Ngày áp Tết
Ngày đăng: 19/01/2023; 163
 
          Thanh Vĩnh
 
Chợ phiên ngày áp tết đã vãn. Mẹ về, quang gánh trĩu trịt, đòn gánh vít cong nhún đều theo bước chân. Đàn con bíu ríu nhau đầu cổng, nhất loạt nhận ra dáng mẹ từ xa, từ tít cuối con đường rẽ vào làng. Dù trên con đường ấy, có khá đông các bà các cô các chị cũng quang gánh cút kít thoăn thoắt nối nhau bước. Rồi lũ con à à reo, khi nhận thấy rất rõ, cái dáng mẹ trong tấm áo ka-ki dày màu cỏ úa có đường chiết nhẹ nơi eo, mái tóc dài búi gọn sau gáy thành một búi to (khác với các bà các cô ở quê thường vấn tóc trần, chít khăn mỏ quạ, áo bông trần, mặc ngoài áo ba bà nâu cùng quần vải thô cắt ống chân què). Đến trước ngõ nhà, mẹ vừa chào các bạn chợ, vừa khéo léo nghiêng người trở vai gánh rồi rẽ vào cổng. Đàn con ríu rít ào đến, chạy tâng tâng sau gánh hàng của mẹ. Đứa gái lớn, ra dáng đàn chị cõng đứa em út chạy vượt lên trước. Vào đến sân, nó thả vội em đứng xuống sân, vừa nựng: Nào em đứng đây một tí nhé, nó vừa nhanh nhảu vào bếp, miệng rối rít: Ba ơi! Mẹ về rồi, mẹ về rồi, ba lấy hộ con cái nong trên gác bếp với! Cha nó, đang dở tay quét mạng nhện trên trần nhà, vội thả cái chổi xuống rồi với lên gác bếp rút xuống cái nong mới hơn cả đưa cho con gái. Con bé nhón lấy, thoắt trở ra, trải cái nong to tướng xuống góc hè bếp đã được cha nó dọn dẹp quét quáy sạch như li như lau. Vừa lúc, mẹ và các em nó về đến. Nó mau mắn chạy lại, đưa đôi tay nhỏ bé đỡ gánh trên vai mẹ, vừa liên mồm nhắc các em: Mấy đứa giãn ra, giãn ra cho mẹ thở nào! Rồi sẽ có quà cho các cô các cậu. Giãn ra một tí! Mẹ nó, một thiếu phụ trạc trên bốn mươi, gương mặt thanh thoát, đằm thắm với nước da bánh mật mặn mà, dáng người cao ráo, chắc lẳn. Chị chùng gối, uốn lưng, hạ gánh. Trời lạnh ngăn ngắt, vậy mà trán chị lấm tấm mồ hôi. Vừa trút một hơi thở phào, chị vừa vươn người đứng thẳng lên, đưa mắt trìu mến nhìn một lượt đàn con. 5 gương mặt với 10 con mắt hạt nhãn háo hức, 5 cái miệng o a hớn hở hướng vào mẹ. Lòng người mẹ thoắt chốc, như trút sạch tất bật âu lo dồn nén bao ngày. Người cha từ căn bếp bước ra, vừa vỗi vỗi hai tay vào nhau để phủi qua bụi bặm dọn dẹp quét tước nhà cửa, vừa trìu mến cất tiếng: Mẹ cái Bống đã về đấy à! Mệt không? Chợ Tết đông lắm phải không?
 
 
 
Thiếu phụ vừa quơ tay búi lại mái tóc vừa tươi cười nhìn chồng: Giời đất là đông là chen ba nó ạ! May hôm nay em đi sớm, rét một tí nhưng có chỗ ngồi thuận nên bán hết veo gánh gạo, rồi nhảo đi mua sắm nên cũng đủ đầy những đồ đoàn cho tết nhất. Chỉ mỗi tội đông quá, chen lấn mãi mới ra để về được thành ra vẫn trưa. Thằng cu nhỡ nắm lấy dảnh quang, ngoẹo đầu nũng nịu: Mẹ ơi cu đói! Con bé lớn vẫn dáng chị cả nạt yêu em: Đói gì mà đói, cu mới chả ăn hết cả bát cơm rang đấy thôi, có mà nó vòi quà chợ mẹ đấy mẹ ạ! Thiếu phụ dịu dàng: Ừ mẹ biết rồi, anh cu chắc là đói bánh đúc bánh đa kẹo vừng bỏng mật chứ gì! Người cha bước đến: Mẹ nó để tôi hộ một tay. Uống hớp nước cho ấm người đã! Tôi xin mình! Vừa đỡ cốc nước chè tươi ủ gừng ấm sực từ tay chồng, thiếu phụ vừa nhìn chồng bằng đôi mắt nâu đằm thắm… Người chồng ngồi xuống bên gánh hàng tết: Nào, xem mẹ cái Bống sắm được những gì cho bố con tôi ăn tết nào! Được cái gạo nếp, gạo tẻ, với gà thì nhà mình làm ra, thịt lợn thì ăn đụng nhà bác Phúc nên năm nay đi chợ em nhàn hẳn đấy mình ạ! Vợ đáp lời chồng.
Sau câu nói ấy, gánh hàng tết lỉnh kỉnh lần lượt được dỡ ra cái nong đã ngả sẵn: Mấy ống giang bánh tẻ xanh già, dăm bó lá dong xanh mỡ cuộn tròn; rồi mộc nhĩ nâu gụ, măng khô vàng sậm; mớ hành tươi lá xanh củ trắng; hơn chục quả cà chua đỏ mọng; túm ớt tươi đỏ chót; xà lách xanh non; túm rau mùi, húng thơm, thì là xanh ngân; rồi bó miến dong sợi đều ong óng; chai nước mắm ngon sánh vàng; dúm hạt tiêu thơm dậy mũi… Rồi gói mứt tết, bao chè Kim Anh, chai rượu nếp… Tất cả, tất cả những đồ ăn thực đựng chỉ ngày tết mới hiện diện trong những gia đình Việt đều được mẹ gói ghém cất trong thúng, được đạy điệm cẩn thận bằng cái vỉ buồm, cái mẹt con trên cùng là mảnh áo mưa nhỏ. Đồ cúng gia tiên dù đơn sơ thanh đạm nhưng phải thật tinh sạch… Ngày còn con gái, thiếu phụ thường được cha mẹ dặn dò như thế. Nay đã là chủ một gia đình, chị luôn thực hiện điều đó bằng tất cả sự thành tâm. Vừa làm chị vừa cặn kẽ giảng giải căn dặn đàn con. Ở một cái mủng* con khác, là mấy bộ quần áo giấy, mỗi bộ lại kèm giày dép, đôi ba chục tiền âm, vàng lá bằng giấy bản mỏng tang kẹp rất khéo dưới thân những bộ áo quần hàng mã màu tím than, nâu đen. Đó là quần áo tiền vàng mẹ sắm để biếu các cụ kỵ đã mất. Một năm đôi bận, vào những ngày kỵ giỗ và ngày tết Nguyên đán, bên cạnh mâm cỗ tươm tất, mẹ đều sắm quần áo tiền vàng để dâng cúng tổ tiên. Trần sao âm vậy, để các cụ nhà ta có quần áo mới mặc đi chơi tết ở dưới ấy… Mẹ bảo đàn đang con tò mò thành kính ngắm nhìn mấy bộ quần áo giấy ấy thế. Cạnh quần áo cho các cụ là hộp nhang vòng nâu sậm, là bó nhang đen nhưng nhức - thứ nhang thơm khi thắp lên tỏa một mùi thơm ngao ngát - thứ mùi rất đặc trưng, gợi sự ấm áp, thiêng liêng nơi ban thờ tiên tổ, kèm đó là chai dầu hỏa, để thắp đèn suốt mấy ngày tết. Ngày thường, dâng lễ, khấn vái xong, chờ hết tuần nhang, cũng là tắt luôn đèn nến, nhưng từ đêm trừ tịch 30 cho đến ngày mồng 4 tết - ngày cúng hóa vàng mã thì lúc nào trên bàn thờ gia tiên cũng phải giữ cho đèn nhang hương khói tỏa đều. Để ông bà ông vải mình về ăn tết luôn được ấm áp, được thấy con cháu sum họp đoàn viên, thấy gia cảnh ngày thêm đề huề. Mẹ bảo thế. Rồi mẹ dặn thêm: Sau này các con cũng nhớ mà làm như thế nhé! Dọc theo hai dảnh quang, mẹ còn buộc kèm đôi cây mía thân vàng óng, gióng tròn, đều tắp, ngọn phơ phất túm lá xanh. Dành làm gậy thờ ông vải - mẹ giải thích, khi thấy đàn con xúm đến ngó nghiêng. Rồi mở cái mẹt đậy thúng, mẹ lấy ra một bọc lá chuối ấm sực, nói: Quà cho các con đây, bánh hòn còn nóng mỡ đấy. Mấy chị em mang biếu bà rồi chia nhau ăn, chóng ngoan để ba mẹ còn sắp cỗ Tết nhá!
 
         
Đàn con đồng thanh: Vâng ạ! Rồi đứa lớn dắt đứa bé, loáng cái đã kéo nhau đi mang theo bọc bánh nóng hổi cùng tiếng hít hà ríu rít. Còn lại trong căn bếp với xôn xao những màu sắc hương vị, thiếu phụ cùng chồng bắt tay vào dọn dẹp. Người chồng bê từ trên quang treo xuống một cái rổ xảo to, nói như khoe với vợ: Này mình xem, sáng nay tôi đã cùng mấy nhà đi thịt lợn rồi đấy. Lợn bác Phúc to ra phết, sáu nhà ăn đụng **, mình lấy hẳn một đùi, được hơn yến cả thịt và xương chưa kể lòng, tiết đấy! Thiếu phụ nhìn vào cái xảo, bật khen nức nở: Ôi chao thịt ngon quá! Nhà nuôi được có khác. Miếng thịt chắc mà tươi tươi là… Chị ngước lên anh: Năm nay khấm khá, mình ăn tết xôm hơn cho các con nó mừng ba con Bống ạ. Thế gạo nếp đỗ xanh anh ngâm giúp em chưa? Như để trả lời vợ, người chồng thoăn thoắt bước lên chái nhà trên, lát sau, anh lễ mễ trở lại với một cái thau nhôm to trên có rá gạo nếp trắng tinh tỏa hương thơm ngát. Rồi lại trở lên chái nhà, lần này anh quay xuống cùng một cái thau nhôm nhỏ trên cũng có một cái rá con trong đó là đỗ xanh đã xát sạch vỏ, đã ngâm đãi kỹ lưỡng anh ánh một màu vàng, nom thật ngon mắt. Chồng bảo vợ: Tôi ngâm đãi một yến nếp, hai ký đỗ xanh để gói bánh chưng. Nhà mình neo, nên tôi đã gửi gạo tẻ, gạo nếp nhờ bà ngoại nhân thể gói giúp đôi chục bánh tẻ, vài chục bánh mật nữa rồi... Thiếu phụ âu yếm: Ba con Bống khéo liệu quá, nhất anh đấy! Chị lấy ra hai cái mâm nhôm sạch bong, đậy kín hai rá gạo và đỗ, vừa nói như phân công: Ba nó giúp em thui giang, lột lạt để chốc nữa gói bánh chưng nhé! Rồi vừa đẩy gộc củi vào bếp lửa đang lừ lừ cháy, chị vừa lôi từ gầm chạn ra cái nồi gang cỡ đại, đưa ra sân giếng tráng rửa sạch sẽ rồi múc đổ vào đó gần lưng nồi nước, bê vào bắc lên bếp, miệng nói: Em đun nước pha chế thịt lợn luôn cho tươi, kíp chiều có nhân gói bánh và có cái nấu cỗ cúng tất niên luôn thể…
Dọn dẹp các thứ dỡ ra từ gánh hàng tết đâu vào đấy, nồi nước trên bếp đã nóng già, thiếu phụ xắn tay áo bắt đầu pha chế thịt lợn. Người chồng bước ra vườn, bắc cái thang lên thân cau trước cửa nhà, lựa cắt xuống một tay cau hơn mươi quả còn nguyên râu. Quả nào quả nấy tròn trịa, xanh biếc. Vừa lúc, cái gái nhớn trở về, thấy cha xé cau, nó liền chạy đến: Con để em chơi bên bà ngoại, con hái trầu cúng cụ ngày tết ba nhé! Không chờ cha đáp lời, nó đã nhanh nhẹn đến bên giàn trầu quế nơi đầu hồi nhà. Nó đã được bà ngoại và mẹ hướng dẫn mấy lần, nên rất biết cách lựa những lá trầu bánh tẻ có cánh lá cân đối, to vừa phải, xanh biếc không có một vết gợn, không một xước xát đem về cúng cụ. Bầu trời ngày cuối năm âm âm, tê tê rét với nền trời sáng màu sữa loãng, những cành xoan khẳng khiu, cõng trên đó những thân dây đỗ mèo khô xác, chùm quả đỗ mèo vẫn đung đưa đánh võng tít trên cao. Lũy tre cuối rệ vườn đồi lá bạc màu sương giá. Mấy chú chèo bẻo, chào mào từ đâu bay đến, sà xuống chí chóe chành chọe nhau, rồi lại vù vù bay chuyền sang mấy cây xoan, tớp mổ những quả xoan chín nẫu trong giá lạnh. Hai cha con trở vào nhà với trầu và cau. Bàn thờ đã được lau dọn, bao sái quang quẻ. Lư hương, bình hoa sạch bóng. Người cha bắc ghế đôn, bắt đầu bày mâm ngũ quả. Hai nải chuối tiêu xanh mượt, quả còn nguyên rốn, nây đều chắc đanh được ghép lại làm một, tạo thế tay Phật rất khéo. Quả bưởi vàng au, quả phật thủ vàng thanh, quả đu đủ chín ương, quả dứa ta trái mùa tím sẫm… tất cả đều thơm tho, đều tươi mưởi, đều vừa được trẩy, hái từ vườn nhà đem vào. Thêm chục quất và dăm quả cam vàng óng được mua từ chợ. Tiếp đến là hộp mứt, gói trà, những gói bánh, kẹo, chai rượu nếp trong văn vắt. Được người cha khéo léo bày biện, một thoáng sau những hoa trái bánh mứt… đã làm thành mâm ngũ quả rất đẹp mắt. Cành đào phai chi chít nụ, e ấp mươi bông thanh mảnh thỉnh từ bên nội đem về được đốt gốc cẩn thận và trang trọng cắm trong lục bình đã đổ sẵn nước ấm. Hai cây mía làm gậy ông vải được dựng sát tường nhà dọc theo ban thờ. Cô con gái nhớn hớn hở lên xuống giữa bếp và nhà trên phụ giúp cha. Cau trầu vừa hái khi nãy được em nhẹ tay rửa sạch bụi, dùng khăn bông mới thấm khô nước, đặt vào đĩa nâng lên cùng bát nước cúng cho cha bày cạnh mâm ngũ quả. Ngắm bàn thờ ngày Tết, mắt em ngời lên: Đẹp quá, ba bày đồ cúng cụ đẹp quá! Em chạy xuống bếp, rối rít kéo tay mẹ: Mẹ lên mà xem, một tí thôi, bàn thờ đẹp lắm! Chiều con, thiếu phụ bước lên nhà trên, và rồi bật tấm tắc: Ừ đẹp thật, ba con bày khéo quá! Người chồng nhìn vợ con, mỉm cười: Còn cặp bánh chưng, bánh tẻ, chục bánh mật với mâm cỗ cúng nữa là hoàn tất bàn thờ. Thiếu phụ cũng mỉm cười: Được rồi! Có ba con Bống giúp một tay, cứ đến giao thừa, là sẽ tinh tươm hết. Bây giờ, mình gói bánh chưng anh nhé. Bống giúp mẹ khuân củi chuẩn bị bắc bếp luộc bánh, rồi còn đun nước bồ kết hương nhu với nước lá mùi già để cả nhà tắm gội tất niên nữa chứ! Con bé nhanh nhảu: Vâng ạ! Rồi nó láu lỉnh nói thêm: Tắm tất niên rồi, thì chúng con được mặc thử quần áo mới mẹ nhỉ! Mẹ cười: Được rồi, cô khéo quá đấy! Và ngay đó, vườn sau nhà đã nghe thấy tiếng chân sáo nhảy của nó. Cùng lúc, nơi căn bếp, ba mẹ nó bắt tay vào gói bánh chưng.
Bên ngoài, thoảng trong gió se se là tiếng lợn nhà ai kêu í éc, là tiếng trẻ con qua ngõ í ới khoe với nhau con quay mới đẽo để dành chơi tết, tiếng người lớn gọi nhau qua bờ dậu hỏi mượn nồi nấu bánh chưng, rủ nhau đi đụng thịt lợn. Vương vương trong cây lá miền đồi là những đụn khói tỏa lên từ bếp nhà ai. Ngày cuối năm chậm chậm trôi đi trong hương vị mùa xuân mới. Dịu dàng, thân thiết, bình yên vô cùng!
                                                        
T.V
 
* Mủng: Chỉ loại thúng con, nhỏ hơn thúng cái (thúng lớn, đựng được khoảng 20 - 25kg), thúng con thường đựng được khoảng mươi ki-lô-gam
** Đụng: Như “chung” (từ địa phương) chỉ việc nhiều gia đình rủ nhau, chung nhau mổ thịt một con lợn. Ngày trước, người Việt ở quê thường có tục này. Lợn dành ăn Tết do một nhà nuôi được. Dịp áp Tết, các nhà rủ nhau cùng chung mổ, chia nhau thực phẩm ăn Tết.

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc