay là… Như chợt nhớ ra, bà Lê cất lại ví tiền vào tủ, khóa lại. Khóa tủ xong, bà lục tìm trong mớ giấy lộn xộn trên mặt bàn tờ tiền mệnh giá một trăm ngàn đồng mà bà mới nhặt được ngoài đường. “Đây là cơ hội tốt nhất để tiêu đồng tiền này.”. - Bà nghĩ vậy rồi nhanh chân bước ra cổng. 
Ấn tờ tiền một trăm ngàn vào tay người bán rau, bà Lê xởi lởi: “Thấy chị mù lòa vất vả, tôi mua nhanh cho chị. Tôi trả tiền nhé: Bốn mớ rau mười ngàn, hai chục trứng bảy mươi ngàn, vị chi tất cả là tám mươi ngàn. Thôi, tôi đưa chị một trăm ngàn không phải trả lại nữa. Tôi cho chị hai mươi ngàn. Chị vui chưa?”. - “Cháu cám ơn bà. Nhưng bà để cháu tìm tiền gửi lại. Bà mua giúp cho cháu thế là quý lắm rồi ạ!”. - “Quái! Cái nhà chị này! Tôi đã bảo cho là cho. Thôi đi đi!”.
Đợi người bán rau lật đật gồng gánh đi khuất sau hàng rào ô rô kín như bức tường thành, bà Lê quay vào. Hai cánh cổng sắt lại rít lên như người nghiến răng, rồi im ỉm câm lặng như vốn sinh ra nó vẫn thế.
 
***
 
Bà Lê kính cẩn đặt đĩa cam vàng ươm và lọ hoa huệ trắng muốt lên bàn thờ gia tiên trên tầng ba. Bày biện đâu vào đó, bà châm hương, lầm rầm khấn vái. Tháng nào cũng vậy, cứ ngày rằm, mùng một bà không bao giờ quên thắp hương. Trong làn khói hương thoang thoảng bà cầu cho gia đình mình ai ai thân tâm cũng an lạc, ăn nên làm ra, mua một bán mười, đi tươi về tốt, nói có người nghe, đe có kẻ sợ… Bà tin vào sự cầu nguyện của mình như con chiên tin vào thượng đế, bởi bà nghĩ rằng, nếu không được âm phù dương trợ thì làm sao gia đình bà ăn nên làm ra như ngày hôm nay. Chồng bà là một giám đốc kinh doanh thành đạt. Các con bà đều trưởng thành, gia đình đứa nào cũng có của ăn của để. Ông bà chỉ còn mỗi cô con gái út lấy chồng nữa là coi như “khánh thành” trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái! Với bà, bà cũng thấy mình gặp nhiều may mắn. Bà chả làm ông nọ bà kia gì cả vậy mà luôn nhận được quà cáp, biếu xén của người ta đem đến tận nhà. Ngay như hôm nọ bà nhặt được tờ một trăm ngàn đồng, tưởng là phải bỏ đi thế mà hôm nay vẫn tiêu được một cách dễ dàng…
Vui với sự sung sướng âm ỉ của mình, sáng nay bà Lê không đi “buôn dưa lê” với mấy bà bạn cùng tổ dân phố nữa, thắp hương xong, bà xuống nhà mở đầu đĩa, bật loa lên nghe hát cải lương. Nghe hết vở Đời cô Lựu bà xuống bếp nấu cơm trưa, rồi ngồi lướt phây, đợi con gái đi làm về…
 
***
 
“Mẹ ơi! Con về rồi!”. - Đó là tiếng Nga - con gái út bà Lê vừa đi làm về. Đẩy cánh cửa khép hờ, Nga chạy ùa vào như cơn gió, ôm chầm và hôn lên má bà Lê. “Gớm, con gái tôi hôm nay có gì vui hay muốn xin cái gì mà nịnh mẹ ghê thế?”. - “Mẹ à, con đang rất vui vì hôm nay con thấy mình đã làm được một việc tốt, rất tốt mẹ ạ!”. - “Việc gì? Kể cho mẹ nghe xem nào?”. - “Từ từ, để con xem hôm nay mẹ cho con gái ăn món gì nào… À mẹ ơi, trưa nay bố con không về ăn cơm cùng mẹ con mình hả mẹ?”. - “Bố cô bận tiếp khách, trưa nay chỉ có hai mẹ con thôi. Con đi thay quần áo rồi xuống ăn cơm.”.
Hai mẹ con ăn uống, chuyện trò vui vẻ, chợt nhớ chuyện Nga khoe lúc nãy, bà Lê hỏi: “Nào, con gái có chuyện gì vui nói cho mẹ nghe đi. Bắt được vàng hay có anh chàng đẹp trai nào lọt vào mắt xanh…”. - “Thưa với mẹ là vàng thì không phải. Còn anh chàng đẹp trai, cuối năm nay con sẽ dẫn về trình bố mẹ…”. - “Thế thì chuyện gì?”. - “Chuyện này buồn mà vui. Vui mà buồn mẹ ạ!”. - “Bố cô. Nói đi. Lấp lửng mãi là sao?”. - “Vậy con kể mẹ nghe xem là vui hay buồn nhé…”.
 
***
 
Chuyện mà Nga kể cho bà Lê nghe là chuyện về một người phụ nữ sáng nay tới chỗ của Nga mua thuốc về chữa bệnh cho con. Chị ta là người sinh ra, lớn lên ở ngoại thành, lấy chồng, sinh con cũng chính trên mảnh đất ngoại thành của thành phố này. Chị có hai con, một trai một gái. Người thân và bạn bè ai cũng cho chị điểm 10, bởi gia đình nho nhỏ của chị, tổ ấm của gia đình chị rất hòa thuận, hạnh phúc. Tuy không giàu có nhưng hai vợ chồng chăm chỉ lam làm nên có thu nhập đều đặn…
Hạnh phúc như trong mơ bỗng họa vô đơn chí ập xuống gia đình chị. Không biết nợ đời từ kiếp nào mà mấy năm nay gia đình chị gặp không ít tai họa. Thoạt đầu là anh chồng hiền lành, khoẻ mạnh, yêu vợ, thương con hết lòng… phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư. Bao nhiêu tiền bạc ki cóp cùng với vay mượn thêm từ người thân đều đổ vào chữa bệnh cho anh. Khi anh qua đời thì tiền bạc trong nhà cũng khánh kiệt. Chị suy sụp rồi đổ bệnh. Khổ thân, chị bị thiên đầu thống, dẫn đến bị mù cả hai mắt. Các cụ bảo, giàu hai con mắt, khó hai bàn tay. Ba mẹ con chị rơi vào cảnh thiếu thốn, đói nghèo. Cô con gái đầu lòng phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp việc cùng chị. Gia đình chị được chính quyền địa phương xếp vào diện hộ nghèo, được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, thế thì làm sao mà có đủ tiền chi trả nợ nần và có cái sinh nhai cho cuộc sống thường nhật? Đang còn lúng túng như gà mắc tóc thì con trai chị lại lăn ra ốm. Không lẽ lúc nào cũng kêu khó, kêu khổ, ngửa tay đi vay mượn mãi, chị đành để con nằm một mình ở nhà, tranh thủ đi bán mớ rau, quả trứng lấy tiền mua thuốc cho con. Hiệu thuốc thì nhiều nhưng nơi có uy tín lại ít, chị thận trọng hỏi thăm và tìm đến “Cửa hàng dược Lê Nga”.
Chị đến đúng lúc cửa hàng của Nga đang vắng khách. Nhìn chị đeo kính râm với những cử chỉ đi đứng không bình thường, Nga đoán ngay chị là người mắc bệnh về mắt. Những nét nhàu nhĩ trên khuôn mặt hốc hác cùng cách ăn mặc xoàng xĩnh vẫn không xóa hết vẻ nền nã của người con gái chân quê. Đặt chiếc nón rách xuống nền nhà lát gạch sáng bóng, chị rờ rẫm bước tới bên quầy thuốc. Người ta nói, những người bị mù hình như đôi mắt của họ lại “sáng” ở đôi bàn tay. Nga cũng tin vậy, bởi khi đứng đối diện với Nga chị nói rất rành rọt: “Em ơi, bán cho chị ít thuốc.”. - “Thuốc chữa bệnh gì hả chị?”. Chị buồn rầu kể về bệnh tình của con trai cho Nga nghe. Nghe xong, Nga lấy thuốc, ghi cách sử dụng từng loại một, đặt vào túi nilon đưa cho chị.
“Cảm ơn cô, hết bao nhiêu tiền tôi gửi.”. - “Của chị hết hai trăm năm mươi ngàn đồng ạ!”.
“Hai trăm rưởi hả cô?”. - Chị hỏi lại, giọng hoảng hốt. Nga nhắc lại, to hơn, rành mạch hơn giá tiền từng loại thuốc. Chị vừa “vâng, vâng”, vừa lấy chiếc túi nhỏ đựng tiền giắt dưới bụng ra. Hai tay chị run run đếm từng đồng tiền lẻ toàn mệnh giá một, hai, năm ngàn, duy nhất có một tờ một trăm ngàn đồng! Khi đưa tiền, Nga không cần kiểm lại mà chỉ xem kỹ hơn tờ một trăm ngàn. Đó là tờ tiền không chỉ bị rách một góc, bị nhàu nát mà còn bị bôi một vết mực màu xanh to bằng đồng xu… Là người hằng ngày tiếp xúc với tiền, Nga biết, đây là tiền giả. Nga thông báo cho chị biết rồi trả lại chị. Nhận tờ tiền từ tay Nga, chị kêu trời rồi bật khóc. Chị than rằng, không biết ai lợi dụng chị mù lòa mà nỡ lừa chị thế này? Vừa thút thít khóc, chị vừa kể cho Nga nghe về gia cảnh của mình… 
Nga chăm chú lắng nghe, lòng dâng lên niềm xót xa... Nga tự thấy mình phải giúp đỡ chị. Lòng tốt không trao đi vào lúc này thì còn chờ đến khi nào? “Chị ơi! Đây là tiền giả không có giá trị lưu thông, nếu chị hết tiền, em vẫn nhận hộ chị và bán đủ thuốc cho chị về điều trị cho cháu.”. Nghe Nga nói vậy, chị không khóc nữa. Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt còn đẫm nước mắt nhưng vẫn băn khoăn: “Vậy thì thiệt cho cô quá. Khi nào có tiền nhất định chị sẽ tới gửi lại cô.”. - “Không cần đâu chị ạ, chị cứ coi như em tặng cháu. Chúc cháu mau khỏi bệnh chị nhé! Thôi, chị mau về nhà đi kẻo cháu nó mong.”. - “Đa tạ cô! Chị cám ơn cô rất nhiều…”.
Hình ảnh người phụ nữ tiều tuỵ, đáng thương vẫn in trong đầu Nga khiến mắt Nga rơm rớm. “Đấy, mẹ xem, chuyện có đáng buồn không? Con buồn vì số phận của chị ta một thì buồn vì thời buổi này còn có người lợi dụng chị ấy mù lòa để trả lại cho chị ấy đồng tiền giả mười. Sao mà có người khốn nạn thế mẹ nhỉ!”. Nga nói rồi lấy khăn giấy chấm nước mắt. Lặng đi giây lát, Nga lại vui vẻ nói với mẹ: “Nhưng con thấy cũng vui vì con đã làm được một việc tốt. Con cho chị ấy toàn bộ số thuốc về trị bệnh cho con trai mà không lấy tiền. Con làm vậy có tốt không hả mẹ?”. - “À, tốt, tốt! Rất tốt con gái ạ!”. Nói xong, bà Lê thảng thốt hỏi Nga: “Thế con có đem tờ tiền ấy về không?”. - “Có mẹ ạ! Để con lấy cho mẹ xem.”.
Cầm tờ tiền con gái đưa, bà Lê nhận ra ngay đây là tờ tiền chính bà đã trả cho chị bán rau lúc sáng. Trời ơi, sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ thế này. Liệu đây có phải là quả báo, là nhân quả như lời Phật đã dạy không? Không dám thú nhận trước đôi mắt trong veo của con gái, bà Lê run run bảo: “Con để mẹ giữ hộ tờ tiền này nhé!”. - “Để làm gì hả mẹ?”. - “Mẹ sẽ có cách xử lý!”. - “Dạ! Nhưng không được tiêu đâu mẹ nhé. Ăn xong rồi, con đi nghỉ trưa đây ạ!”.
Suốt trưa hôm đó, bà Lê trằn trọc không tài nào chợp được mắt. Câu chuyện con gái kể và câu trách cứ người nào đó của cô con gái đã làm lương tri bà bừng ngộ. Bà thấy mình có lỗi. Chỉ thiếu kiềm chế trong giây lát, lòng tham đã biến bà thành con người khác. Ngày xưa gia đình bà cũng rất nghèo khổ. Hai vợ chồng bà phải ăn ngô ăn khoai, phải nhịn ăn nhịn mặc mới nuôi nổi mấy đứa con nên người như bây giờ, phải bươn chải qua bao khó khăn mới có được của ăn của để như ngày hôm nay. Vậy mà bà đã vội quên…
Không ngủ được vì lương tâm cắn dứt, bà Lê ngồi dậy, lặng lẽ cầm tờ tiền giả bước lên tầng ba đặt lên bàn thờ. Trước ban thờ gia tiên, bà châm hương rồi lầm rầm những lời sám hối. Bà xin “các cụ” tha tội cho bà. Khấn vái xong, bà bật lửa đốt luôn tờ tiền giả. Xong việc, bà thấy lòng mình có phần nào thanh thản nhẹ nhõm hơn. Và, bà còn có ý định, ý định này bà sẽ không nói với ai, kể cả với Nga - con gái yêu của bà.
 
***
 
Nhưng, ý định của bà thật khó thực hiện, bởi gần tháng nay, sáng nào bà Lê cũng dậy sớm ra mở cổng nhà nhưng không thấy bóng dáng chị bán rau hôm trước đâu. Gặp chị, bà sẽ xin lỗi rồi trả tiền lại cho chị. Vậy mà chị vẫn không trở lại. Điều đó khiến niềm ăn năn, hối hận, day dứt… trong lòng bà Lê ngày mỗi đầy như đầy thêm.
X.M
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc